Những cuộc tình làm nên một văn tài

Đăng Bẩy 28/02/2011 07:56

“Chẳng một người nào có thể trở thành xa lạ hơn cái người mà ta đã yêu và đã bỏ”- câu châm ngôn đó rất dễ trở nên vô giá đối với những cặp vợ chồng đang muốn đưa nhau ra tòa ly dị và có một xuất xứ rất ấn tượng. Tác giả của nó là một nhà văn Đức điển trai và có một đặc điểm là chỉ viết được tác phẩm khi chịu ảnh hưởng của mối quan hệ gần gũi với một người đàn bà nào đó.

Người đã dành cho nhà văn cả một căn hộ để ngồi viết Phía tây không có gì lạ
Người đã dành cho nhà văn cả một căn hộ để
ngồi viết Phía tây không có gì lạ

Trái tim nhà văn này đã từng “nương náu” trong cả trăm người phụ nữ, từ cỡ ngôi sao điện ảnh đến cô con gái của một đức ông giàu thế lực và yêu thích văn ông. Ông là Erich Maria Remarque (1898-1970), tác giả của những cuốn tiểu thuyết bất hủ: Phía tây không có gì lạ (Mặt trận miền tây yên tĩnh), Ba người bạn (Chiến hữu), Khải hoàn môn, Thời gian để sống và thời gian để chết, Bia mộ đen, Bản du ca cuối cùng của những người không còn đất sống…

Những cuộc tình thoảng qua, thiết nghĩ, sẽ không có chỗ trong bản danh sách người tình dài dằng dặc của ông. Những người viết tiểu sử nhà văn cũng không muốn truy nguyên nhân thân của những phụ nữ đã từng làm quen với Remarque dưới ánh đèn đường phố châu âu. Chỉ căn cứ vào hồi ký của chính Remarque, người đọc đã có thể đếm được: trong vòng 39 năm, ông đã yêu rồi bỏ 122 người phụ nữ.

Những người yêu chuộng nhà văn cũng không thể nắm bắt được một cách chi tiết quan hệ giữa Remaque với một trong những phụ nữ xuất chúng thời bấy giờ - bà Leni Riefenstahl, (1902-2003, một diễn viên, diễn viên múa kiêm đạo diễn nổi tiếng với khả năng cách tân và con mắt thẩm mỹ trong cách làm phim; có thời, do có quan hệ cá nhân với Adolf Hitler và Joseph Goebbels đã đem tài năng của mình phục vụ Đức Quốc xã nên về sau ít được nhắc tới). Chỉ biết rằng bản thảo cuốn sách bất hủ của Remarque - Phía tây không có gì lạ - đã được viết “liền một mạch”, theo giải thích của chính tác giả sau này, tại căn hộ của người phụ nữ đó ở Berlin. Đấy là thời kỳ nữ nghệ sĩ đang tràn trề sinh lực trên đỉnh cao sáng tạo, còn nhà văn thì thấy đúng là bút trong tay mình tự chạy trên trang giấy. Ông để bản thảo trong ngăn bàn dễ tới nửa năm, rồi đến tháng 3.1928 mới đưa cho xuất bản gia Manuel Fischer, ông chủ của S. Fischer Verlag, nhưng bị từ chối… Số phận của bản thảo này sau đó hẳn khiến xuất bản gia Manuel Fischer và những người kế nhiệm sau này tiếc đến nhường nào! Remarque chuyển bản thảo sang Haus Ullstein, nhưng nhà xuất bản này cũng rất “chắc lép”, yêu cầu hoặc tác giả bỏ tiền túi, hoặc chờ in thử trên báo Vossische Zeitung cũng thuộc tập đoàn mình, rồi còn phải tập hợp ý kiến phê bình, rồi phải chỉnh sửa, sau đó mới chịu ấn hành chính thức…

Jutta Zambona, nguyên mẫu cho cuốn Ba người bạn
Jutta Zambona, nguyên mẫu cho cuốn Ba
người bạn

Nước Đức tiếp nhận bản tuyên ngôn chống chiến tranh của Remarque như một sự lạ, và trong vòng chỉ một năm, hơn một triệu bản Phía tây không có gì lạ đã được bán hết. Tiểu thuyết này tuy được dịch ra 36 thứ tiếng, nhưng ở trong nước đã bị nhà cầm quyền không tiếc lời dè bỉu và kích động thanh niên tẩy chay.

… Hồi đó là năm 1916, có một người lính trơn giải ngũ đã không lúc nào gỡ khỏi mình bộ quân phục của… sĩ quan, và khi được điều về dạy học tại một trường làng, anh ta đã tô vẽ mình như một chiến binh dạn dày trận mạc. Ngày ngày cặm cụi viết văn, anh được một người bạn gái giới thiệu với cô con gái rượu của một xuất bản gia ở Berlin. Được sự giúp đỡ của cô này, nhà văn tương lai chuyển về Berlin sinh sống và, với bộ dạng một người thất tình mang trong túi 500 đồng mark, anh ta thuyết phục được nhà quý tộc thất thế Huho phon Buchvald nhận làm con nuôi để được mang một danh tính quý phái. Người vợ đầu tiên của anh ta - cô diễn viên múa Jutta Zambona vóc người gày gò mảnh khảnh với cặp mắt mở to luôn luôn bị căn bệnh lao giày vò - sau này đã được dùng làm nguyên mẫu cho nhiều nhân vật phụ nữ trong các tiểu thuyết của anh chồng, ví dụ, nàng Pat trong Ba người bạn.

Marlene Dietrich và Remarque bên nhau tại Hollywood, 1939
Marlene Dietrich và Remarque bên nhau tại Hollywood, 1939

Tuy nhiên, mối tình giàu kịch tính nhất của Remarque phải mãi sau này mới đến. Tháng 9-1937, tại một khách sạn Paris, trong phòng ăn, một phụ nữ yêu kiều là nữ nghệ sĩ Marlene Dietrich cùng với người chồng hồi đó đang ngồi rầu rĩ: họ mới bị hãng Paramount Pictures đuổi đi. Nhưng chỉ vài phút sau đã thấy minh tinh màn bạc cùng nhà văn Remarque đang say đắm quay theo một điệu nhạc. Chỉ độ hai tuần sau, Marlene Dietrich đã thực hiện một việc làm thuộc cỡ “kinh thiên động địa”: nàng đến lãnh sự quán Đức rút hộ chiếu nước ngoài để trở về nước Mỹ. Cặp mắt nàng ánh lên rạng rỡ, long lanh: để được ngồi bên người tình mới trong cùng một chuyến tàu biển, nàng sẵn sàng làm tất cả, thậm chí, nàng dám thề với tổng lãnh sự quán rằng, dẫu có ra nước ngoài nhưng lòng dạ vẫn luôn luôn là người con gái trung thành của Đức. Cử chỉ đó đã giúp nàng cùng Remarque lọt được vào cửa Hollywood để chung sống với nhau. Tuy nhiên chẳng được bao lâu, cặp tình nhân di tản bắt đầu cãi cọ, và chính Remarque trở thành nạn nhân của “giò phong lan thép”: Marlene rất hay giày vò thần kinh của người tình, luôn luôn đưa ra cớ nọ cớ kia để gây sự hoặc nổi máu ghen tuông. Chàng Erich chỉ còn biết dìm nỗi buồn vào những ly rượu mạnh và những chuyến phóng xe hơi với tốc độ chóng mày chóng mặt. Rồi người ta cũng tìm được căn nguyên: Marlene đã trở thành người tình của một doanh nhân giàu sụ ở New York. Đến khi Remarque bất chấp mọi dị nghị, ngỏ lời cầu hôn với Marlene thì được nàng thông báo bằng giọng ráo hoảnh: đang bận bình phục sức khỏe khi vừa nạo đi cái thai với diễn viên nam James Stewart, người đóng cặp với cô trong bộ phim vừa quay Destry lại lên yên ngựa. Lúc đó, nhà văn mới ngã ngửa người ra vì “biên bản của bi kịch đời mình” và ông lấy nguyên mẫu đó lao vào viết một cuốn tiểu thuyết mới. Nhân vật chính của Khải hoàn môn là một bác sĩ bị ruồng rẫy đã buộc phải nhận những ca phá thai, còn cô người yêu của anh ta - Joan Madou - thì được bệ nguyên xi, cả ngoại hình cả tính cách, từ nàng Marlene khắc kỷ “với khuôn mặt xanh tái, những thớ thịt nhô cao, nàng gợi nhớ tới một chiếc mặt nạ và cặp mắt mở to ẩn chứa rất nhiều bí mật, vừa không giấu giếm một cái gì lại vừa không hé lộ một cái gì”... Những giày vò nội tâm của Remark trong thời kỳ “lãng mạn” dưới ngôi sao có tên là Marlene Dietrich về sau đã được lồng vào học thuyết của một người Đức khác - Sigmund Freud. Nhà văn luôn luôn có một nhu cầu bệnh hoạn là thích được nhận sự ve vuốt, dù là giả tạo, của phía khác phái. Điều này đã trở thành mặc cảm của Remarque, bởi vì ta biết rằng khi nhà văn còn nhỏ, người mẹ đã không hề thấy dấu hiệu cô đơn của Erich nên chỉ dồn hết mọi quan tâm đến người con trai cả có tên Theodor. Các nhà khoa học có giải thích rằng chính vì thế mà Remarque luôn luôn sợ bị bỏ rơi, thậm chí thiên về thể hiện sự yếu đuối của mình khi giao du với phụ nữ. Tất cả những người xung quanh ông đều phải luôn miệng khen ngợi, tâng bốc Remarque, nếu không, nhà văn sẽ rơi vào trầm cảm. Marlene Dietrich đã không biết và không thích học làm việc đó.

Biệt thự ở Porto Ronco, tổ ấm của Paulette Goddard và Remarque
Biệt thự ở Porto Ronco, tổ ấm của Paulette Goddard và Remarque

Tình yêu chết đi không thể để lại một tình bạn. Kết thúc là kết thúc” - Remarque đã viết như thế trong tác phẩm Khải hoàn môn – cuốn tiểu thuyết mà ông chỉ có thể hoàn thành sau khi đã cắt đứt quan hệ với nữ nghệ sĩ Marlene Dietrich. Khi đó ông đã 46 tuổi.

Từ năm 1942, Remarque rời Hollywood, chuyển về sống ở New York. Ông càng trở nên nổi tiếng khi công chiếu bộ phim chuyển thể (năm 1957) từ cuốn tiểu thuyết cùng tên Thời gian để sống và thời gian để chết (được coi là cuốn sách hay nhất viết về cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai). Trong phim, hình ảnh nhà văn tác giả đã được lưu lại với vai giáo sư Pohlmann.

Những năm cuối đời, Remarque sống tại Porto Ronco, Thụy Sĩ, trong ngôi biệt thự cạnh hồ Maggiore với nhiều cổ vật quý giá mà ông mua được.

Năm 1958, làm xong thủ tục ly hôn với Jutta Zambona, ở tuổi 60, Remarque kết hôn với diễn viên Paulette Goddard, vợ cũ của Vua hề Charles Chaplin, sau mười tám năm quan hệ không chính thức. Họ sống bên nhau tới ngày Remarque qua đời (25.9.1970) tại bệnh viện Locarno, Thụy Sĩ.

 Và trong văn học, người ta phân toàn bộ sáng tạo của Remarque ra làm hai giai đoạn - trước và sau Marlene.

___________________________________________

1. Người đã dành cho nhà văn cả một căn hộ để ngồi viết Phía tây không có gì lạ
2. Jutta Zambona, nguyên mẫu cho cuốn Ba người bạn
3. Marlene Dietrich và Remarque bên nhau tại Hollywood, 1939
4. Biệt thự ở Porto Ronco, tổ ấm của Paulette Goddard và Remarque

Đăng Bẩy