Cuộc chiến không tiếng súng

Ngọc Quang 12/03/2011 07:59

Chiến tranh mạng đã xảy ra? Tháng 7.2010, thế giới phát hiện loại virus Stuxnet ở Iran không những là loại virus độc hại mà còn là loại siêu vũ khí số hiện đại. Không giống phần mềm độc hại Trojans và các virus ẩn náu trong một máy tính để đánh cắp mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc thông tin của các công ty độc quyền, Stuxnet sẽ gây nên sự phá hủy trên toàn thế giới.

Trong trường hợp ở Iran, rõ ràng đối phương có ý định phá hủy toàn bộ máy móc quan trọng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Tháng 8.2010, virus Stuxnet được đưa vào các máy tính của Iran ở 5 địa điểm bằng một “ổ đĩa ngón tay” đã bị nhiễm. Khi nằm trong hệ thống máy tính, Stuxnet có thể phát hiện mục tiêu của nó là hệ thống máy ly tâm hạt nhân được quản lý bằng máy tính và phá hủy toàn bộ máy móc. Các chuyên gia dự đoán virus Stuxnet phá hủy tới 1.000 máy ly tâm trong các nhà máy của Iran mà không cần sự trợ giúp của con người, không cần ai kích chuột hoặc hướng dẫn điện tử.

Kể từ khi xuất hiện, Stuxnet đã chứng minh được rằng nó là một vũ khí mạng có thể phá hủy các nhà máy và trang thiết bị.Ấy vậy mà, hiện nay, các thành phần mã số của Stuxnet rất sẵn trên Internet, các nhóm tội phạm có tổ chức, những kẻ buôn bán vũ khí mạng, tin tặc, tóm lại là bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tải xuống và tái sử dụng cho các mục đích phá hoại.

Theo các chuyên gia, mặc dù kiểu chiến tranh số chiến lược và quy mô lớn chưa thể xảy ra lúc này, nhưng các hoạt động gián điệp, phá hoại và  tấn công mức độ thấp trên mạng nhằm phá hủy các hệ thống điện tử đã và đang diễn ra trên thế giới.

Mặt trái của thế giới công nghệ mới

Hiện nay, định nghĩa về một “cuộc tấn công mạng” hay “chiến tranh mạng” không giống nhau, nhưng Mỹ đặc biệt quan tâm đến hàng loạt cuộc xung đột mạng mà bản thân “chú Sam” cũng đang là nạn nhân. Các chuyên gia Mỹ thừa nhận họ đang trong cuộc chiến tranh mạng kinh tế khi nhiều sáng kiến của các công ty bị phá hoại, nhiều việc làm bị mất và kinh tế suy yếu lâu dài. Nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng có thể nảy sinh từ hoạt động đánh cắp ý tưởng sáng chế một động cơ máy bay chiến đấu hay công nghệ tiên tiến nào đó. Một thực tế là trong trật tự thế giới công nghệ mới, bất cứ nước nào, các nhóm khủng bố hoặc các tổ chức nào có tiền và hiểu biết kỹ thuật đều có thể phát triển hoặc mua các chương trình phần mềm để làm gián đoạn các hệ thống máy tính từ xa. Cái khó nữa là xác định rõ kẻ thù trong một cuộc chiến tranh mạng để có biện pháp trả đũa sẽ phức tạp hơn nhiều trong một cuộc chiến tranh thông thường. Bởi môi trường ảo tạo cơ hội thuận lợi cho những kẻ thù không rõ danh tính.

Người ta tin rằng chỉ cần đánh nhà máy điện ở một khu vực lớn, Mỹ có thể bị rối loạn. Xã hội Mỹ sẽ ra sao nếu không có hơi ấm trong mùa đông ở New England, không có tủ lạnh để chứa thức ăn, rò rỉ một chùm phóng xạ hoặc khí hóa chất ở một thành phố, hay một hệ thống kiểm soát không lưu bị gián đoạn?

Làm thế nào để đối phó?

Ở Mỹ, Trung tâm Phân tích Thông tin liên lạc và An ninh mạng Quốc gia (NCCIC) ở ngoại ô Washington đã được trang bị các công nghệ hiện đại bậc nhất. Các ngân hàng máy tính, các ổ đĩa cứng trong máy tính để bàn, được kết nối với một hệ thống điện tử có nhiệm vụ theo dõi hàng tỷ thông tin chuyển đến hàng chục cơ quan liên bang mỗi giây. Bất cứ lúc nào, một nhà phân tích có thể đưa các thông tin lên bức tường rộng bằng 5 màn hình vô tuyến cỡ lớn. Mục đích của tất cả các phương tiện trong trung tâm nhằm giúp các chuyên gia ngăn chặn những gì có thể gây nên cuộc chiến tranh thế giới sắp tới.

Cụ thể, một hệ thống mang tên “Einstein II” sẽ phát hiện một cuộc tấn công lớn trên mạng đánh vào Mỹ. Những dấu hiệu đầu tiên của một “Trận Trân Châu Cảng điện tử” có thể đánh sập phần lớn lưới điện quốc gia hay phá hủy một hệ thống máy tính quân sự quan trọng sẽ bị hệ thống phát hiện và đưa ra giải pháp đối phó. Trung tâm cũng được kết nối với 4 trung tâm theo dõi quan trọng khác của Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Quốc phòng (DOD) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) để theo dõi các hệ thống máy tính ở nước ngoài và quân đội.

Đó là kết quả của nỗ lực phát triển các vũ khí mạng của Mỹ. Năm 2009, khi công bố quan điểm mới về an ninh mạng, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi cơ sở hạ tầng số là một “tài sản quốc gia chiến lược”. Tiếp đó, đầu năm ngoái, Lầu Năm Góc ra mắt Bộ Chỉ huy Mạng chung của Mỹ để tăng cường và củng cố các khả năng chiến tranh số của Bộ Quốc phòng, kể cả khả năng phát động đòn tấn công phủ đầu. Không gian mạng được gắn với các khu vực trên biển, trên không, trên bộ, vũ trụ và là lĩnh vực thứ năm mà Mỹ tìm cách “thống trị”.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh số có thể dẫn đến những hậu quả bất ngờ và nghiêm trọng hơn người ta tưởng. Diễn ra trong vài giây, nhưng cuộc chiến tranh mạng có thể tạo ra các cuộc xung đột ở bên ngoài thế giới máy vi tính. Và chắc chắn, cuộc xung đột đó sẽ kéo dài gấp nhiều lần và đầy tang thương.

Ngọc Quang