Việc dân sự cốt ở đôi bên…

Minh Vân lược ghi 17/02/2011 10:07

Chiều qua, 16.2, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau đó là thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự; thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan tổ chức khác; thời hiệu và cơ chế đặc biệt…

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Viện kiểm sát có tham gia vào tất cả các loại vụ án hay không?

Vấn đề thứ nhất là việc Viện kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Đây là vấn đề đã bàn luận rất nhiều lần. Tại sao bây giờ lại phải quy định trở lại việc này, bởi vì trước đây trong Pháp lệnh Thi hành án thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 cũng đã quy định vấn đề này. Nhưng đến khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì quan điểm lúc đó là "việc dân sự cốt ở đôi bên" cho nên không nên có sự tham gia của các cơ quan Viện kiểm sát, vì vậy đã bỏ đi. Bây giờ lần sửa đổi này qua tổng kết việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và qua thực tiễn xét xử mới thấy việc bỏ nhiệm vụ này của Viện kiểm sát cũng có dẫn đến những thiếu sót, những khuyết điểm làm cho chất lượng xét xử và quyền lợi ích hợp pháp, việc tuân theo pháp luật tố tụng trong dân sự cũng có những phần này, phần khác. Cho nên, trong nhận định ở Nghị quyết 49 khi kết luận của Bộ chính trị có nói rằng chất lượng xét xử các vụ án dân sự còn thấp, trong đó có nguyên nhân là chưa có cơ chế, chưa có sự tham gia kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp. Chính từ thực tế như vậy mới đặt vấn đề trở lại là có vai trò tham gia của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, việc tham gia ở mức độ như thế nào, ở khâu nào thì trong tố tụng dân sự hiện nay cũng xử lý theo hướng ở giai đoạn sơ thẩm và tham gia để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật tố tụng đối với người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng chứ còn không tham gia để đưa ra những ý kiến về việc giải quyết nội dung của vụ án… Và Viện kiểm sát có tham gia vào tất cả các loại vụ án hay không hay chỉ trong những trường hợp, những loại vụ án nào đó khi xét thấy cần thiết ? Đây có phải là trách nhiệm hay là quyền, nếu là quyền thì muốn tham gia lúc nào thì tham gia, không thì thôi. Nhưng nếu là trách nhiệm thì bắt buộc phải tham gia.

Vấn đề thứ hai, thẩm quyền của tòa án đối với quyết định của cơ quan tổ chức khác ở Khoản 7, Điều 1. Đây là đổi mới, cải cách trong tố tụng dân sự, trong tư pháp để bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, kịp thời hơn, tránh tình trạng như trước đây là phải đình chỉ, dừng lại, sau đó chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy bỏ quyết định hành chính trái pháp luật gây thiệt hại cho đương sự, lúc đó mới tiếp tục vụ việc dân sự thì chậm, lâu.

Vấn đề thứ ba là việc sửa đổi, bổ sung Điều 284 về việc phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và sửa đổi, bổ sung Điều 288 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Vấn đề này đang còn ý kiến khác nhau, nhất là đại diện một số cơ quan tham gia...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Phải theo hướng ngày càng cải cách

Tôi đồng tình với việc xây dựng tố tụng phải theo hướng ngày càng cải cách theo tinh thần Nghị quyết 49, bảo đảm tiến tới phù hợp với các cơ quan tư pháp trên thế giới trong hoạt động tố tụng, điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên phải có bước đi phù hợp với thực tiễn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Không thể nói rằng cứ làm theo nguyên tắc mà không nhìn thấy được thực tiễn khách quan của Việt Nam hiện nay như thế nào. Cho nên trong các điều, ví dụ như quy định về thẩm quyền của viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì  cho kiểm sát có quyền gì để thực hiện chức năng của mình cho tốt. Không thể giao cho anh một nhiệm vụ mà lại “chặt” hết hai tay, không tạo điều kiện cho cơ quan kiểm sát thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, trong lúc chưa thực hiện được tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, mà Viện kiểm sát gần đây nhất là kết luận 79 của Bộ Chính trị xác định Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện hai chức năng, trong đó có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, Viện kiểm sát được quyền tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết là đặc thù của tố tụng dân sự. Khi Viện kiểm sát tham gia tố tụng để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì Viện kiểm sát cũng phải chấp hành các quy định của luật hiện hành, kể cả luật nội dung cũng như luật tố tụng. Tuân thủ, tức là phải tôn trọng sự tự định đoạt của đương sự. Việc nào đương sự tự định đoạt thì Viện kiểm sát phải chấp nhận theo quy định của luật chứ không phải đương sự tự định đoạt mặc dù cái đó không đúng với pháp luật lắm nhưng người ta ta chấp nhận để tạo tình thân giữa hai bên mà Viện kiểm sát lại đi kháng nghị. Không phải như thế…

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Cần thể hiện tính thống nhất về mặt kỹ thuật

Về cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, theo tôi, cần thể hiện tính thống nhất về mặt kỹ thuật. Về nội dung, trong khi chưa có cơ chế bảo vệ quyền công dân tốt hơn thì vẫn nên duy trì cơ chế này để bảo vệ quyền cơ bản của công dân trong trường hợp bị vi phạm, nếu không sẽ không giải quyết được vấn đề rất cơ bản là như chúng ta vẫn nói là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Rõ ràng có những trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, kể cả cơ quan giám sát cũng đồng ý rằng đó là sai nhưng không có cơ chế. Cho nên, việc tìm ra cơ chế này tôi cho đây là bước giải quyết trước mắt. Còn sau này, trong quá trình tiến trình cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống, các cơ quan tìm được cơ chế hữu hiệu hơn, chẳng hạn như cơ chế bảo hiến, việc bảo vệ Hiến pháp thông qua hoạt động của Tòa án hiến pháp, chúng ta sẽ dùng cơ chế khác. Tôi ủng hộ cơ chế này, nhưng tôi thấy không nên đặt Điều 310a, 310b vào Chương XIX là chương giám đốc thẩm. Trong Luật Tố tụng hành chính đã xác định một chương riêng và đây là thủ tục đặc biệt cho nên đặt ra trong chương tái thẩm sẽ không phải, có thể bổ sung Chương XIXa chẳng hạn, đó là về mặt kỹ thuật.

Xung quanh việc có mở rộng thẩm quyền kiểm sát ở Điều 21 không, tôi rất băn khoăn. Trường hợp này tôi rất tán thành quan điểm của Bộ Tư pháp. Lâu nay, trong tiến trình đổi mới như trong năm 2001 sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992, khi đó Viện kiểm sát theo chủ trương tiến tới chủ yếu thực hiện chức năng công tố, khi sửa lúc đó đặt vấn đề làm nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật mà kiểm sát hoạt động tư pháp, nhiệm vụ là phải giải mã được kiểm sát hoạt động tư pháp gồm những nội hàm gì. Bây giờ tiếp tục duy trì vai trò của kiểm sát như thế này thì tôi e rằng không ổn vì mấy lẽ. Thứ nhất, như Bộ Tư pháp đã trình bày. Thứ hai là bản thân trong nội tại ở Điều 21 là mâu thuẫn nhau. Khoản 2, Điều 21 nói "Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ việc dân sự từ khi thụ lý cho đến khi kết thúc giải quyết vụ việc" khẳng định một tuyên ngôn, kiểm sát là gì ? tức là phải theo sát nó, nhưng đến đoạn thứ hai tiếp tục là "tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm khi xét thấy cần thiết" - lại quay trở lại quy định tùy nghi mà trước đây khi xây dựng Luật tố Tụng dân sự Luật tổ chức Viện kiểm sát đã tranh luận rất nhiều khi nào là cần thiết. Tư tưởng này không hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Ở Điều 85 thu thập chứng cứ, trong Khoản 2, Điều 85 nguyên tắc việc dân sự cốt ở hai bên tôi thấy kiểm sát tham gia vào là không ổn. Khoản 2, Điều 85 lại quay trở lại một nội dung đã bỏ, tức là "Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ". Nếu cần quy định này, tôi đề nghị phải quy định rõ trong những trường hợp do luật quy định thì mới được làm.

Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác, tôi tán thành lấy lại thẩm quyền này. Thực ra đây là nguyên tắc kiềm chế và đối trọng. Đối với thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Điều 228, tôi tán thành hướng theo cơ chế mở.

Minh Vân lược ghi