Tổ sư gàn (Phần 1)
Truyện ngắn của Trần Chiến

24/01/2011 07:33

>> Tổ sư gàn (Phần cuối)

 Minh họa của Thủy Hòa

 Minh họa của Thủy Hòa

Mây rất nặng phập phồng ủ mưa vỡ đất. Đồi Con Lân bên dưới, bầu đoàn nhà Trưởng Khẳn nối đuôi nhau theo chân Mặc Di. Tay cầm nắm hương tay ôm bài vị tằng tổ họ Bùi, lão thầy địa lý nổi tiếng xứ Đoài di chuyển trầm trọng, mắt đảo như rang lạc tìm huyệt trọng thế hiểm. Chả ai dám ho, chân vấp đá bật máu, ong bắp cày đốt cũng phải nhịn tiếng ai dà.

Mặc Di dừng gần đỉnh quét cái nhìn xuống bốn phương tám hướng rồi ngước lên trên, trầm giọng thảng thốt: “Không xong rồi! Đã có cao nhân đi trước ta. Kia kìa...” Hướng tay lão chỉ, mạch đá trùng trùng châu vào một hình thù giống tấm bia. “Sợ là không giúp được ông. Chỗ đẹp trong quả đồi cao nhất Sơn Nam Hạ đã có người táng”.

- Đó là mộ tằng tổ họ Nhữ ở Bùng Thượng, kẻ Mỗ, giọng Trưởng Khẳn khản đặc.

- Nhà ấy đa đinh đa điền, chắc hẳn?

- Thưa vâng.

- Con gái môi đỏ đa dâm, mới có người vào cung, chứ lỵ?

- Đó là bà phi Tuyên Phổ, đem về nhà nhiều lụa và sâm quy lắm.

- Đích dòng thì chỉ lắm lộc, nhưng chi út thì đủ cả trạng nguyên bảng nhãn, còn loại tú tài tri huyện coi là bèo trong ao. Xem, chỗ tụ thủy ôm hai bên, không xói lở xâm phạm mà lại tưới tắm thường xuyên, đường quan lộc thế là thu hút cả. Không thể nào thất lộc. Không thể nào đâu!

“Công Mịch ơi Nhữ Công Mịch, lão luôn đi trước ta!” Trưởng Khoản hờ rợn người, mặt úp vào đũng quần khai khẳn của lão thầy bói. “Giúp tôi đi. Cả vùng Sơn Nam Hạ chỉ còn bác là hậu duệ cụ Minh Kinh...”

- Những chỗ đầu hươu mõm nai như kia chỉ đem lại sự bình ổn, Mặc Di khoát tay. Có một chỗ, xem ra đem lại cái danh cho hậu thế lắm. Nhưng tôi phải cắt đặt để bác rành. Đặt cụ vào đấy thì bác có đẻ bao nhiêu kết cục cũng coi là độc đinh. Có chức tước, được coi trọng đấy nhưng tai nạn luôn kề cận. Con cháu sẽ sáng láng mà có thể lại là thậm ngu tối, chí lý đấy mà quá là nghiệt ngã. Không ai hại được, chỉ có mình tự hại. Một tương lai lạ lùng, tôi chưa thấy đất đâu có huyệt độc vậy.

- Tâm nguyện tôi chỉ còn mỗi. Cả họ, các bậc trưởng thượng của dòng tộc hèn mọn này đều thế.

- Vừa rực rỡ vừa đen thăm thẳm, bác không sợ à?

- Sợ. Nhưng chịu được. Bác cứ cho!

“Tôi chỉ còn biết làm theo mệnh giời, chứ thực tâm không nỡ thế này”. Nói rồi Mặc Di rẽ lau vạc bụi, đâm lên nẻo đá mọc nhọn hoắt.

Cuối năm, nhằm ngày khô ráo, nhà Trưởng Khẳn bê hài cốt cụ tằng tổ lên gò Con Lân. Chỗ được chỉ không trông ra cánh đồng rộng có con sông trong mát, mà đâm vào lũy tre gai dày xin xít của làng Ninh Xá. Nhiều người bảo hãm nhưng Trưởng Khẳn quyết rồi. Được ăn cả ngã về không còn hơn cứ ù lỳ cối góc nhà tha hồ chó liếm.

 
 

*

Trưởng Khẳn sang tuổi năm mươi râu dê phơ phất, lông mày chớm bạc, hàng ngày nhìn đàn gà mái trong sân te tác sốt ruột đến rầu rĩ. Lão lấy thị Nhiên năm hai mươi tuổi, đẻ tồ tồ ba cái hĩm. Đi hát Nhà Tơ trên xóm Chiếu, gặp cô đào Ngọt trổ ngón phách rõ khéo, lão xe luôn về, lại tòi ra đôi vịt giời. Bèn cưới thêm cô thợ cấy trắng nhễ nhại, ả hàng xáo tốt nái, thảy đều không đậu nên gả bán cho thuộc hạ như cho không. Mà cái đám hôi hám ấy “đục” khéo thế, cả hai ba cô đều đẻ đống con trai. Hay vì mình lắm vợ nó loãng khí đi?

Nhưng việc di dời tằng tổ đã ứng nghiệm. Kỳ sau tiết Thượng Nguyên trời cho lộc xuân rời rợi, Trưởng Khẳn đi ăn khoán về vào với vợ cả. Bà Nhiên lâu ngày không được nhòm ngó, để mình mẩy hôi như cú, rất ngại ngần khi chồng rúc vào. Nhưng khúc trứng vừa rụng gặp tinh dịch người đàn ông đã qua tráng niên lại giao hòa mạnh mẽ. Đận nghén, Nhiên ưa xơi hoa cúng, uống tàn nhang nước thải, đến tháng thứ tám bụng nhọn hoăn hoắt. Ngày khai hoa Trưởng Khẳn khóc tồ tồ mổ trâu khao làng. Sang nhà trưởng tộc Nhữ Ninh Xá mời, lão cười rung chòm râu thưa: “Quan bác mới chỉ có lộc, em thì trời cho cái danh...”

Thằng bé được đặt tên Kinh Luân, tỏ chí sau này sẽ đội đá vá giời. Bà Nhiên hiền hậu, chẳng phải ra uy ra oai mà thiết lập ngay được ngôi chúa giữa đàn mái. Bà ăn trắng mặc trơn, mình mẩy thơm mịn như tấm bánh dẻo, chồng vào luôn nhưng chẳng đậu nữa.

Tuy là đinh độc mà Kinh Luân không được khăng đáo sáo diều nhiều. Lúc bé bố chất quanh người toàn sách, đái dầm mủn cả kinh thư. Lên tám vào đồ Điếc xóm Nhồi học, mười hai tuổi nhá hết chữ tú Sụn tổng Vân Nhai. Tuổi mười lăm của cậu trải qua ở kinh kỳ, học cụ Thông Xương, bậc Minh Kinh an lão. Nuốt sách như thuồng luồng, ăn hết ba vụ thóc đồng nhà, Luân được gọi “cậu Tú”. Rồi vèo cái thi Hội, thi Đình, chiếm cái thám hoa. Năm ấy không có trạng.

Vinh quy. Trưởng Khẳn xin làng dựng cổng chào. Võng lọng đến gốc đa tía dừng nghỉ cả canh giờ. Trong thiên hạ đến xem không ít cái nhìn ghen tỵ của người họ Nguyễn toàn cự phú. Buôn tơ buôn gỗ, tiền bạc ự kho, liệu có lúc xênh xang bằng này, Trưởng Khẳn lâng lâng trên gió mây nhưng vẫn phải nao nao. Ngày tiễn Kinh Luân về kinh nhận nhiệm sở, cha con ngồi, bình tích ở giữa, lão kể lời thầy bói Mặc Di, giờ đã ra người thiên cổ.

- Tính con hiền hậu không hại người được. Ta không lo về đường âm đức, chỉ lo con bị hại. Càng làm nên càng bị nhòm ngó ghen ghét, thời phải lo chèn chắn trước sau kín đáo. Hãy lấy vợ sớm đi. Dăm ba người cũng được, nhưng đừng mong nhiều con trai. Cơ khổ, giờ cha mới thấm nỗi độc đinh mong manh.

Trưởng Khẳn dặn con lập gia phả gia hệ lấy cụ tằng tổ làm khởi thủy, nhưng bắt đầu nhánh độc đinh uy vệ là từ lão, truyền đời con cháu phải chăm chỉ nối phả, lúc khóc như mưa, lúc khanh khách như con trẻ. “Con xin vâng lời, nhưng biết đâu lời kia không ứng nghiệm”, Kinh Luân bối rối. Ông bố bịt mồm con: “Phỉ phui! Chớ báng bổ rồi mất cả người lẫn lộc. Là cái lộc có danh ấy...”

Kinh Luân nhậm tri huyện Bình Khê, chốn ngẩng lên gặp núi cúi đầu thấy suối, buồn tẻ vô kể. Vùng sơn cước thuần phác lấy đâu lắm kiện cáo mà phân xử, nhưng phải đói nghèo. Đói làm giặc giã nổi lên. Quan binh đánh dẹp, máu me chảy đỏ dòng Nậm Đún mà loạn vẫn đùng đùng. Tri huyện đi xem xét thấy toàn kẻ túng làm liều, bảo “nòi giặc đây chứ đâu”, bèn phủ dụ, dạy cho nghề trồng bông ươm tơ mà sống. Lụa Bình Khê ùn ùn kéo về xuôi, kẻ làm loạn được giàu có, nhún nhường quan binh chức sắc một mực, trở lại làm ăn nhu thuận. Vậy là yên một nẻo.

Trên kinh, tể tướng Đỗ Nguyên tâu với vua: “Kẻ ấy (tức tri huyện Bình Khê) cậy được”, ban thưởng cho hậu hỹ. Nhưng Kinh Luân thì vẫn phải canh bóng mình, đèn sách thâu đêm, buồn ngủ rũ mới đi nằm được. Được cái có viên lại già vừa cơ chỉ vừa sắc sảo tối tối cùng chuyện vãn, nghe những câu thơ nẫu ruột, khuyên nhủ dăm ba điều. Kinh Luân không dằng vào ả phiền nhưng thích rượu vô cùng.

Một tối viên lại già không đến. Thấy người con gái mắt một mí, mình mẩy tròn trĩnh, thưa thầy cháu ươn mình, có vò rượu tằm gia đinh biếu đem lên hầu quan. Chuyện vãn dăm ba câu, lúc ngà ngà quan huyện thốt nhiên thèm muốn, cầm tay nài ép. Người gái sợ hãi không dám cưỡng ý, để mặc chàng giày vò. Cuộc tan, thấy nàng còn đồng trinh, Luân đưa xóc tiền, bảo về.

Mấy hôm sau viên lại vào hầu, rất rầu rĩ. Nhưng có đám lở sông dân chạy như có giặc, cuối ngày Kinh Luân mới hỏi han được, nhắc chuyện có ý áy náy. Lại già thưa cháu được quan thương nhưng cũng chả đi đến hôn thú được nào, nên đã cho vợ dẫn về quê. Bằng không huyện lỵ sơn cước bé như cái đấu, chuyện mất trinh không giấu được ai, làm gì mong kiếm tấm chồng. Kinh Luân rất ái ngại, gửi thêm theo ít bạc nữa, rồi cũng quên đi.

Sang mùa hanh khô, tể tướng họ Đỗ kinh lý phủ lỵ trên ngược. Đến Bình Khê, ngài hài lòng thấy sổ sách phân minh, dân cư nghịch có tiếng đều thuận theo triều đình. Lúc rỗi rãi, ngài hỏi huyện quan còn làm được những gì... Kinh Luân dâng lên bức địa đồ chàng vẽ những lúc về làng bản, bao nhiêu hình sông thế núi xa xôi thu về trong trang giấy tựa nước trong giếng thả gầu xuống là múc lên được. Và mấy chục tập vở, cái ghi những đồng dao con trẻ, cái chép văn khấn kể lịch sử, tổ tiên từng làng bản, họ tộc. Vốn xuất thân thi thư, được bổ lên từ bộ Lễ, tể tướng thích thú vô cùng, vừa uống rượu vừa nhấm nháp văn quyển của Kinh Luân.

- Thầy không để mất nghề, là tốt đấy. Ta buồn là lắm anh giải nguyên, á nguyên hẳn hoi, làm quan lâu lâu đánh mất chữ, hay chỉ dùng nó làm phương tiện chăm chăm lấy lòng bề trên cốt leo cao hơn.

Ngài nói giản dị, Kinh Luân chỉ biết vậy. Nhưng ra giêng sang năm có trát đòi về nhậm chân tu thư ở Quốc Tử Giám. Tể tướng ưa người có sở nguyện lành mạnh, dán chàng vào chức ấy để chờ thời. Bấy giờ triều đình trên là Ngài Ngự, bên dưới tể tướng thái sư chia hai phe kình nhau rất ác liệt. Tể tướng có những thứ đấng quân vương cần là tầm nhìn rộng, đức chính trực, nhưng nhiều lần can gián quá phải lĩnh thịnh nộ. Đã có lúc đẩy ngài đi xa, nhà vua lại phải triệu về. Dẹp loạn ở châu Hoan, trị thủy chốn Sơn Nam, không tay ngài đố ai làm nổi. Phe thái sư đông đảo, biết nuôi nhau bằng những bổng lộc, hà lạm, kết rất chặt. Tuy không quy nạp được chính danh hào kiệt mà nắm hết những vị trí rường mối sinh lợi như coi ngân khố, thuế má, hầu hạ trong cung cấm. Ngài Ngự biết tỏng, vẫn để yên binh tình cho đôi bên khuynh loát nhau.

Tể tướng bảo Kinh Luân:

- Ta biết thầy chỉ thích trước thư lập ngôn, ngồi Quốc Tử Giám là hợp rồi. Nhưng thầy còn phải tham chính. Cùng là phò vua nhưng còn vô kể kẻ lợi dụng vị thế để đục khoét, lái con thuyền xã tắc theo hướng lợi riêng. Đưa thầy về kinh, ta không chỉ thỏa lòng mến, mà còn muốn thầy tranh giành, trấn trị.

- Bẩm, hạ quan thấy khó.

- Quyền lực là cái kẻ sĩ khinh rẻ. Nhưng quốc sự mới là trọng. Cứ ru rú mài mực viết cuốn thư phỏng đời được lợi gì. Việc ấy không nói nữa. Mà thầy hãy lo lấy vợ.

Thì ra quan ngài đã nhắm sẵn cả. Nói là làm. Nàng Thu Nhược, em con dì của hoàng hậu Linh Sơn đang độ bán khai, e ấp như bông trăng trước rằm ngày trời trong, không ít kẻ thuộc phe thái sư rắp ranh. Nhưng hoàng hậu chỉ cậy tể tướng. Ngày Nguyên Tiêu mưa phùn tưới đẫm những nụ nhài trước hiên, Kinh Luân đón Thu Nhược về. Nhà nhỏ, phận chẳng thượng quan phò mã gì, dầu sao từ đây chàng được cùng dự tiệc trong hoàng thân quốc thích. Hạnh phúc mới mẻ khiến ngây ngất, mà vẫn nhẹ bỗng một mối lo như có như không. Sự gửi gắm của tể tướng lớn lao quá, xung quanh hiềm tỵ bắt đầu dấy lên, dù chàng nhất mực nép mình.

Đêm Trung Thu, tiệc trong cung tàn, hoàng hậu Linh Sơn níu Thu Nhược lại. Nàng tỷ tê: “Chị hỏi em có thỏa mãn với lang quân không ư? Thật không thể mơ gì hơn. Chàng đúng là tu mi nam tử, kiến văn đầy mình, nói ra dễ nghe làm em thực chỉ thích chuyện trò. Những lúc cùng nhau, chàng không phải kẻ cường lực sung mãn, mà một mực dìu dặt âu chiều. Còn có gì không an tâm về chàng ư? Em chả biết đây có phải điều đáng không an tâm không... Chàng hay nín nhịn, chăm chắm vào cõi của mình, có lúc thảng khỏi thực tại. Mà xung quanh thì...”

- Thế thôi. Có một tấm chồng để ta yêu là quá đủ, em nghĩ chuyện thế sự làm gì mà sớm già. Kinh Luân trẻ thực, em hiền thục thực, làm ta cứ nghĩ đến thứ hạnh phúc giản dị mà một kẻ mẫu nghi không thể hưởng...

Hoàng hậu cười giòn tan, nhưng phảng phất một nỗi lo rất mơ hồ trong đâu đó. Quả thật, như mọi vương triều xưa nay trong xứ, thời trị vì của Minh Đăng Hoàng đế ninh ních quyền lợi của các phe đảng. Tể tướng Đỗ Nguyên, anh con bác hoàng hậu Linh Sơn, điều hành đất nước theo cách khoan hòa, nuông chiều những ý hướng tự phát của đám bần dân, dùng người hiền tài không kể xuất thân buôn bán hay từng mổ lợn eng éc ở quê. Chủ trương kích thương ức nông của ngài không làm đẹp lòng Hoàng Thái hậu Củng Vân, người đam mê lâu đài đình tạ, xây cất đền miếu. Ăn theo Thái hậu là ti tỉ hoạn quan, cung nhân, thổ ty nho nhỏ, vì cứ ba đồng quốc khố xuất ra, họ biện được hai đồng bỏ túi. Thái sư Hoàng Đổ không hà lạm nhưng một mực chiều ý Thái hậu, luôn trình vua những lời đẹp lòng bà lão tám mươi. Luôn năm có những bản tấu của hai vị đầu triều phản bác nhau. Năm thượng thọ Thái hậu, Thái sư bàn cất bẩy mươi nóc chùa để khắp dân gian cùng cả mừng, Tể tướng bàn rằng phí phạm. Vương phi Tuyên Phổ họ Nhữ gốc Ninh Xá là cháu họ bên ngoại Thái sư một mực tung hô Thái hậu, ỏn thót dèm bà Linh Sơn. Đến nỗi mà lần nào Thái hậu ban yến, sợ mẹ đẻ đánh thuốc độc con dâu cả, Hoàng đế cũng vào mâm cùng Hoàng hậu. Sự tranh chấp ngày càng dằng dịt, bốc thối, khiến đám thuộc quan khi ra lời đều phải nhìn ngó cả đôi bên.

Mùa thu năm Mậu Ngọ, đại sư Thanh Từ ở Sơn Nam Hạ lên, tâu Thái hậu có cây sung nở hoa, nên xây chùa Non Nước có bảo tháp chín tầng bên sông Sò. Tòa ngang dẫy dọc đang lên ùn ùn thì phát hiện đại sư tư túi mấy vạn quan từ công khố. Tể tướng vừa thu phục mấy chục thổ ty trên ngược, đang cả thế, bèn giết phăng Thanh Từ. Phe Thái hậu, Thái sư ngậm bồ hòn làm ngọt, giăng quanh Vua ba câu tán dương kèm một lời xúc xiểm. Đỗ Nguyên không hay đất dưới chân đang bị rút, tự tin quản quốc dưới con mắt ngày một hồ nghi của Ngài Ngự. Có buổi chầu đấng tột cao mát mẻ “Khanh lâu nay ứng xử mạnh tợn nhỉ...”, ngài không biết mà nhún mình. Lại còn xin cho thám hoa Kinh Luân vào bảo học thái tử Trọng Thủy. Hoàng hậu Linh Sơn vui lòng, nhưng Kinh Luân một mực giữ lề, nghiêm cẩn không thể tưởng.

Có hôm, Tể tướng hỏi Kinh Luân: “Thầy có biết thầy dạy hoàng tử Trí Điền bên cung Vương phi Tuyên Phổ chê thầy giảng sai chữ “Hiền” không?”.
“Dạ, có biết”. “Thế thầy bảo sao?”. “Hạ quan không cho “Hiền” chỉ là trong khuôn phép, ứng xử đạo đức hàng ngày. Mà còn là tầm nhìn xa, thoáng đạt, chấp nhận cả những gì ngoài ta, có thể không hợp ý ta”. “Chí lý thế, sao thầy không bẻ lại?”. “Bẩm, cãi lại kẻ hủ nho phỏng ích gì, trong khi đời rộng vô cùng, trời cao vô cùng”. “Nhưng mà trời cũng có thể nông hơn miệng chén. Cái lối khiêm nhường mà tự đại, tỏ ra hào sảng, không chấp nê, thầy phải cất đi, vì những lúc vắng, bên kia họ cứ bảo thầy không biết đường mà cãi”. Kinh Luân vâng dạ nhưng lơ mơ như trên mây. Hằng tưởng đến một trí tuệ mẫn tiệp vĩnh cửu, trong văn vắt, chàng càng là cái đinh trong mắt những kẻ cầu điều cụ thể.

Đêm Nguyên Tiêu năm sau, Minh Đăng Hoàng đế đi hội thả đèn trên sông Hát. Đang thưởng dòng ánh sáng trôi miên man, thốt nhiên có kẻ cơ bắp cuồn cuộn lông mày rậm cầm dao xông vào, bị võ sĩ trói gô cánh khuỷu. Treo lên tra khảo, đến lúc bị bẻ gần hết hàm răng chắc như của chó sói, hắn khai là người phe Tể tướng, được giao sứ mạng giết hôn quân làm phúc cho muôn dân.

Bộ hình luận tội, nghị án, trình lên nhà Vua. Án tru di ban ra. Thương cho ba họ, cả Hoàng hậu Linh Sơn chết thảm. Hay tin độc, Kinh Luân đưa vợ trốn lên Sơn Động. Chẳng bao lâu phe Thái sư hùng mạnh tìm ra, đem Thu Nhược đang bụng mang dạ chửa ra chém ngang mình. Kinh Luân không được chết ngay, bị giải về kinh. Bây giờ, chàng là cái nút thắt, gỡ ra được là sợi dây sinh mạng của thái tử Trọng Thủy sẽ đứt phựt. Hoàng hậu Linh Sơn đã bị giết cùng ba họ, thái tử mang máu rồng mà thoát, bị giáng xuống thứ dân, đày đi xa làm lính thú. Lá cỏ đã ngứt đi nhưng còn rễ, đấy là điều phe Thái sư chưa vừa lòng.

Kinh Luân bị rút gân, vặn móng, đập vỡ đầu gối, toàn những hình phạt kinh khủng nhất, chỉ thiếu nước lăng trì, voi giày, vì nó làm chết ngay. Câu hỏi duy nhất là “có phải Trọng Thủy xui tráng sĩ hành thích vua?”, mà hễ chàng nhận là sẽ được tha bổng. Đến ngày thứ chín, chàng nghe thẽ thọt, giọng Thái sư: “Thầy sao mà thậm ngu. Việc gì mà bảo vệ cho bọn Đỗ Nguyên, cứ bảo “có” như ta muốn là thoát chết”.

- Bẩm, nhưng thực việc ấy không có.

- Có hay không là ở mồm thầy. Xong, ta lại xếp cho một chân biên khảo tu thư tha hồ ăn kinh nhá chữ hợp sở nguyện.

- Bẩm, kẻ này không thể ăn không nói có.

- Kẻ sĩ chả phải chỉ biết nghe theo kinh sách. Mà phải tùy thời. Theo kẻ mạnh thì tươi tốt, nhược bằng... Ấy là ta trọng cái tài thầy nên bảo vậy.

- Thế thì xin được ngẫm nghĩ đến ngày mai.

Đêm ấy, đập đầu chết trong nhà lao, để lại dòng chữ máu trên tường: “Sống mà phải tự mắng mình, bầy tôi này không thể”. Thái sư thương tình cho bó chiếu đem về quê. Ông Trưởng Khẳn ôm xác con hờ: “Dòng ta tuyệt tự rồi. Thế mà lão Mặc Di bảo được độc đinh...” Đang nẫu nàng, có người đàn bà dẫn đứa bé chín tuổi chít khăn tang đến nhận là con Kinh Luân, có với nhau chỉ qua một đêm trên ngược, xin được để trở. Trưởng Khẳn ngắm kỹ thấy mắt đúng mắt ấy, mồm hệt mồm ấy, cứ khóc hai câu cười một câu. Rồi giở gia phả ra chép tên cháu nội là Bình Khê, là cái nơi đã sinh thành ra nó.

(Số sau đăng hết)