Quyết liệt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trên thị trường và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về việc hàng hóa không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc thực phẩm không dấu kiểm định, không hạn sử dụng... Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng hơn.
![]() |
Nguồn: cimsi.org.vn |
Những ngày này, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán đã đầy ắp tại các điểm bán hàng. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập, ráo riết thực hiện công tác kiểm tra tại nhiều địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, thì trên thị trường vẫn xuất hiện thực phẩm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Tại nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn thường xuyên vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm.
Thông thường trong giai đoạn cao điểm trước Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đang đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là một số cơ sở chuyên sản xuất hàng phục vụ Tết. Như vậy, nếu không quản lý tốt có thể thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ lén lút bán ra thị trường. Thực tế, một vi phạm diễn ra nhiều nhất thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Mão là việc ghi, dán nhãn sản phẩm còn chưa đầy đủ, thiếu thông tin... Nhiều mặt hàng thực phẩm nhập lậu bày bán tràn lan. Dù các đội quản lý thị trường đã bắt giữ, tiêu hủy một lượng lớn hành hóa nhập lậu, nhưng tại một số điểm bán hàng vẫn có hàng hóa không có nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, các đoàn kiểm tra chưa phát triển bánh phở chứa phoocmon, ớt bột gây ung thư. Kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm các loại hàng nông sản, bánh mứt kẹo, hạt dưa, hạt bí, giò chả, ớt bột... đều cho kết quả âm tính, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông. Tuy cơ quan kiểm tra chưa phát hiện các chất có hại trong thực phẩm, nhưng tại chợ đầu mối Đồng Xuân vẫn có nhiều hộ bán hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Và người tiêu dùng cũng chưa yên tâm với chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố. Bởi công tác hậu kiểm đối với loại hình kinh doanh này hầu như bị bỏ ngỏ, khiến dịch vụ này mạnh ai nấy làm. Đồng thời, ngay tại các địa bàn được chọn làm thí điểm kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn có cơ sở kinh doanh vi phạm. Điều này khiến người tiêu dùng không biết địa chỉ nào để chọn mặt gửi vàng. Để khắc phục tình trạng này, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, sẽ tịch thu và nhắc nhở với cơ sở kinh doanh hàng chưa có nguồn gốc. Nếu vi phạm lần thứ hai sẽ thông báo rộng rãi. Và vi phạm lần thứ ba sẽ tạm ngừng kinh doanh. Đây là những giải pháp có tác dụng mạnh mẽ hơn so với phạt hành chính hiện nay, giúp thay đổi ý thức của tổ chức, cá nhân.
Tết Nguyên đán đã cận kề, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết nghĩ cần phải tăng cường đầu tư đồng bộ về trang bị, tăng cường nhân lực để đủ khả năng kiểm nghiệm các hóa chất độc hại. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm để góp phần thay đổi ý thức sản xuất, kinh doanh. Và nhân dân sẽ yên tâm hơn khi các Bộ ngành lập nhiều đoàn kiểm tra để xử lý quyết liệt những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.