Chính sách đối ngoại của Mỹ có gì mới?

Nguyễn Nhâm 09/01/2011 08:06

Ngày 5.1.2011, Quốc hội khóa 112 của Mỹ chính thức được khai mạc với tương quan lực lượng thay đổi tại cả hai viện. Theo kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11 năm ngoái, đảng Cộng hòa giành được 232 ghế Hạ viện, vượt quá 218 ghế và giành quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ giành được 179 ghế, mất 56 ghế. Tại Thượng viện, đảng Dân chủ giành được 51 ghế, vẫn giữ quyền kiểm soát cơ quan lập pháp, đảng Cộng hòa giành được 46 ghế. Với cơ cấu của Quốc hội hiện nay, dư luận quốc tế đang quan tâm chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi theo hướng nào.

Đối với Trung Quốc, thắng lợi của đảng Cộng hòa có thể coi là một tín hiệu lạc quan. Quốc gia này hy vọng những người thuộc đảng Cộng hòa đang nắm Hạ viện sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội và “lơ là” các kế hoạch can dự của Mỹ tại châu á-Thái Bình Dương. Trung Quốc nhìn chung thường có cảm tình với Cộng hòa hơn là Dân chủ, vì đảng Dân chủ có xu hướng chú ý vào những vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh dư luận Mỹ lo ngại trước các chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc, vốn bị cáo buộc làm nhiều người Mỹ mất việc, phe Cộng hòa có thể sẽ đòi chính quyền Obama gây sức ép mạnh hơn với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá và bảo hộ thương mại. Ngòai ra, đảng Cộng hòa cũng có thể sẽ đòi Bắc Kinh cứng rắn hơn trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, việc đảng Con voi giành quyền kiểm soát Hạ viện sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ với Nga. Mỹ hiện đang phải đối mặt với thách thức cả trong và ngoài nước và Mỹ không muốn có thêm quá nhiều kẻ thù bên ngoài. Do đó, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách cài đặt lại quan hệ, vì chính sách này phù hợp với các lợi ích chiến lược của Mỹ.

Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ có thể giúp bôi trơn mối quan hệ đồng minh chiến lược với Israel, vốn đang xuống dốc sau khi Obama bước vào Nhà Trắng. Trước đây, đảng Cộng hòa thường xuyên chỉ trích Chính phủ Obama “ưu ái” Palestine thái quá, bỏ rơi Israel và đánh giá không đúng mức độ nguy hiểm cũng như lãng phí thời gian với Iran. Vì vậy, sau khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, Obama chắc chắn sẽ phải đối mặt với sức ép từ những nghị sỹ Cộng hòa vốn có được sự hậu thuẫn từ cộng đồng Do Thái ở Mỹ.

“Ưu ái” Israel hơn đồng nghĩa với việc phe Cộng hòa sẽ buộc Chính phủ có thái độ cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân của Iran. Nghị sỹ Cộng hòa Ros-Lehtinen, tuyên bố sẽ vận động để Quốc hội trừng phạt các nước bất đồng với Israel hoặc thân thiện với Cuba và Iran như Venezuela, Syria, Palestine, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia, Nicaragua, Ecuador và Brazil. Một nghị sỹ Cộng hòa khác là ông Eric Cantor cũng đả kích mạnh mẽ sự nhượng bộ của chính quyền Obama trong vấn đề Iran.

Với việc bà Ileana Ros-Lehtinen lên làm Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thái độ của Mỹ với Cuba có thể sẽ không còn cởi mở như 2 năm nhiệm kỳ của Obama. Bà Ileana Ros-Lehtinen luôn vận động Chính phủ tiếp tục cấm vận kinh tế Cuba. Bên cạnh đó, việc dự luật cho phép các công dân Mỹ được tự do du lịch tới Cuba cũng sẽ khó được thông qua. Ngoài ra, lợi dụng mối lo ngại của cử tri về thâm hụt ngân sách, những người Cộng hòa có thể yêu cầu cắt giảm các chương trình viện trợ quốc tế, trong đó có Cuba.

Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2011 mà ông Obama ấp ủ lâu nay cũng sẽ gặp trở ngại lớn khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng, chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ buộc Tổng thống Obama có cái nhìn mới về chính sách của Mỹ tại Afghanistan. Ông hy vọng sớm có thay đổi trong quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 7.2011 bởi theo ông, thời hạn rút quân này là quá sớm. Trong khi đó, nghị sỹ Howard McKeon cho rằng, sắp tới Mỹ sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn vào Afghanistan. Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Karl Eikenberry đã thông báo Mỹ sẽ chi 511 triệu USD để mở rộng Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan.

Đối với châu Âu, kết quả cuộc bầu cử vừa qua có thể làm suy yếu hơn nữa quan hệ châu Âu với Mỹ, do ông Obama không thể dễ dàng hành động như trước được nữa. Nhà phân tích Hugo Brad thuộc Trung tâm cải cách châu Âu cho rằng EU phải chịu trách nhiệm về những thất bại này do khối bị chia rẽ và chậm chạp đến nỗi không kịp bắt cơ hội “Hiện tượng Obama” năm 2008. Ông Brad nói rằng châu Âu muốn trở thành một khối ông lớn, nhưng lại thiếu ý chí và sức mạnh. 

Chính sách của Mỹ đối với châu Phi cũng sẽ chịu nhiều sự tác động từ kết quả cuộc bầu cử, khi Thượng nghị sỹ Dân chủ Russ Feingold bị đánh bại hôm 2.1.2010. Là Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Thượng viện phụ trách các vấn đề châu Phi, ông Feingold từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách toàn diện hơn đối với lục địa này.

Đối với châu á, giới chuyên gia khẳng định rằng chính sách can dự sâu hơn của Mỹ vào khu vực châu á và Đông Nam á dưới thời ông Obama vẫn sẽ tiếp tục trong hai năm tới. Và sau đó dù ai làm tổng thống Mỹ thì chính sách đó vẫn sẽ được duy trì. Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ để “bênh vực” các nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là trong những vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Về kinh tế, việc đảng Cộng hòa giành chiến thắng sẽ làm tăng cơ hội cho chính quyền Obama thông qua Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc vốn đang bị treo ở Quốc hội do những người Cộng hòa thường ủng hộ mở rộng thương mại. Đài Loan có thể được lợi từ thắng lợi của đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quyền tự trị của Đài Loan và có thể đòi chính quyền Obama cung cấp thêm máy bay chiến đấu mới cho Đài Bắc.

Nhìn một cách tổng thể, việc đảng Cộng hoà thắng cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua sẽ không tác động nhiều tới chính sách đối ngoaị của Mỹ trong hai năm tới.  Vì theo luật pháp Mỹ, ngoại giao thuộc phạm vi thẩm quyền của Nhà Trắng và Thượng viện vẫn do đảng Dân chủ nắm giữ. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh nhỏ từ sức ép của phe Cộng hòa.

Nguyễn Nhâm