Khi mùa xuân bắt đầu (Phần 1)
Truyện ngắn của Hạo Nguyên

16/02/2011 07:43

 >> Khi mùa xuân bắt đầu (Phần cuối)

1.

Ông Hoài vừa mở mắt ra đã nhìn thấy nó: sự cô đơn. Lạnh lẽo, trơn tuột. Ông rùng mình. Cô đơn cũng là một thực thể, một thực thể đáng sợ. Nó hiện diện ngay cả trong giấc ngủ, dưới hình hài của những cơn mê buồn.

Khi mùa xuân bắt đầu (Phần 1)<BR><I>Truyện ngắn của Hạo Nguyên</I> ảnh 1
Minh họa của Thủy Hòa

Ông Hoài nghe ngoài giếng nước có tiếng giặt giũ. Hẳn là mẹ con Thoan. Ông mừng rỡ. Ở đâu cũng thế, bao giờ cũng thế, mỗi khi chạm trán cô đơn, con người lại cần nghe tiếng người, dẫu chẳng để làm gì cả, dẫu chỉ để nhớ ra rằng, ta không hiện diện một mình.

Thế là lại thêm một ngày sống với cái vắng vẻ của chính đời mình.

Ông: năm mươi ba tuổi, độc thân. Và gia đình hàng xóm, gia đình người phụ nữ tên Thoan, tự bao giờ đã trở thành người thân của ông: ông nhận Thoan làm con nuôi.

Trong đời, ông chỉ có một cơ hội duy nhất để gắn bó mãi với một người phụ nữ. Nhưng ông đã bỏ lỡ. Thậm chí ông cũng không dám chắc đó là một cơ hội. “Nó giống như một trò đùa của số phận”, ông thường thanh minh như thế.

Mọi người gọi ông là gì, ông không biết.

Thoan gọi ông là ba. Trong từ ấy, ông nghe ra sự an ủi và thương cảm.

Cảnh, em chồng Thoan, gọi ông là bác, nghe không xa cũng không gần.

Bé Thuyền gọi ông là Bụt. Mỗi lần cô bé hờn dỗi, ông đều vỗ về và mua kẹo.

Còn ông, ông tự gọi mình là người bị ảo ảnh đeo đẳng. Tất nhiên, ông hiểu rõ, đó không phải là triệu chứng của tuổi già, mà là một cái gì đó, như là một tâm bệnh mà ông đã trót mang lấy từ thuở đầu xanh tuổi trẻ.

2.

Cảnh ngừng thổi sáo, nhìn ông:

- Ảo ảnh là gì bác nhỉ?

Có lẽ đó là từ người ta dùng để gọi những gì mà suốt đời mình không thể đạt được.

- Thế thì cháu sẽ gọi bản nhạc ấy là ảo ảnh.

Cảnh luôn ước ao sẽ viết một bản nhạc thật hay để biểu diễn bằng cây sáo của mình. “Một bản nhạc mà khi tấu lên, có thể nghe thấy trong đó tất cả khóc cười của con người, có thể nghe ra tất cả những âm thanh bí ẩn của vũ trụ. Những bản nhạc mà cháu từng nghe đều không như thế”, Cảnh tâm sự với ông.

- Con chưa bao giờ thấy chim phượng hoàng. Có phải đó là con chim ảo ảnh không ông?

- ...

- Đến mùa hè, ông ngoại và chú Cảnh dẫn con lên núi nhé! Chúng mình sẽ làm bẫy, đợi chim phượng hoàng.

Ông Hoài nhìn Cảnh. Hai người cùng cười.

- Truyện cổ tích nói, ai bắt được chim sẽ gặp phép lạ.

- Thế con ước phép lạ gì?

- Con sẽ ước cho chậu lan của ông nở hoa.

Người ta chỉ tin vào phép lạ khi họ còn thơ ngây. Hoặc khi người ta bất lực. Vậy còn ông, ông có tin vào một phép lạ nào đó không? 

3.

Ăn tối xong, bốn người ngồi xem truyền hình, ngoài kia mưa gió bão bùng. Bé Thuyền đang mê mải nhìn màn hình, chợt quay sang ông Hoài:
- Tối nay con ngủ với ông nhé!

- Thôi con ạ, ông ngủ với ông cơ.

Bé Thuyền nháy mắt tinh nghịch:

- Ngủ một mình thì chán lắm.

Thoan đang vá lại một chiếc áo, ngẩng lên, bối rối nhìn ông Hoài. Cảnh vội quay sang bé Thuyền:

- Sao lại chán, chú cũng ngủ một mình mà có chán đâu.

- Chán lắm! Ngủ một mình không có ai kể chuyện cổ tích cho ông nghe cả.

- Thế con sẽ kể chuyện cho ông nghe à?

Thoan lại cắm cúi nhìn theo đường kim, khẽ cười.

- Con sẽ kể cho ông nghe. Ngày xửa ngày xưa…

Mưa đêm khiến ông thấy lòng thêm hoang vắng. Ở cái tuổi này, phải chăng nên chấp nhận mọi sự? Còn câu chuyện cổ tích nào mà ông chưa nghe đâu?
Bé Thuyền một lát sau đã ríu mắt lại. Thoan bồng con vào phòng trong. Cảnh nhìn ra ô cửa sổ:
- Mưa gì mà dai dẳng quá!

Mưa, mưa mãi. Ông muốn quay về với chậu lan của mình, về với ảo ảnh và cô đơn của mình. Sống lâu trong cô đơn, thành ra con người lại có một nhu cầu dường như bệnh hoạn, là tự ve vuốt nỗi cô đơn ấy, dẫu có lúc sợ hãi nó.

4.

- Những người độc thân sẽ rất khó được thông cảm bác ạ. Người ta sợ cô đơn đến mức người ta không dám chấp nhận nỗi cô đơn của kẻ khác.

Cảnh thường nói với ông như thế.

- Nhưng cô đơn cũng là một cái quyền chứ? Ông Hoài pha giọng bông đùa. Pháp luật có cấm sống độc thân không? Hình như chưa từng có ai bị truy tố vì tội ấy thì phải.

Cảnh nhìn mông lung:

- Thực ra, ai mà chả muốn được có nhau?

Mưa cứ thì thầm ngoài hiên. Trong một cơn mưa như thế này, những vết thương đời rất dễ ngủ yên.

- Cuộc sống thật đáng buồn!

- Nhưng cũng đáng để sống, phải không?

Hai người châm thuốc, rồi Cảnh nhìn vào mắt ông Hoài:

- Con người có quyền nuôi hy vọng không bác?

Ông Hoài bâng khuâng nhìn theo sợi khói thuốc mỏng manh tan vào trong hơi mưa.

- Dù sao, bác cũng vẫn đợi một ngày kia hoa lan sẽ nở.

Chỉ để biết màu hoa thôi, phải không? Đêm năm xưa, khi tỉnh dậy thì ông không còn thấy cành lan trong lọ nữa. Nàng đã thức giấc sớm hơn ông.

- Em sợ anh thất vọng. Sau một đêm, màu hoa không còn tươi nữa.

Và mãi đến giờ, màu của hoa vẫn còn là bí mật.

- Có lẽ, hy vọng là cái quyền cuối cùng của con người.

5.

Ông Hoài lặng lẽ nhìn Thoan lom khom nhổ rau. Chiều rồi. Thấp thoáng những cánh chim dưới trời xám lạnh.

Thoan đang khe khẽ hát, chợt ngừng, ngơ ngẩn nhìn về phía núi xa. Một làn gió làm rối tung tóc Thoan. Cô gỡ tóc, rồi lại lom khom cúi xuống. Ông Hoài chợt thấy nao nao. Hình dáng Thoan thật nhỏ bé và lẻ loi giữa buổi chiều mùa đông, với trời đất âm u và hơi lạnh se sắt. Ông cố nghe lời hát khẽ ấy. Ông tin rằng trong khi hát một mình, con người bao giờ cũng thể hiện ít nhiều những nỗi niềm của riêng mình. Chợt ông bàng hoàng. Thì ra, trong cuộc đời này, mỗi con người đều mang trong mình một nỗi cô đơn âm thầm mà dai dẳng. Thì ra, mỗi con người đều có một niềm riêng giấu kín trong thân phận của mình, không biết tỏ bày cùng ai.

Ông Hoài vẫn nhìn mông lung, không để ý những hạt mưa bắt đầu rơi. Giá như giữa thế giới rộng lớn đến mức nhiều khi con người thấy xa lạ với tất cả, vẫn có những lúc chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm kín của nhau, thì có lẽ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết mấy.

- Ba nghĩ gì mà sững người ra thế?

- Hả?

Ông Hoài giật mình bối rối.

- Con nhìn xem, dãy núi chuyển màu tím đẹp quá!

6.

Những hôm trời hửng nắng, chậu lan có vẻ rạng rỡ hơn hẳn. Những chiếc lá xinh như ngón tay thiếu nữ, đưa tay vẫn vẫy nghịch nắng. Mười năm chăm chút, ông nghe ra tiếng nói của chậu lan ấy.

- Hay là nó không hợp thủy thổ bác nhỉ?

Cảnh đến bên chậu lan, chăm chú nhìn.

- Hay là hoa lan đực? Nếu là lan đực thì không nở hoa đâu.

- Tầm bậy!

Ông Hoài cười.

- Mà... bác có đủ kiên nhẫn để chờ không?

Mười năm trước, nàng cũng đã từng hỏi ông như thế.

- Liệu anh có đủ kiên nhẫn để chờ không?

Có sự chờ đợi nào mà không phải kiên nhẫn? Ông nâng mặt nàng lên, nhìn sát vào đôi mắt thăm thẳm.

- Sao lại không cơ chứ?

Đã nhiều đêm ông nằm mơ thấy mình qua đời. Trong cảm giác hoảng loạn của người hấp hối, ông cứ hỏi mãi: “Lan đã nở chưa? Lan đã nở chưa?” Giật mình tỉnh dậy, ông bải hoải, rã rượi. Ông lại bật đèn, ra ngoài hiên châm thuốc hút, nhìn mãi chậu lan giữa đêm. Mười năm với những giấc mơ buồn như thế.

Khi trao chậu lan cho ông như một kỷ vật trước lúc chia tay, nàng mới vừa hai mươi. Có phải ở độ tuổi ấy, người con gái mang trong mình tất cả những huyền thoại của cái đẹp? Nhiều lúc ôm nàng trong vòng tay, ông tưởng như ôm một ảo ảnh. Và nỗi khổ tâm ấy khiến ông mủi lòng.

- Anh sao thế?

Nàng ngước nhìn ông. Ánh mắt nàng dịu dàng như những giọt nước mưa lăn qua kẽ lá. Đôi mắt nàng mênh mông. Nỗi cô đơn của đời ông chưa bao giờ hiện rõ đến thế trong đôi mắt ấy.

- Anh khóc à?

- Không... không...

Thật ngớ ngẩn! Ông cắn môi tự chế nhạo mình. Sao lại để một cô gái phải dỗ dành?

Nàng úp mặt vào ngực ông. Hơi thở nàng ấm nóng. Ông nhắm nghiền mắt.

- Em nghe nói người đàn ông cảm thấy mạnh mẽ nhất là khi họ ôm người phụ nữ say ngủ trong vòng tay của mình.

Giọng nàng thanh thanh, và có vẻ êm ái đặc biệt của những thiếu nữ chưa từng biết muộn phiền. Giọng nàng như con suối mới ra khỏi rừng, vẫn còn giữ dòng trinh nguyên của khe sâu, chưa bị những bờ sông khúc khuỷu làm biến đổi.

- Phải không anh?

- Em nói sao?

Ông vuốt mái tóc nàng. Bàn tay ông như dập dềnh trôi trên những con sóng. Liệu mái tóc dài ấy có điểm nào để chấm dứt không? Hay là nó cứ trôi mãi thế, trôi mãi đến mức dù có dành hết phần đời còn lại ông cũng không thể vuốt hết mái tóc nàng?

- Mùi hoa gì mà thơm thế nhỉ?

Ông nhổm người dậy, nhìn quanh căn phòng mờ tối. Không thấy gì cả. Hay là mùi tóc nàng?

- Không phải đâu anh. Hoa lan đấy.

Nàng đã cắm một cành lan vào lọ hoa trên bàn mà ông không biết. Trong đêm, căng mắt nhìn, ông chỉ thấy một dáng hoa vươn lên khỏi lọ, như cứ muốn bay ra ngoài trời đêm.

Mùi hương dịu nhẹ loang khắp phòng, dần thấm vào người, như một bàn tay êm ái vuốt ve khứáu giác. Tim ông thắt lại.

- Loài lan ấy chỉ nở một lần duy nhất, rồi sau đó thì tàn héo và chết.

Tại sao lan rừng chỉ nở một lần rồi thôi? Phải chăng đó là sự tận hiến cho cái đẹp? Nếu là thế thì đúng là một loài hoa linh thánh. Nhưng cũng có thể là cái đẹp chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc hết sức phù du, để rồi cõi đời trống tênh. Như thế thì thật đáng buồn. Trước những bí ẩn của tạo hóa, con người trở nên ngơ ngác và đáng thương. Ông bứt rứt với những suy nghĩ về loài hoa rừng ấy. Chỉ nở một lần duy nhất, với những đóa hoa bí ẩn đến thế, rồi vĩnh viễn tàn lụi, loài hoa ấy đem đến ân phước hay bất hạnh cho kẻ chiêm ngưỡng nó?

Ông choàng tay ôm lấy nàng. Có phải đó là cách để chạy trốn nỗi buồn chăng?

- Khuya lắm rồi anh ạ.

Phía xa đâu đó có tiếng nai tác. Ông bất giác nghe ngóng như sợ hãi một điều gì hết sức vô hình. Cơ thể nàng ấm nóng và tràn đầy sự sống. Trong những lúc đam mê nhất, nàng vẫn giữ vẻ rụt rè của một thiếu nữ. Điều ấy khiến ông ngây ngất.

- Thực ra hạnh phúc là gì?

Lại tiếng nai tác vẳng đến. Nỗi lo âu vô cớ khiến ông lần nữa rùng mình. Ông níu lấy vai nàng.

- Hạnh phúc, có lẽ là điều mà đến khi chết, mỗi người chúng ta đều hẹn rằng, đến kiếp sau sẽ tìm thấy.

Nàng ấn mạnh ngón tay trên da ông. Ngón tay nàng cong lại. Chỉ có những ngón tay thật mềm mại mới cong dường ấy. Ông khẽ thở dài.

- Nhưng con người có quyền đi tìm hạnh phúc chứ?

- Làm sao cấm con người hạnh phúc? Làm sao bắt buộc con người phải chịu cô đơn?

- Cô đơn... có phải là một định mệnh không?

Nàng áp chặt vào người ông. Ông nín thở. Liệu nàng có hạnh phúc không? Còn ông? Điều gì khiến ông day dứt trong đêm nay?

- Em lạnh.

Câu nói ngày xưa đến giờ vẫn khiến ông run rẩy. Ngày xưa! Bao nhiêu ngày thì gọi là xưa?

7.

Một chiều nằm mơ. Trong giấc mơ, loáng thoáng tiếng người: “Hoa lan nở rồi”. Ông chìm trong một trạng thái hân hoan khó tả. Chung quanh tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Có một bàn tay đập trên vai ông: “Dậy đi! Dậy mà xem kìa!” Ông ngỡ ngàng mở mắt.

- Ba ốm hả?

Thoan đang ngồi bên ông, dịu dàng trong màu áo xanh. Ông Hoài vẫn còn chưa thoát ra khỏi những cảm giác còn lại của giấc chiêm bao đẹp, khẽ nói:

- Thơm quá!

Thoan cầm bàn tay của ông, giọng âu lo.

- Ba có mệt lắm không?

Có lẽ Thoan vừa tắm xong. Tóc cô còn ướt át, phảng phất một mùi hương dịu ngọt. Ông Hoài cười buồn. Thảo nào!

Những ngón tay Thoan ấm áp và khỏe mạnh. Ông cảm nhận sự mạnh mẽ nhưng cũng rất nữ tính của những ngón tay ấy trên da thịt mình. Ông cảm thấy bối rối.

- Mấy giờ rồi con?

- Sáu giờ tối rồi ba ạ. Tối nay con làm bún riêu. Ba dậy rồi qua ngay nhé!

Trong nhà đã tối hẳn. Khi vào Thoan không bật đèn. Ông nhìn thấy một sự bí ẩn bao quanh cô gái. Trong phút chốc, ông không nghĩ đó là Thoan, mà là một bóng dáng nào đó đến từ một chốn mông lung. Ông cầm bàn tay Thoan, tâm trí bồng bềnh.

- Ba sẽ qua ngay.

Thoan đi ra rồi, ông vẫn còn ngồi trên giường. Ông tưởng như vừa trông thấy một thoáng lộ diện của cánh phượng hoàng cổ tích. Thậm chí ông còn chắc chắn rằng tiếng hót xao xuyến của nó vẫn còn văng vẳng trên mái nhà.

8.

Thế rồi đột nhiên Cảnh quyết định không bao giờ thổi sáo nữa. Dưới mái hiên thanh bình, sẽ không còn được nghe những khúc sáo ngân nga.
- Không bao giờ cháu thấy bộc lộ hết sự thật trong những khúc nhạc ấy.

Cảnh nhìn ông, rồi quay sang bé Thuyền:

- Hè này, chúng mình sẽ đi bẫy chim phượng hoàng.

- Cháu sẽ cầu cho chú có được cây sáo thần...

Bé Thuyền mơ màng. Cảnh ngồi nhìn ra xa, có lẽ đang nuối tiếc điều gì. Ông Hoài không dám đứng lại đó nữa, vội bước ra sân.

- Thuyền ơi... Thuyền ơi

Giọng Cảnh như lạc đi.

- Cứ như là gọi đò ấy, chú nhỉ.

- Ừ. Ngày xưa, ba mẹ con quen nhau trên một chuyến đò, nên con có tên là Thuyền đấy.
Buổi tối, hai người ngồi uống rượu. Ngoài trời mưa rỉ rả.

- Ước gì có một thứ nhạc cụ mà khi dùng nó, con người có thể giãi bày hết được thân phận con người, không còn tự lừa mị mình trong những giai điệu đầy ảo tưởng.

Cây sáo đã bị Cảnh đốt thành tro, chảy lẫn vào nước mưa, thành một dòng đen ngòm trên sân gạch.

Ông Hoài không nói gì, nhưng ông có cảm giác như vừa phải chứng kiến một tội ác. Hay là một kỳ tích? Ông chưa phân định được. Ông cũng không biết Cảnh định làm gì trong những ngày tới.

(Số sau đăng hết)