Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Nếu phát hiện nhân tố nào không bảo đảm vận hành an toàn,thì chắc chắn chúng ta sẽ không làm

Nguyên Long thực hiện 04/04/2011 07:50

Trả lời câu hỏi về việc có tiếp tục triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong Chiến lược phát triển điện Việt Nam hay không, BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VŨ HUY HOÀNG cho biết, việc triển khai dự án nhà máy này sẽ căn cứ vào các thông tin đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Và nếu phát hiện thấy bất cứ nhân tố nào chưa thật sự bảo đảm an toàn cho việc vận hành nhà máy, đặc biệt là sự an toàn cho môi trường và cho nhân dân thì chắc chắn sẽ không làm.

PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết của QH?

BT Vũ Huy Hoàng: Theo Nghị quyết của QH Khóa XII, trong giai đoạn 2014 - 2020, chúng ta sẽ triển khai xây dựng tổ máy thứ nhất của nhà máy điệån hạt nhân Ninh Thuận và sau đó sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các tổ máy khác. Thời gian để chuẩn bị cho việc có thể khởi công xây dựng là từ nay đến năm 2014. Với tiến độ như hiện nay, Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án mới bắt đầu được nghiên cứu và xây dựng. Thời gian để có thể hoàn thành nghiên cứu báo cáo khả thi này phải mất hàng năm. Báo cáo nghiên cứu khả thi, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Chính phủ thông qua Hội đồng thẩm định Nhà nước với sự tham gia ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong trường hợp khả thi và đáp ứng các yêu cầu an toàn thì sẽ triển khai, còn nếu không khả thi và băn khoăn về độ an toàn của việc triển khai dự án thì chúng ta chưa làm. Đây là quan điểm nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như trong tham mưu của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị triển khai chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận Nguồn:bee.net.vn
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Nguồn:bee.net.vn

Vì thế, tôi khẳng định: quyết định về việc có tiếp tục hay không tiếp tục triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước hết sẽ căn cứ vào các thông tin có được thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án. Hai là nếu phát hiện bất cứ nhân tố nào chưa thật sự bảo đảm độ an toàn cho việc vận hành nhà máy, đặc biệt là sự an toàn cho môi trường và cho nhân dân thì chắc chắn chúng ta sẽ không làm.

PV: Theo kế hoạch, nếu triển khai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thì chúng ta sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại, cụ thể là thế hệ thứ 3 hoặc 3+,  thưa Bộ trưởng?

BT Vũ Huy Hoàng: Đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Nghị quyết của QH đã nhấn mạnh: nhà máy phải bảo đảm được vấn đề công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất đã được kiểm định và bảo đảm vận hành an toàn. Hiện nay, thế giới đang sử dụng các thế hệ lò phản ứng công nghệ thế hệ 3 và 3+, tiên tiến hơn nhiều so với công nghệ thế hệ thứá 2 đã được sử dụng cách đây 30 - 40 năm. Và đến khi lập và hoàn thành xong Báo cáo nghiên cứu khả thi thì sẽ xác định được công nghệ chúng ta lựa chọn có đáp ứng được yêu cầu đã đề ra hay không. Đây là yêu cầu về an toàn và hiện đại của thiết bị và công nghệ.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên, nhiên liệu sinh điện như thủy điện, nhiệt điện… và các loại năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời… để thay thế cho việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân trong Chiến lược phát triển điện của đất nước? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

BT Vũ Huy Hoàng: Trong chiến lược về an ninh năng lượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ Chính trị phê duyệt thì đã tính đến thực tế: những nguồn điện ở Việt Nam hiện nay sử dụng các dạng năng lượng truyền thống và năng lượng không tái tạo sẽ ngày càng cạn kiệt. Đối với thủy điện, chúng ta đã khai thác hết trữ năng của nguồn này, nhất là thủy điện lớn, còn thủy điện nhỏ thì thực ra hiệu quả kinh tế không cao. Để bảo đảm cân đối được an ninh năng lượng trong thời gian tới, nhất là sau 10, 20 và 30 năm nữa thì rõ ràng phải giải quyết bài toán thiếu năng lượng, cụ thể là thiếu điện. Giải pháp đưa ra là bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ than, các mỏ dầu khí (nếu có) để bổ sung cho các nguồn năng lượng đang cạn kiệt thì phải sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thậm chí năng lượng thủy triều...

Nhưng theo điều tra ban đầu của các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực điện năng thì việc đưa vào sử dụng các loại năng lượng trên đòi hỏi thời gian và chi phí rất lớn, chưa kể nhiều nơi không có khả năng để khai thác các nguồn năng lượng này do điều kiện tự nhiên, do công suất thấp hoặc chi phí đầu tư rất cao... Trong khi đó, năng lượng hạt nhân dùng để phát điện đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay. Ở một số quốc gia, tỷ lệ điện hạt nhân chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ cơ cấu điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân: ví dụ ở Nhật Bản khoảng 30%, Hoa Kỳ khoảng 20% và ở Pháp đã lên tới gần 70%. Đối với Việt Nam, một trong những định hướng trong chiến lược về an ninh năng lượng là nghiên cứu để sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Đến năm 2020, tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng cơ cấu nguồn điện cũng không lớn, theo tính toán khoảng 10%. Vì vậy, đối với các nguồn khác như: điện gió, điện mặt trời, nhiệt điệån, điện thủy triều... vẫn đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu có bước đi, có cơ chế chính sách để động viên, khuyến khích việc đầu tư

PV: Thưa Bộ trưởng, như vậy có nghĩa là, về lâu dài thì phát triển điện hạt nhân là nhu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển điện quốc gia. Chúng ta chuẩn bị như thế nào cho vấn đề nguồn nhân lực vận hành nhà máy điệån hạt nhân ở Việt Nam?

BT Vũ Huy Hoàng: Sau vấn đề công nghệ của nhà máy điện hạt nhân thì con người là nhân tố quan trọng, nếu không nói là nhân tố quyết định. Để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân, cách đây nhiều năm, Chính phủ đã có chủ trương đào tạo cán bộ đầu ngành, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tiến tới để vận hành các nhà máy điện sử dụng năng lượng hạt nhân. Hiện nay, chúng ta cũng đã có một số các cán bộ đầu ngành này đã tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nổi tiếng trên thế giới như ở Nga, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ... và đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu cũng như các cơ quan sản xuất của Việt Nam. Và để chuẩn bị cho việc xây dưng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, chúng ta đã có chương trình hợp tác với một số đối tác như Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga... để gửi học sinh, sinh viên sang học tập và đào tạo tại các nước này; đồng thời tiếp tục cử các cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân để đào tạo nâng cao thành những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tôi nghĩ rằng, từ nay đến năm 2020, nếu theo đúng dự kiến là sẽ đưa được tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân vào vận hành thì chắc chắn chúng ta có đủ nguồn nhân lực được đào tạo bảo đảm vận hành nhà máy. Tất nhiên trong giai đoạn đầu thì cần có sự trợ giúp của chuyên gia, sau đó, sẽ dần vươn lên để làm chủ công nghệ, vận hành..

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

Nguyên Long thực hiện