Họp báo về sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản
Sáng 16.3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo, thông báo về sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11.3 vừa qua.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong đã quyết định thành lập Tổ công tác bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam những thông tin về Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Thông qua các nguồn tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan có liên quan của Nhật Bản và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, có thể đưa ra một số nguyên nhân vụ nổ tại các tổ máy số 1 và số 3 là do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu), vụ nổ đã phá vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Nguyên nhân nổ ở tổ máy số 2 và số 4 còn đang được điều tra. Các vụ nổ và cháy này chưa ảnh hưởng đến kết cấu các lớp bảo vệ an toàn của lò. Theo đánh giá Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA), cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I đang ở mức 4, tai nạn với hậu quả cục bộ theo thang sự cố quốc tế INES. Mức cao nhất là mức 7 như thảm họa Chernoby l vào năm 1986.
Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, hiện nay các đám mây phóng xạ lớn nhất đang bay về phía Đông Bắc Nhật Bản và bay ra biển Thái Bình Dương nên chưa ảnh hưởng đến nước ta. Hiện nay, các chuyên gia quốc tế và trong nước đang kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an toàn hạt nhân và tổ chức sơ tán những người sống gần Nhà máy Fukushima I. Sau đó, lệnh sơ tán của Chính phủ Nhật Bản được mở rộng với bán kính từ 10 - 20km. Hơn 50.000 người đã được sơ tán trong ngày 12.3 và lên đến hơn 170.000 người vào ngày 13.3. Hiện công tác ứng cứu và giảm thiểu hậu quả của sự cố hạt nhân đang được triển khai và thực hiện tích cực tại Nhật Bản.