Vương Chí Thành một Đại biểu Quốc hội đặc biệt
![]() |
Mộ Vua Mèo - ĐBQH Khóa I, II Vương Chí Thành. |
Thế nào là một đại biểu Quốc hội đặc biệt?
Trước hết tôi xin phép được chia làm 2 yếu tố: yếu tố đại biểu và yếu tố đặc biệt. Đại biểu Quốc hội là người được dân tin, dân mến, dân bầu, thay mặt nhân dân đảm nhận trọng trách truyền tải ý kiến cử tri, thực hiện giám sát tối cao. Thông qua đại biểu và thông qua QH, nhân dân ta sử dụng quyền lực của mình để quyết định các vấn đề của đất nước.
Với trách nhiệm và nghĩa vụ lớn đó, để là một đại biểu Quốc hội đã khó, trở thành đại biểu Quốc hội đặc biệt lại càng khó hơn. Trong mỗi khóa QH, với khoảng 500 đại biểu Quốc hội, ai sẽ là đại biểu QH đặc biệt? Câu trả lời ở chính cử tri, bởi chỉ có cử tri mới hiểu hết được ý nghĩa đặc biệt của một đại biểu trong lòng mình.
![]() |
Đồng Văn ngày nay |
Đối với tôi, Vương Chí Thành là một đại biểu như thế.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bao nhiêu khóa QH, trong hàng nghìn những người đã từng ngồi ghế ĐBQH, lại nhắc đến Vương Chí Thành.
Ông đặc biệt bởi ông để lại trong tôi ấn tượng, ấn tượng về gia tộc họ Vương, nơi địa đầu Tổ quốc còn lạc hậu, nghèo nàn, lại xuất hiện những con người tài cao hiểu rộng như Vương Chí Sình (tên thật của Vương Chí Thành)
Ấn tượng bởi tình cảm trìu mến mà không phải ai cũng nhận được từ chính đồng bào Mông dành cho ông. Tiếng thơm ấy, danh tiếng ấy, qua nhiều năm tháng, thế kỷ đâu dễ gì mất đi.
Ấn tượng bởi sự kiên trung không theo Pháp, cũng không theo Tưởng, mà đi theo cách mạng, thực hiện vai trò đoàn kết đồng bào dân tộc miền núi.
Cái tên Vương Chí Thành tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ như lời Bác Hồ đặt tặng, là khẳng định về cái tâm sáng của ĐBQH họ Vương, như tình cảm anh em kết nghĩa giữa Bác và ông. Vinh dự lắm thay!
![]() |
Cánh đồng hoa - niềm mơ ước của Chủ tịch huyện Đồng Văn năm xưa |
Sẽ không phải dài dòng để nói về Vương Chí Thành, bởi ai đã từng qua đất Hà Giang, gặp người Mông, đều được nghe kể lại câu chuyện về dòng họ Vương, về một Vương Chí Sình, với chức vụ Chủ tịch huyện Đồng Văn đầu tiên (1946 -1960); và là ủy viên Ủy ban dân tộc miền núi (1960-1964). Bởi đơn giản dù thời gian đã qua đi, nhưng những gì ông để lại vẫn sống, vẫn còn vẹn nguyên. Người Mông ơn Đảng suốt đời, có công lao không nhỏ của Vương Chí Thành... Kết thúc không phải là chấm dứt, những gì ông làm được vẫn còn lưu mãi, sống mãi với nhân dân vùng cao. Khi một ĐBQH giữ mãi được ngọn lửa niềm tin, sự yêu mến, nỗi nhớ, và lời ca ngợi, khi đó đại biểu đã để lại những ấn tượng đặc biệt. Được vậy liệu có dễ hay không?
Trong mỗi khóa QH qua đi, mỗi cử tri có thể đều, đã và đang có trong mình những ấn tượng riêng về ĐBQH. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Tổng tuyển cử bầu QH đầu tiên, xin viết về một đại biểu như thế. Mỗi dấu ấn trong QH đều do ĐBQH tạo nên.. có những điều thiêng liêng và có những con người đặc biệt. Chặng đường đã qua, QH có thật sự ấn tượng? Đại biểu nào đặc biệt trong lòng cử tri? Hãy để chính cử tri lên tiếng.