Nếu nước Pháp từ bỏ đồng euro...

Hồng Minh 29/12/2010 00:00

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu âu đang lưỡng lự giữa việc giải cứu hay bỏ rơi đồng tiền chung của khu vực, thì nước Pháp đã nhìn thấy cái giá “không thể trả nổi” nếu Paris từ bỏ đồng euro.

08-neu-nuoc-36310-300.jpg
Nếu điều đó xảy ra, nước Pháp không có kế hoạch B. Đó là câu trả lời dứt khoát từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương, hai chế định chịu trách nhiệm quản lý tình hình trong trường hợp khu vực đồng euro tan vỡ. Khi đó, Paris sẽ trở lại với đồng franc. Và đây là kịch bản tệ hại nhất. Cho đến nay chỉ duy nhất một chuyên gia của Ngân hàng ING “dám” công bố đánh giá về những thiệt hại mà Pháp và khu vực đồng euro phải đối mặt nếu đồng tiền này không được cứu kịp thời.

Đã có một bài học đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đó là trường hợp của Argentina năm 2001. Bunos Aires đã quyết định chấm dứt hệ thống tỷ giá chuyển đổi cố định giữa đồng peso và đồng USD. Hệ quả là đồng peso mất giá đến 55%. Tổng sản phẩm quốc nội Argentina giảm 11%, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20%, lạm phát 40% và Argentina trở thành con nợ của thế giới. Liệu châu Âu có thể tồn tại nếu đồng tiền chung biến mất?

Điều chắc chắn là thị trường sẽ ra tay trước. Theo dự đoán của ông Mark Cliffe, một nhà kinh tế học thuộc ngân hàng ING, giá trị đồng euro sẽ sụt xuống còn 0.85 so với đồng USD. Con số này có thể khiến nhiều người cho rằng Mark Cliffe quá võ đoán. Nhưng nên nhớ, đó từng là tỷ giá của đồng euro vào mùa thu năm 2000.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều khó khăn khác nảy sinh như vấn đề chuẩn bị cung cấp lượng tiền mới, kiểm soát vốn đầu tư tại châu Âu… và nguy hiểm nhất, việc các nhà đầu tư trở nên mất niềm tin vào thị trường châu Âu sẽ trở thành lỗ hổng khó bù đắp. Theo kịch bản của ING, riêng với Pháp, năm đầu tiên GDP sẽ giảm 4% và tính chung trong vòng 3 năm, GDP giảm 10%. Tình trạng giảm phát sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát của Pháp lên 13,8%, của Tây Ban Nha lên 25,5%. Giá cả giảm, tiền lương cũng giảm và lãi suất trái phiếu của Pháp và Đức thời hạn 10 năm chỉ còn khoảng 1%. Xăng dầu sẽ đắt đỏ hơn, giá một lít xăng có thể tăng lên đến 1,75 euro. Thị trường tài chính sẽ phải đóng cửa nhiều ngày, hoạt động thanh toán quốc tế sẽ bị kiểm soát và tạm ngừng một thời gian cần thiết.

Trong thời gian khó khăn của mình, Argentina đã phải giới hạn mỗi cá nhân chỉ được rút tối đa 250 USD một tuần và sau đó phải tạm ngừng. Tỷ lệ chuyển đổi được Argentina ấn định có lợi cho người vay tiền hơn là với người gửi tiết kiệm, khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn nghiêm trọng. Chính phủ Argentina khi đó buộc phải ra tay để cứu các ngân hàng khỏi nguy cơ phá sản.

Còn với nước Pháp, 2/3 trong tổng số nợ công 1.200 tỷ euro đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Nước Pháp sẽ thiệt hại nặng nề nếu đồng franc mới bị sụt giá so với đồng euro cũ. Hiện nay, nợ Chính phủ tính bằng đồng euro vốn đã quá nặng. Nếu đồng tiền mới tiếp tục mất giá, khối nợ sẽ tăng lên. Khi đó, làm thế nào để tránh được nguy cơ các ngân phá sản hàng loạt? Ai sẽ giúp nước Pháp chống lại tình trạng siêu lạm phát và ai có thể tin được là việc quay lại với đồng franc là đủ để tái công nghiệp hóa trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay?
Câu hỏi cuối mà các chuyên gia đặt ra: liệu việc từ bỏ đồng euro có phải là tiếng chuông báo hiệu sự tan rã của Liên minh châu Âu hay không? Hiệp ước Lisbon đã khẳng định: EU là một liên minh kinh tế và tiền tệ, trong đó đồng tiền sử dụng chung là đồng euro”. Với lập luận này, việc quay lưng với đồng tiền chung cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho mô hình nhất thể lớn nhất và từng được coi là thành công nhất hành tinh này.

Hồng Minh