Bốn phương quy tụ sắc xuân hội diều

Lê Thủy 14/04/2011 07:45

Thả diều là thú chơi quen thuộc của người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội. Hơn thế, có lẽ đây là nơi duy nhất có truyền thuyết, đền thờ, lễ hội truyền thống gắn với cánh diều.

Hội thi diều tại Miếu Diều Nguồn: vovnews.vn
Hội thi diều tại Miếu Diều

 Nguồn: vovnews.vn

Độc đáo diều Bá Dương Nội

Đã thành thông lệ, lễ hội thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội được tổ chức vào tháng Ba âm lịch. Nhưng ngay từ tháng 8 năm trước, người dân trong làng đã rục rịch chuẩn bị làm diều, người chọn tre, mua giấy, người khoét sáo, vót dây...

Con diều dự thi thường có kích thước lớn, lại kèm một dàn sáo nên việc làm diều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ năng điêu luyện và sự sáng tạo của mỗi người. Theo nghệ nhân Phạm Văn Mai, dây diều xưa làm bằng tre bánh tẻ, vót đều, nối dài rồi đem luộc 7 - 8 tiếng với một chút muối, dây vừa mềm lại vừa dai. Ngày nay được thay bằng dây nylon, nhẹ, diều càng dễ bay cao. Xưa kia, giấy dán diều bằng giấy bản, thời nay giấy có thể bằng vải, nhựa. Sáo là một bộ phận không thể thiếu của diều Bá Dương Nội. Sáo diều muốn hay phải làm bằng tre sóc (cây tre già chết khi còn ở trong bụi). Ống sáo được chia làm 2 phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ, 2 phần càng đều nhau thì tiếng sáo càng vang xa. Miệng sáo phải được khoét thật cân, lệch một chút có thể làm méo tiếng sáo. Người Kẻ Bá xưa còn dùng nan tre vót nhẵn đan thành ống, đun sơn gắn với miệng sáo khoét bằng gỗ vàng tâm… Bằng sự tài hoa, các nghệ nhân Bá Dương Nội đã làm nên 4 loại sáo diều: sáo tiếng chiêng, sáo tiếng ốc, sáo tiếng chuông và sáo tiếng còi. Đặc biệt, nhiều cánh diều có đến 5 ống sáo với 5 âm thanh hòa quyện tạo thành một bản nhạc du dương.

Về hình dáng, từ xưa tới nay, diều làng Bá Dương Nội chỉ sải cánh mà không có đuôi. Phổ biến là hình lá chanh (dài hơn 2m, rộng 0,7 - 0,8m) cánh cong, mũi nhọn dễ điều khiển; diều cánh bầu nhìn giống quả bầu, tuy không lên cao nhưng khi đứng không bị chao đảo; diều cánh muỗm, dài 2m trở lên, cong hai đầu mũi, đeo được nhiều sáo (1 - 5 cây), dễ lên cao. Ngoài ra còn có diều cánh tiên, giống như nàng tiên có đuôi xòe, dành cho trẻ em. Nhiều người trong làng biết làm diều, nhưng hầu hết người làng Bá Dương Nội chỉ làm diều để chơi, để tặng, chứ không bán.

Nguồn: baodatviet.vn
Nguồn: baodatviet.vn

Thú chơi gắn với tâm linh

Không chỉ chơi diều, tại làng Bá Dương Nội còn có truyền thuyết, đền thờ, lễ hội gắn với cánh diều. Tương truyền, xưa kia, khi trời đất giao hòa, con người và thần tiên luôn quấn quýt bên nhau. Bỗng một ngày thế gian tăm tối, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời thì cứ cao dần lên, tách xa khỏi mặt đất. Thần tiên và con người không làm cách nào gặp được nhau, gây nên bao nỗi niềm thương nhớ. Vậy nên cánh diều đã ra đời, nối sợi dây tình cảm giữa bầu trời và mặt đất, mang theo tiếng sáo du dương bày tỏ tấm lòng của người hạ giới với người cõi trên. Còn theo nội dung bản thần tích do Hàn lâm Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1572, lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội gắn với truyền thuyết ông Nguyễn Cả, tướng giỏi đã giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân...

Hàng năm, vào rằm tháng Ba âm lịch, Bá Dương Nội đón hội thả diều. Mọi nghi lễ tâm linh diễn ra tại đền thờ Nhất đẳng Thần linh châu thổ, bởi ngôi đền thờ diều nên người dân còn quen gọi là Miếu Diều. Mỗi năm, làng cử người khéo tay làm một chiếc diều thờ treo ở miếu, trên diều có đề bài thơ: Bồng bềnh lướt sóng trời mây/ Dây trường công đức sao say thiên thần/ Ơn sâu nghĩa nặng tình dân/ Bốn phương quy tụ sắc xuân hội diều. Sau phần tế lễ, rước bánh dày tưởng nhớ thần nhân, hội thi thả diều được tổ chức ở khoảng không trước cửa Miếu.

Thăng trầm cùng lịch sử đất nước, trong những năm dưới ách ngoại xâm, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ hội thả diều bị thu hẹp. Các hoạt động tế lễ, làm diều thờ và thờ diều vẫn diễn ra, nhưng, cánh diều ít khi được sải cánh trên bầu trời. Từ ngày thống nhất, thú chơi diều đã phát triển trở lại, số người chơi diều lên tới hàng trăm. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, lễ hội thả diều được khôi phục. Đến nay, mỗi năm lễ hội thu hút khoảng 100 diều, mỗi con diều có tới 2 - 3 người thả. Hội diều không chỉ là ngày hội của người dân Bá Dương Nội mà còn thu hút các làng lân cận, nghệ nhân các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế...

Với sự phát triển của thú chơi diều, xã Hồng Hà đã ra mắt Câu lạc bộ thả diều truyền thống, và được Hội Văn hóa dân gian Việt Nam công nhận là Địa chỉ văn hóa. Hiện CLB có 30 thành viên, từ những nghệ nhân hơn 80 tuổi, đến lớp trẻ từ 16 tuổi. Hàng năm, CLB tổ chức hội thi diều cho sinh viên, dạy làm diều, tham gia hoạt động ở các địa phương... nhằm tuyên truyền, phát triển thú chơi diều truyền thống.

Lê Thủy