Cây gậy dầu mỏ
Khủng hoảng dầu mỏ - đó là nguy cơ được nhắc tới ngày một nhiều trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Trung Đông tiếp tục lan rộng. Nhưng điểm nhấn chú ý không phải giá dầu sẽ tăng lên bao nhiêu, có đủ dầu cung cấp cho thị trường thế giới hay không, mà băn khoăn chủ yếu là Mỹ và phương Tây sẽ đối phó thế nào với cuộc khủng hoảng này khi họ đang đi ngược lại những bài học và giá trị trong lịch sử. Nhiều khả năng họ sẽ nhận được cây gậy dầu mỏ chứ không phải củ cà rốt như từng nhận trong quá khứ.
|
Không ít nhận xét thẳng thắn đã được đưa ra: Nếu thế giới lại lâm vào cảnh khan hiếm dầu, các nước Trung Đông sẽ không còn hỗ trợ phương Tây và Mỹ vì Washington đang chống lại những đồng minh cũ tại Trung Đông. Thực tế, cuộc khủng hoảng dầu mỏ sắp tới sẽ không giống với các cuộc khủng hoảng trước đây, khi mà phương Tây có thể dựa vào các nước xuất khẩu dầu mỏ, thời mà tất cả các nước Trung Đông đều cho rằng sức mạnh quân sự Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển bằng bất kỳ giá nào. Ngày nay, hầu hết các nước Trung Đông đều coi Mỹ là một cường quốc đang suy giảm và bất lực. Cộng thêm những tác động của Mỹ tới tình hình bất ổn tại khu vực này, phương Tây sẽ không thể dựa vào sự hợp tác của Trung Đông để hạn chế sự hỗn loạn tại các thị trường dầu mỏ và những biến động kinh tế ở trong nước.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ gần đây nhất diễn ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đễn những hỗn loạn tại phương Tây. Tại Mỹ, ô tô phải xếp hàng dài để đổ xăng, chính phủ đã in phiếu để chuẩn bị cho việc phân phối xăng dầu và bang California đã phải thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Mỹ, hồi đó Ảrập Xêút đã tăng sản lượng thêm 30%, Kuwait và các nước xuất khẩu khác cũng đã tăng sản lượng để bù vào sự thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran. Kết quả là trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979, mức thiếu hụt ở phương Tây chỉ là 4%, đủ để ngăn chặn việc phân phối xăng dầu, nhưng không đủ để ngăn giá dầu tăng và một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 và ngày nay, khi các thị trường dầu mỏ thiếu hụt hoặc các nền kinh tế phương Tây cần được bôi trơn, Ảrập Xêút và các đồng minh Trung Đông khác đều tăng sản lượng để hỗ trợ các nền kinh tế phương Tây. Điều đó chứng tỏ trong mối quan hệ giữa giới lãnh đạo nhiều nước Trung Đông và phương Tây, thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau là điều được đề cao. Nhưng thiện chí và sự tôn trọng này hiện không còn nữa. Năm 1978, Mỹ không thừa nhận rằng họ đã giúp lật đổ chính quyền của Quốc vương Iran mà chỉ thúc đẩy những cải cách và những bước hướng tới dân chủ. Nhưng trong trường hợp của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Mỹ đã công khai giúp lật đổ chế độ này, bất chấp 30 năm hợp tác. Cách hành xử của Mỹ đã khiến Quốc vương Abdullah của Arập Xêút bất bình và có tin ông này đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc điện đàm nảy lửa. Để nói rõ với thế giới Ảrập về quan điểm của ông và những điều ông nghĩ về cách hành xử của Obama, Quốc vương Abdullah đã ra lệnh cho các trợ lý miêu tả sự đối đầu của ông với Obama với báo chí. Để nhấn mạnh sự phản đối chính sách của Mỹ, Abdullah còn quyết định chống lại việc Washington đe dọa cắt viện trợ hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập, khi cam kết cung cấp cho Cairo số tiền này nếu Mỹ cắt viện trợ. Quốc vương Abdullah không làm điều này để giúp riêng Mubarak, một người bạn thân thiết của ông, mà để khẳng định sự tôn trọng và phẩm giá là điều quan trọng nhất tại Trung Đông.
Hiểu rằng Mỹ cũng sẽ quay lưng với họ khi cần thiết, Ảrập Xêút giờ đây nhận thấy họ cần phải tự lực cánh sinh và đang bắt đầu hướng chính sách đối ngoại ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, ví dụ như đang xem xét việc thỏa hiệp với đối thủ chính là Iran. Các nước sản xuất dầu mỏ khác trong khu vực chắc chắn cũng đã rút ra bài học tương tự. Khi tình hình tại Trung Đông đang bất ổn, triển vọng gián đoạn các nguồn cung cấp dầu là hiện hữu. Lần này, khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra, các nước sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông sẽ ít cảm thấy có nghĩa vụ phải làm theo mệnh lệnh của Mỹ, mà ngược lại họ có thể muốn chứng tỏ cho Mỹ về cái giá của việc Washington đã không tôn trọng họ. Và Chính quyền Obama có thể cần đến số phiếu phân phối xăng dầu mà Mỹ đã in năm 1979.