Ủy ban Nghị viện: Hệ thống Ủy ban ở Nghị viện một số nước
Hoa Kỳ
Hạ viện Hoa Kỳ sử dụng các Ủy ban cũng như các tiểu ban trong Ủy ban cho nhiều mục đích, trong đó có việc xem xét các dự luật và theo dõi ngành hành pháp.
Ủy ban lớn nhất của Hạ viện là Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ. Như tên gọi của nó đã nói rõ là gồm toàn thể thành viên của Hạ viện. Đa số công việc Ủy ban được 20 Ủy ban đặc trách trông coi, mỗi Ủy ban có thẩm quyền trên một loạt vấn đề đặc biệt, thí dụ như Ủy ban Pháp luật Hạ viện, Ủy ban Đạo đức Hạ viện, Ủy ban đặc trách chi tiêu, Ủy ban Thương mại và Năng lượng… Mỗi Ủy ban đặc trách xem xét, sửa đổi và báo cáo các dự luật nằm trong thẩm quyền của mình. Ví dụ, năm 2006, Ủy ban phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua điều khoản chống lại việc Công ty Dubai Ports World (doanh nghiệp nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) được phép tiếp quản 6 hải cảng tại các thành phố lớn của Mỹ vì lý do an ninh. Các Ủy ban này cũng có quyền lực nới rộng trong việc xem xét các dự luật. Họ cũng có thể ngăn cản một dự luật được đưa ra Hạ viện để biểu quyết. Các Ủy ban đặc trách cũng theo dõi hoạt động của ngành hành pháp. Để tước quyền của các viên chức chính phủ sai phạm, các Ủy ban đặc trách có quyền triệu tập các cuộc điều trần.
Hạ viện cũng có một Ủy ban thường trực không phải là Ủy ban đặc trách, đó là Ủy ban Thường trực Hạ viện Hoa Kỳ đặc trách về Tình báo. Tùy theo thời điểm Ủy ban này có thể thiết lập các Ủy ban phục vụ tạm thời và cho mục đích cảnh báo, thí dụ như Ủy ban Chọn lọc đặc trách Độc lập Năng lượng và Cảnh báo sự nóng lên của Địa cầu. Hạ viện cũng bổ nhiệm thành viên phục vụ trong những Ủy ban hỗn hợp mà gồm có các thành viên của hai viện Quốc hội. Một số Ủy ban hỗn hợp trông coi các bộ phận độc lập của chính phủ như Ủy ban Hỗn hợp đặc trách về Thư viện trông coi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, số khác phục vụ để làm các báo cáo về tư vấn như Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội đặc trách về Thuế… Tuy nhiên, quyền lực của các Ủy ban hỗn hợp tương đối thấp hơn quyền lực của các Ủy ban đặc trách.
Thái Lan
Theo Hiến pháp ngày 24.8.2007, Quốc hội Thái Lan là Quốc hội lưỡng viện, bao gồm: Thượng viện và Hạ viện (hay còn gọi là Quốc hội).
Nói chung, Hạ viện Thái Lan có 31 Ủy ban. Mỗi Ủy ban phụ trách riêng một hoặc một số lĩnh vực. Việc tổ chức các Ủy ban không tương ứng với số Bộ của Chính phủ (Chính phủ có 20 bộ), các vấn đề tôn giáo, phụ nữ, người tàn tật... không có bộ phận riêng phụ trách, nhưng lại có Ủy ban chuyên môn của Nghị viện.
Mỗi Ủy ban của Nghị viện có khoảng 21 thành viên. Các thành viên của các Ủy ban được phân chia theo tỷ lệ đảng phái trong Quốc hội. Chức Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội được phân chia theo tỷ lệ đảng phái. Những Ủy ban phụ trách các vấn đề liên quan đến các bộ quan trọng thường do người của đảng cầm quyền làm Chủ nhiệm, tạo thuận lợi cho hoạt động của đảng cầm quyền và Chính phủ.
Indonesia
Hạ viện là cơ quan quyền lực nhất trong ngành lập pháp Indonesia, với nhiệm kỳ 5 năm. Đây là cơ quan đại diện của nhân dân, là một thể chế nhà nước, có vai trò giám sát hoạt động của Tổng thống, nhưng Tổng thống không có quyền giải tán Hạ viện. Hạ viện có chức năng xây dựng và giám sát thực hiện các bộ luật; thông qua các chương trình và chính sách của Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các bộ trưởng nội các, chức danh Đại sứ, Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tư lệnh quân đội và Tư lệnh các quân binh chủng; xem xét và chấp nhận các Đại sứ do nước ngoài bổ nhiệm đến Indonesia.
Với những chức năng trên, Hạ viện thành lập 11 Ủy ban thường trực đảm nhiệm công tác lập pháp, giám sát và ngân sách, 2 Ủy ban phụ trách về công tác tổ chức và hợp tác liên Nghị viện tương đương như Ủy ban tương ứng với các bộ, ban ngành của Chính phủ. Ủy ban Ngân sách là một trong những Ủy ban quan trọng được Hạ viện thành lập tại phiên toàn thể đầu tiên của nhiệm kỳ.
Suy cho cùng, dù tổ chức hệ thống Ủy ban của Nghị viện theo kiểu nào, nhưng nếu duy trì được một hệ thống Ủy ban mạnh sẽ tạo cho Nghị viện khả năng tốt hơn để gây ảnh hưởng về mặt chính sách đối với công chúng và để giám sát tốt hơn đối với các hoạt động của ngành hành pháp.
Thụy Điển
Thụy Điển là quốc gia Bắc âu có thể chế chính trị quân chủ lập hiến. Các cơ quan nhà nước ở trung ương bao gồm Nghị viện (Riksdag), Chính phủ, các bộ và các cơ quan nhà nước trung ương. Riksdag là cơ quan lập pháp cao nhất và một trong những thẩm quyền quan trọng của Nghị viện Thụy Điển là thông qua luật. Nhưng điều đáng lưu ý là, ở Thụy Điển có sự phân định rõ ràng những lĩnh vực được điều chỉnh bởi luật do Nghị viện ban hành và những lĩnh vực được điều chỉnh bởi văn bản do Chính phủ ban hành.
Theo pháp luật Thụy Điển, trước khi Nghị viện quyết định liệu có thông qua dự luật hoặc sửa đổi, dự án luật phải được xem xét kỹ lưỡng bởi một Ủy ban của Nghị viện. Nghị viện Thụy Điển bao gồm 16 Ủy ban, mỗi Ủy ban chịu trách nhiệm về một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực nhất định. Việc phân công xem xét dự luật ở Nghị viện được thực hiện bởi nghị sỹ ở các Ủy ban khác nhau. Việc xem xét dự luật bởi Ủy ban phải được tổ chức thành phiên họp Ủy ban. Uỷ ban thường mời các chuyên gia và các đại diện của các tổ chức khác nhau tham dự phiên họp Ủy ban để thu nhận thêm thông tin và tiếp thu ý kiến. Những phiên họp này được mở công khai cho công chúng và các cơ quan thông tin của Nghị viện. Tuy nhiên, cũng có những phiên họp được tổ chức kín. Tại các phiên họp này, các nghị sĩ thảo luận về những vấn đề của dự án luật mà họ quan tâm. Sau khi Ủy ban quyết định, các nhân viên của bộ phận thư ký Ủy ban sẽ soạn thảo báo cáo của Ủy ban. Báo cáo của Ủy ban chứa đựng những đề xuất sẽ đưa ra phiên họp Nghị viện để quyết định. Nội dung của báo cáo này do các thành viên của Ủy ban quyết định. Thông thường có thể có một nhóm thiểu số thành viên Ủy ban không đồng ý với ý kiến của đa số. Những người này có thể trình những ý kiến bất đồng của họ tới Nghị viện. Để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ cho Nghị viện quyết định, những ý kiến bất đồng này cũng phải được nêu rõ trong báo cáo của Ủy ban.
Sau khi hoàn tất, Ủy ban trình báo cáo ra phiên họp Nghị viện và nhấn mạnh những vấn đề cần thảo luận trong dự luật của Chính phủ. Các nghị sỹ đều nhận được bản photocopy báo cáo và được thông báo thời gian nghiên cứu báo cáo đó. Nếu tất cả nghị sỹ đồng ý thông qua dự luật thì không cần thiết phải tổ chức tranh luận tại phiên họp Nghị viện. Trong trường hợp có các ý kiến khác nhau, cuộc tranh luận tại phiên họp sẽ được tổ chức. Khi đó, tại phiên họp Nghị viện, thành viên của Ủy ban đã xem xét dự luật trình bày quan điểm của mình và tất cả nghị sỹ đều có quyền tham gia tranh luận. Máy tốc ký sẽ ghi lại tất cả những ý kiến đã được phát biểu tại phiên họp. Đồng thời, bản ghi lại các tranh luận được công khai để công chúng theo dõi. Và việc ra quyết định về dự luật sẽ được tiến hành sau khi các nghị sỹ kết thúc tranh luận.