Tục giao hảo giữa các làng quê

Phạm Thuận Thành 01/01/2011 00:00

Thời trước người dân quê sống khép kín sau lũy tre làng, tự điều chỉnh hành vi phù hợp các mối quan hệ trong làng. Thế nên có câu: Chuông làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ.

09-Tuc-DL11-300.jpg

Chỉ những khi thiên tai địch họa xảy đến thì tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân ta mới được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh đủ khắc chế thiên tai, chiến thắng địch họa. Vì thế dân ta cũng nói: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Ở vùng Kinh Bắc mối quan hệ tương thân, tương ái giữa các làng quê còn được đề cao đến mức “linh thiêng hóa” và duy trì lâu dài, gọi là tục giao hảo, hay tục kết chạ. Có nơi còn giữ được nguồn gốc tục giao hảo để truyền bảo con cháu, có nơi tuy không giữ được nguồn gốc tục giao hảo nhưng việc duy trì tục lệ thường xuyên cũng vẫn có tác dụng giáo dục hậu thế sâu sắc.

Theo “Thần phả” làng Đại Trạch (Thuận Thành) thì vị thành hoàng làng là Binh bộ Thượng thư Kiên quốc công Trần Hưng Hồng (con trai Trần Hưng Đạo) được phật Pháp Thông làng Xuân Quan hiển linh phù trợ đánh đâu thắng đấy, góp phần chiến thắng quân Nguyên Mông nên tướng quân đã làm lễ tạ ơn, rước phật Pháp Thông về Đại Trạch rất long trọng. Tục giao hảo giữa Đại Trạch và Xuân Quan thông qua lễ “Tạ ơn” được duy trì từ đó đến nay và còn được duy trì lâu dài do đã được “linh thiêng hóa”.

Mối tình kết nghĩa Đình Bảng - Cẩm Giang (Từ Sơn) được kể lại rằng, vào đầu thế kỷ XV, làng Đình Bảng bị giặc Minh triệt hạ, dân làng thất tán khắp nơi, trong đó một phần lớn lánh nạn ở làng Cẩm Giang, được dân ở đây cưu mang giúp đỡ. Đến khi giặc tan, dân Cẩm Giang mỗi nhà góp một gốc tre cùng sáu cụ người Đình Bảng về lập lại làng cũ. Sáu cụ được dân làng tôn là Lục Tổ, được phối thờ ở đình. Còn tình nghĩa của dân Cẩm Giang thì được vun đắp bền chặt, sâu nặng. Người Cẩm Giang dệt vải, thì người Đình Bảng nhuộm thâm rồi đem sản phẩm đi bán các nơi. Thời phong kiến từng tăng thuế vải làm nhiều người thợ Cẩm Giang phá sản, dân Đình Bảng vừa chu cấp tiền gạo, vừa cậy người tấu lên vua xin được giảm thuế vải. Hơn 800 mẫu ruộng của Đình Bảng được vua lấy chia cho Cẩm Giang, nhưng dân Cẩm Giang không nhận, mà giao cho dân Đình Bảng cày cấy, thu hoạch. Trận lụt 1971 dân Đình Bảng chủ động gieo mạ giúp dân Cẩm Giang. Năm 1976 thời tiết khắc nghiệt, người Cẩm Giang lại đem cả trâu bò sang Đình Bảng giúp cày cấy kịp thời vụ. Ngày nay tình cảm anh em Đình Bảng - Cẩm Giang càng được củng cố và mở rộng bền chặt.

Khoảng năm 1815 làng Tam Tảo (Tiên Du) mua gỗ về dựng đình, kéo gỗ về đến làng Xuân Dục (Gia Lâm) thì trời tối phải vào làng ngủ nhờ. Hôm sau dân Xuân Dục bảo nhau ra chuyển gỗ giúp về tận Tam Tảo. Nhớ đến nghĩa cử này, ngày vui dựng đình dân Tam Tảo mời dân Xuân Dục đến dự. Từ đó hai làng kết chạ anh em, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt không tính toán thiệt hơn.

Làng Khám (Thuận Thành) giao hảo với làng Thường Vũ (Gia Bình cũ) không rõ từ bao giờ, vì lý do gì, nhưng theo văn tế đình làng Thường Vũ do ông nghè Nguyễn Chính soạn thì tục giao hảo này có muộn nhất cũng vào thời Thiệu Trị (giữa thế kỷ XIX. Trong văn tế đình làng Thường Vũ có cả một đoạn khấn thành hoàng làng Khám, gọi là “văn tế giao hảo”. Mỗi khi làng này vào đám thì lý trưởng làng kia dẫn quan viên làng mình đến dự cùng tế lễ, không còn cảnh “Thánh làng nào làng ấy thờ” nữa. Việc đón rước đoàn đại biểu giao hảo rất trọng thể. Mỗi nhà mua một chiếu hoa mới, trải từ đầu làng đến đình làng, ai cũng mong khách giao hảo đi lên chiếu nhà mình, và người ta tin càng nhiều vết chân là càng được nhiều lộc. Tế lễ xong, dân hai làng cùng nhau hưởng lộc thánh tại đình rất đầm ấm, vui vẻ. Mối quan hệ giao hảo còn được “linh thiêng hóa” qua câu chuyện sau: Làng Khám đông dân, mỗi khi vào Thường Vũ thường có hàng trăm người, còn làng Thường Vũ ra Khám chỉ có vài ba chục người, mới tỏ ý bất mãn, cho rằng dân Thường Vũ “không thân” mới bỏ tế ở Thường Vũ. Ngay năm ấy ở làng Khám bị “động”, người ốm, súc vật chết, dân làng Khám phải làm lễ tạ ở đình Thường Vũ và có lời xin lỗi dân Thường Vũ để tục giao hảo được liên tục. Từ đó đến nay hai làng vẫn giữ được tục giao hảo rất bền chặt, các mối quan hệ khác giữa hai làng càng ngày càng được mở rộng. Tại đình làng Thường Vũ còn có đôi câu đối đề cao tục lệ đẹp này:

Hương dĩ tự niên, trưởng tại tiền nhi ấu tại hậu

Lân giao hữu đạo, cận giả duyệt nhi viễn giả lai

 Nghĩa là:

 Việc cúng tế ở đình làng lấy theo tuổi, trước là người lớn, sau đến lượt trẻ con

 Quan hệ với láng giềng tốt thì không chỉ người gần thích đến mà người xa cũng thích đến.

Tục giao hảo giữa các làng quê xứ Bắc là tục lệ đẹp, đã được gìn giữ lâu đời, ngày nay tiếp tục được duy trì, được trân trọng nâng niu như một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt trong thời đại mới.

Phạm Thuận Thành