Lớn và mạnh

Diệu Minh 26/02/2011 07:36

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh không làm rùm beng sự kiện này, trái lại còn khiêm tốn thừa nhận “Trung Quốc vượt Nhật Bản để thành nền kinh tế lớn thứ hai, nhưng không phải là nền kinh tế mạnh thứ hai”. Hơn ai hết, họ hiểu rõ sự khác biệt giữa lớn và mạnh.

Cái lớn của Trung Quốc là dân số, hơn 1,3 tỷ người so với 127 triệu dân Nhật Bản. Với số dân khổng lồ như vậy, chuyên gia Richard Jerram đặc trách vấn đề kinh tế châu Á tại Ngân hàng Macquarie cho rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi kinh tế Trung Quốc (có kích cỡ) lớn hơn Nhật Bản. Theo ông, khi đánh giá nền kinh tế của một quốc gia mà chỉ nhìn vào giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì thực là vô nghĩa. Nếu cho rằng kinh tế Trung Quốc hơn Nhật Bản, chẳng khác gì nói rằng Australia giàu hơn New Zeland. Trong khi xét về tỷ lệ GDP bình quân đầu người và khoảng cách giữa thu nhập của người giàu và người nghèo, giữa dân thành thị và nông thôn, Trung Quốc vẫn chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn trong Top 100 quốc gia của thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế ở Tokyo cũng không bất ngờ trước sự kiện Trung Quốc vượt mặt Nhật Bản. Lý do là vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, đạt hơn 10% trong năm 2010, trong khi Nhật Bản tiếp tục sụt giảm. Quý IV/2010, kinh tế Nhật Bản sụt giảm 0,3% so với quý III/2010 và đây là lần suy thoái đánh dấu sự kết thúc các biện pháp kích cầu do chính phủ thực hiện. Tuy vậy, dù chỉ tăng trưởng xấp xỉ 4% năm 2010, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với một số không ít nền kinh tế thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE).

Khi được hỏi phải nhìn nhận thế nào nếu đặt hai nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản lên bàn cân so sánh, chuyên gia Jerram nêu rõ: Nếu muốn nói về vai trò mà một nước nắm giữ trong hệ thống thương mại thế giới, Trung Quốc từ nhiều năm qua đã là nước có nền thương mại lớn hơn Nhật Bản. Còn nếu muốn nói về sự sung túc của các cá nhân trong một quốc gia, phải nhìn vào mức thu nhập tính trên đầu người, và xét về mặt này, Nhật Bản bỏ xa Trung Quốc. Hiện người dân Nhật Bản có thu nhập bình quân 40.000 USD/người/năm, cao gấp 10 lần người dân Trung Quốc, vốn phần đông vẫn còn nghèo.

Tất nhiên, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây và kèm theo đó là những con số tuyệt vời về GDP. Nhưng xét từ góc độ phát triển tiềm năng khoa học và công nghệ, trình độ thiết bị sản xuất trong công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác, Nhật Bản vẫn duy trì được chất lượng kinh tế cao của mình. Nhiều nhà phân tích kinh tế cũng đồng ý với đánh giá này của chuyên gia Irina Lebedeva (Viện Đông phương học của Nga) và cho rằng về mặt này, Nhật Bản đi trước Trung Quốc vài thập kỷ.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã bước vào con đường công nghiệp hóa nhanh chóng và kinh tế nước này đã phát triển đến mức được mệnh danh là “phép lạ kinh tế châu Á” và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai từ hơn 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong khoảng 20 năm trở lại đây. Tháng 1.2011, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ mức đánh giá tín dụng của Nhật Bản vì cho rằng Chính phủ nước này thiếu một “chiến lược mạch lạc” để đương đầu với khoản nợ công lên tới gần 200% GDP, mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào.

Về phần Trung Quốc, sau 20 năm đầu cải cách, sức bật của nền kinh tế nước này chưa mạnh như Nhật Bản trong cùng thời kỳ và chỉ tăng vọt từ khoảng 10 năm trở lại đây, lần lượt vượt Italy (năm 2000), rồi Pháp, Anh, Đức và bây giờ là Nhật Bản. Giống như người khổng lồ Đông Á sau khi vượt Tây Đức trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới năm 1967 và tăng trưởng không ngừng cho tới đỉnh cao vào năm 1995, đã phải trải qua một khúc quanh chập chờn kéo dài đến nay, nền kinh tế Trung Quốc khi lên đến đỉnh cao (vượt Nhật Bản) cũng đang ở vào khúc quanh. Nhưng khác với người láng giềng Đông Bắc, sản lượng bình quân của Trung Quốc hiện vẫn thua Nhật Bản tới 10 lần. Nhìn rộng hơn, sản lượng của hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba cộng lại vẫn chưa bằng sản lượng của Mỹ, nay đạt hơn 14.660 tỷ USD.

Theo một số nhà phân tích ở Tokyo, cần có một “phép lạ” thật sự mới biến được Trung Quốc thành cường quốc kinh tế số hai thế giới. Nếu mức sống của người dân Trung Quốc bằng Nhật Bản, GDP thực sự của Trung Quốc phải lớn gấp 10 lần Nhật Bản. Trưởng khoa Chính trị học Đại học MGIMO ở Moscow, Alexei Voskresensky, lưu ý yếu tố hoàn cảnh sẽ luôn kiểm nghiệm độ vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, 70% nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu. Việc trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới giúp Trung Quốc chiếm ưu thế dẫn đầu về dự trữ ngoại hối, nhưng kèm theo những yếu tố rủi ro rất lớn. Chẳng hạn, chỉ 10% suy giảm đầu tư sẽ làm cho nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế không thể đạt được.

Tuy nhiên, với tiềm lực khổng lồ về dự trữ ngoại tệ và lực lượng lao động, Trung Quốc trong tương lai hoàn toàn có khả năng trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thực sự. Điều quan trọng là họ phải tránh lặp lại những sai lầm Nhật Bản từng mắc phải, chẳng hạn như vấn đề cơ cấu dân số (thiếu lao động), hệ thống ngân hàng yếu kém, chính sách công thiếu hiệu quả, đánh mất lợi thế cạnh tranh sau khi mở cửa thị trường,... Muốn thế giới nhìn vào với con mắt thán phục, hãy tạo ra tăng trưởng trên cơ sở chất lượng và giá trị thặng dư, hơn là sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn.

Diệu Minh