Củ từ (Phần 1)
Truyện ngắn của TÔ ĐỒNG (Trung Quốc)

27/12/2010 00:00

Nhà văn Tô Đồng sinh năm 1963, tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1984 tốt nghiệp khoa Trung văn, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, từng làm giảng viên khoa Công nghệ Học viện Nghệ thuật Nam Kinh, biên tập viên tạp chí Chung Sơn, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô, ủy viên Ban Chấp hành toàn quốc Hội Nhà văn Trung Quốc.

>> Củ từ (Phần 2)

>> Củ từ(Phần cuối)

Năm 1983 Tô Đồng bắt đầu công bố tác phẩm. Tác phẩm chủ yếu đã xuất bản: Tô Đồng văn tập (7 quyển), tiểu thuyết Cái thứ tám là tượng đồng, Cuộc chạy trốn năm 1934, Điệu múa đau lòng, Năm thê bảy thiếp…

Khán giả Việt Nam đã biết Tô Đồng qua phim truyện Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, chuyển thể từ tiểu thuyết Năm thê bảy thiếp (Thê thiếp thành quần).

Truyện ngắn Củ từ của Tô Đồng đã được trao giải thưởng văn học Lỗ Tấn lần thứ năm (2007 - 2009).

 
05-Cu-tu-36110-300.jpg
 

Về nhà, cô tôi đầu tiên nhìn thấy hai con gà trống to lông màu hoa lau, chúng bị quây trong túi lưới, một con ngồi, một con đứng, nhưng xem ra đều hiền lành. Trông thấy con gà trống hoa lau lớn, cô tôi biết ngay anh họ của tôi đã về nhà, cô ngắm nghía kỹ lưỡng mặt đất, song cũng chưa biết là gà biết giữ vệ sinh, hay là đói bụng nên không thể ỉa bậy được, tóm lại mặt đất vẫn rất sạch sẽ.

Cô tôi túm mào của một con gà trống xem xét một lát, nói: “Chắc không phải là gà rù, chỉ biết mang về gà trống, đã không thể hầm được, lại không thể đẻ trứng, lại còn gáy sáng làm mất giấc ngủ của mọi người nữa chứ”.

Cô tôi đi đến cạnh nhà bếp, đang định lấy gạo cho gà ăn, bèn trông thấy một cô gái lạ mặc áo sơ mi màu hoa đào ngồi ở ngoài sân, đang dùng mảnh sành cạo củ từ.

Cô cho rằng anh họ tôi đưa bạn gái về nhà, vừa mừng vui vừa căng thẳng, chui tọt vào trong nhà bếp như kẻ cắp, chui vào một tý, lại chạy ra ngay, tay vuốt tóc, đứng đấy hắng giọng. Cô gái gọt củ từ ngẩng đầu lên, khuôn mặt bánh mật ngước lên, vừa nhìn đã biết là con gái nông thôn. Cô ta đang ngồi trên ghế bỗng vụt đứng lên, không biết là e thẹn hay lễ phép, gượng cười với cô tôi. Nghe thấy cô ta nói một câu gì đó không rõ, chắc là tiếng địa phương, nên cô tôi không phân biệt rõ cô gái gọi cô tôi là gì. Bất giác cô tôi nhíu lông mày, cô gái buông thõng tay, ánh mắt nhìn khắp người cô tôi một lượt, co rúm lại, nhút nhát nhìn vào gian phòng của anh họ tôi, đột nhiên kêu lên: “Đồng chí Tiểu Dương, đồng chí ra đây một tý, ra đây một tý đi”. Anh họ tôi ngáp ngủ chậm rãi bước ra, anh họ tôi vừa ra thì cô gái nọ bèn cúi đầu chui vào phòng. Trông thấy cô tôi đứng ngây ra ở đấy, anh họ tôi xoa bụng cười khà, nói với cô: “Làm gì mà mẹ tròn mắt ra thế? Tưởng con dẫn bạn gái về phải không? Tư tưởng con chưa tiến bộ như vậy đâu, tìm người nông thôn làm bạn gái”. Cô tôi chờ anh họ tôi giải thích tiếp, song anh lại không giải thích, chỉ người ở trong phòng, lại chỉ tay vào hai chú gà trống hoa lau trên mặt đất, nói cho qua chuyện: “Đó là Cố Thái Tụ của Cố Gia Trang, người ta gặp phiền phức, cần ở nhà ta mấy ngày, tránh tạm gió bão thôi mà”.

Bất luận chuyện của Thái Tụ uẩn khúc như thế nào, vốn lại phát sinh tại gia đình nhà cô tôi, không liên quan gì với gia đình nhà tôi. Song, đêm hôm ấy cô tôi nhắc đến một chú gà trống hoa lau bèn nóng ruột như lửa đốt chạy đến nhà tôi, nói là cần bàn chuyện gấp với mẹ tôi. Thật ra chuyện gấp ấy chính là chuyện của Thái Tụ, gấp không đến nỗi nào, chỉ chẳng qua do cô tôi kể lại bằng một giọng như chết người ngay, nên câu chuyện trở thành gai góc mà thôi.

Hồi ấy tôi còn nhỏ, không biết hình thức hôn nhân đổi chác thịnh hành ở nông thôn, chỉ cần nghe rõ quan hệ trao đổi trong đó, rất giống như phương trình toán mà chúng tôi học: X+Y= X1+Y1. Anh của Thái Tụ lấy vợ, thì anh của người vợ ấy sẽ phải lấy Thái Tụ. Cô tôi nhấn mạnh người đàn ông rất nhiều tuổi, bị bệnh động kinh, khi phát bệnh đã tự cắn đứt lưỡi mình, cho nên vẫn là người đàn ông không có lưỡi.

Nghe đến đây mẹ tôi bèn kêu tướng lên: “Làm như vậy sao được, một cô gái nết na xinh đẹp như vậy, Làm sao lại gả cho một người không có lưỡi chứ? Gia đình họ Cố không thuộc quyền Mao Chủ tịch quản lý ư? Coi nữ đồng chí như súc vật ư, bố mẹ họ làm chuyện hồ đồ như vậy, tổ chức Đảng không có ý kiến gì ư?”

Cô tôi nói: “Chị đừng nói thao thao như vậy nữa, tổ chức Đảng ở nông thôn đang bận học tập Đại Trại mà, bận túi bụi, làm sao mà lo đến chuyện hôn nhân đổi chác như vậy được?” Cô tôi lại nói: “Phiền toái là ở chỗ gạo đã thành cơm rồi, anh của Thái Tụ đã lấy em gái người ta về làm vợå rồi, phía Thái Tụ thì được cánh thanh niên trí thức làm công tác tư tưởng, không chịu lấy người ấy làm chồng”.

Cô tôi nhắc đến một nữ thanh niên trí thức tên là Củng Ái Hoa, nói rằng Thái Tụ vốn đã chuẩn bị vì anh cô mà hy sinh bản thân mình, song Củng Ái Hoa không đồng ý, đứng ra giúp đỡ cô ấy, còn giúp cô ấy vạch ra một phương án trốn đi rất kỹ càng chi tiết. Cô tôi một mặt nguyền rủa bố mẹ Thái Tụ lòng lang dạ sói, vì con trai mà đẩy con gái vào đống lửa, mặt khác cô tôi cứ nguyền rủa Củng Ái Hoa, nói: “Cô ta thích chơi trội hơn người, là người đầy dã tâm! Không cần cô ta xuống nông thôn, cô ta muốn xuống nông thôn, vì muốn được lên báo chí. Xuống nông thôn rồi lại muốn tiên tiến, còn muốn lên báo chí, dùng Thái Tụ con người ta để kê cao chân cho cô ta”. Cô tôi hận tận đáy lòng nói: “Cô ta tiên tiến tôi cũng không phản đối, cô ta cứu người tôi cũng không phản đối, song cô ta không thể chỉ nhận vinh quang về mình, đẩy phiền toái rắc rối cho người khác. Đại Miêu của nhà ta không có đầu óc, nó bèn nghe theo sự sai khiến của Củng Ái Hoa, bảo nó dẫn về là nó nhận về. Chị nghĩ nhà em hẹp như thế này, lại toàn con trai, để một đứa con gái ở lại trong nhà thật chẳng ra thể thống gì cả? Không cho người ta nói chuyện tầm phào ư?” Nói đến đây, cô tôi thấy mẹ tôi nhận củ từ lại không tỏ thái độ gì, cuối cùng cô bèn nói toạc chuyện gấp ấy ra: “Nhà tôi không có chỗ kê giường cho cô ta đâu, gác nhà chị có một mình em gái út ngủ, để cho cô gái ấy ngủ trên gác với cô út đi. Ở lại năm ngày, chỉ có năm ngày, coi như giúp đỡ tôi đi”. Cô tôi chìa bàn tay ra huơ huơ trước mặt mẹ tôi, huơ huơ mãi, cứ chờ mãi đến lúc mẹ tôi gật đầu mới chịu thôi. Cuối cùng, cô tôi thở phào nói: “Cái thằng Đại Miêu không có đầu óc nhà tôi nói rằng, nhà chúng tôi là trạm giao thông thứ nhất, còn có những trạm liên lạc, sở chỉ huy khác nữa chứ! Bọn chúng coi việc này như làm đại sự nghiệp cách mạng! Chờ đến ngày Quốc khánh Củng Ái Hoa trả về đây, tôi sẽ bảo thằng Đại Miêu đưa cô gái ấy đến nhà Củng Ái Hoa, tôi sẽ bảo thằng Đại Miêu rằng, nhà ta nhiều con cái thế này, làm giao thông cho chúng đã bận bịu rồi, đâu còn sức mà làm trạm giao thông cho người khác nữa?”

Tôi không mảy may biết một tí gì về cô gái nông thôn tên là Thái Tụ ấy, song Củng Ái Hoa mà cô tôi nhắc đến, thì tôi biết. Cô ấy và anh họ tôi là những thanh niên trí thức không giống nhau, cô ta được lãnh đạo dựng lên thành điển hình. Trong bảng tuyên truyền của trường chúng tôi có treo ảnh chân dung của cô ấy, một cô gái mắt to, hai má nhòn nhọn, trên ngực cài một bông hồng to. Do chụp ảnh nghiêng, người hơi nghiêng, làm duyên một tí, ánh mắt cô ấy nhìn rất xa xăm, lại ngước nhìn lên, theo tôi đó là tư thế có hoài bão lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Trong đêm, anh họ tôi bấm đèn pin, đưa Thái Tụ và một con gà trống sang nhà tôi. Anh họ tôi giống như áp tải hai kiện hành lý, đưa hàng hóa vào kho, cắm đầu chạy một mạch. Mẹ tôi đưa cho anh một giỏ chứa đầy củ từ đem về nhà, anh vâng vâng dạ dạ, song cuối cùng cái giỏ lại bị anh để lại ở góc sau cổng.

Thái Tụ trở thành khách của gia đình tôi như thế đó.

Con gà trống bị nhốt trong một cái bu gà để ở góc sân, Thái Tụ và chị tôi ngủ chung với nhau trên gác. Từ trước đến nay, nhà tôi chưa từng có khách như vậy, không phải thân thích, song tiếp đãi lịch sự không hề thua kém người thân. Sáng sớm ngày đầu tiên, mẹ tôi trực tiếp nấu một bát canh trứng cho cô ấy, cô ấy ngập ngừng một lát, không biết làm khách như thế nào, bèn nhận lấy bát ăn một quả trứng, đột nhiên nhìn thấy ánh mắt của tôi, bỗng biết cách khách khí, đưa bát cho tôi, nói: “Em ăn đi, nhà quê chúng tôi gà đẻ nhiều trứng, nên thường xuyên ăn”. Mẹ tôi ngoài miệng đe nẹt tôi, song trong mắt lại tỏ ra khen ngợi Thái Tụ, tôi nhận ra, cho nên tôi bưng bát canh trứng ra ngoài ăn, mẹ tôi không ngăn tôi nữa, nói với Thái Tụ: “Hay là cháu ăn cháo đi, sáng sớm ăn cháo nhẹ nhàng nhất, dễ tiêu hóa”.

Tôi ngắm nhìn bộ dạng Thái Tụ ăn cháo, bát che kín mặt, cô ấy không dùng đũa, tựa hồ như uống nước, nâng bát lên dốc ngược vào miệng.

“Thái Tụ cháu ăn chậm một chút, cháo còn đầy một nồi to đấy”. Mẹ tôi nói: “Thái Tụ, đêm qua cháu ngủ có ngon không?”

Cô ấy không biết diễn đạt như người thành phố, nghĩ một lát, lắc đầu nói: “Cháu tỉnh giấc mấy lần, tại sao nửa đêm vẫn có xe lửa kêu, thuyền máy cũng kêu, cháu sợ chết khiếp”.

“Chẳng phải chị ngủ rất say đó sao? Tám giờ mới thức dậy! Em còn nghe thấy chị ngáy” - Chị tôi ngồi cạnh liếc mắt nhìn cô ấy, làu bàu nói: “Em mới không ngủ ngon, sáu giờ đã tỉnh dậy, vì chị nghiến răng làm cho em mất ngủ đấy”.

“Tại em thính tai, nghiến răng mà cũng làm em tỉnh giấc ư? Người nhà quê uống nước lã, trong bụng có giun, ban đêm ngủ đều nghiến răng”. Mẹ tôi ngăn chị tôi oán trách, lại hỏi Thái Tụ: “Thái Tụ! Ở quê cháu cũng tám giờ mới dậy à?”

“Gà chưa gáy, cháu tưởng trời chưa sáng, ở nông thôn nghe gà gáy thì dậy. Cũng lạ thật, đêm ở chỗ các bác xe lửa kêu, thuyền buồm kêu, trái lại gà trống lại không gáy” - Chị ấy liếc nhìn ra góc sân, lẩm bẩm nói: “Gà trống cũng sợ chỗ lạ, ra thành phố đều không gáy nữa”.

“Gà trống không còn nữa” - Mẹ tôi nói: “Bố các con vừa sáng đã đem gà đi giết rồi, đem ướp thành gà muối rồi, đến Tết ăn vừa ngon”.

Trong nhà bếp yên lặng như tờ, Thái Tụ buông bát cháo xuống, thái độ của cô ấy xem ra rất kinh ngạc, không rõ tại sao lại kinh ngạc. Thái độ khiến cả nhà tôi cảm thấy khó chịu thế nào ấy. Giọng chói tai của chị tôi bèn vang lên: “Chỗ chúng tôi là khu phố vệ sinh tiên tiến, không được nuôi gà!?”

Thái Tụ lách người chạy ra góc sân, sắc mặt hơi tái đi, cô ấy liếc nhìn con gà trống trụi lông treo trên dây phơi quần áo. Dựa vào cánh cửa, cô ấy không nói gì, song tôi nhìn ra cô ấy rất buồn.

“Chỗ chúng tôi không được nuôi gà”. Mẹ tôi ngoảnh lại, vừa quan sát thái độ của Thái Tụ, vừa nói cho cô rõ: “Con gà trống, chứ đâu có phải con thỏ con con dê con, làm gì mà tiếc, gà nuôi lớn đều phải thịt mà”.

“Không phải cháu tiếc” - Thái Tụ lắc đầu, nói: “Con gà trống ấy là con gà con mà cháu chọn từ trong lò ấp, rồi nuôi nó lớn”.

“Thế không tiếc là gì, chính cháu nuôi lớn thì càng tiếc chứ”. Mẹ tôi thử nhìn cô ấy, nói: “Thịt thì đã thịt rồi, cũng hết cách rồi phải không?”

Thái Tụ vẫn lắc đầu, nói: “Không phải tiếc”. Mẹ tôi chờ cô ấy nói tiếp, song cô không nói gì nữa, mà chỉ qua quýt: “Giết một con gà trống rồi cũng chỉ ăn được mấy miếng thịt, người nhà quê chúng cháu không thích ăn gà trống”.

Mẹ tôi nghe ra đó là một lời nói có ý trách móc, lại là một cô gái nông thôn đang quở trách bà. Mẹ tôi hơi bị hố, bỏ mặc cô ấy rồi ra ngoài, vừa đi vừa nói: “Nhà quê các người cần nghe gà gáy, chúng tôi không cần, có đồng hồ chuông báo thức rồi, gà trống chỉ để ướp muối ăn rất rẻ”.

Lông con gà trống dầy dặn và bóng mượt bị bố tôi vặt trụi, để lên tờ giấy báo cũ phơi nắng. Thái Tụ ngồi xổm trước đống lông gà, chọn lấy một sợi lông gà màu vàng, tay mân mê rồi lại đặt xuống. Cô ấy giữ lông gà để làm gì nhỉ?

 Cô ấy hỏi tôi: “Làm cầu lông không? Em trai có thích đá cầu không?”

“Ai thèm đá cầu chứ? Em không phải là con gái”. Tôi bực mình nói với cô ấy: “Phơi khô bán cho trạm thu mua, lông gà có thể bán lấy tiền”.

Xét đến cùng, Thái Tụ vẫn là khách của nhà chúng tôi, bất luận cô ấy có làm mọi người vui vẻ hay không, lịch sự tiếp khách vẫn không thể thiếu. Ngày đầu tiên, chị tôi dẫn Thái Tụ đi chơi, nói là đi dạo công viên, song Thái Tụ không thích thú công viên, lượn nhoáng một vòng bèn đi ra. Thái Tụ nói ngay những cây to, ngay những hồ nước, bên hồ nước đắp hòn non bộ, trên non bộ lại dựng những ngôi đình, thế mà là công viên ư? Để thu tiền ư? Đã ra thấy mọi người đều đi vào trong công viên, Thái Tụ lại hối hận, nói với chị tôi: “Không nên ra nhanh như vậy, hơn nữa lại không đòi lại được ba hào, chi bằng đi nhiều hơn nữa trong ấy”. Chị tôi nói rằng suốt đường đi Thái Tụ cứ xót ruột vì ba hào ấy, cho đến lúc đi qua hiệu ảnh Đông Phong, cô mới quên điều tai hại mà công viên đem lại cho mình.

Thái Tụ đứng ở hiệu ảnh Đông Phong không chịu đi, ngắm mãi ảnh chụp những cô gái xinh đẹp trưng bày trong quầy. Chị tôi lại không thích quầy trưng bày ảnh của hiệu ảnh, cứ phải dằn lòng dẫn cô ấy đi xem. Thái Tụ nói cô ấy chưa từng chụp ảnh, lại nghe nói chụp ảnh phải trả tiền.

Chị tôi đoán được tâm tư của cô ấy, buồn bã nói: “Mẹ tôi đưa cho tôi một đồng, nói là tiền để chiêu đãi bạn, chỉ có thể chụp ảnh cỡ 3x4, nhỏ bằng cái móng tay này thôi”.

Thái Tụ giơ ngón tay lên xem một lát, nói: “Như vậy thì nhìn không thấy, chụp cũng vô dụng, to hơn một chút có được không?”

Chị tôi nói: “Cỡ nào cũng có, chỉ có điều chị phải bỏ thêm tiền, chị có tiền không?”

Thái Tụ do dự một lát, ngắm nhìn người đi lại trên đường phố, kéo chị tôi đến sát bên mình: “Bạn che cho tôi nhé”. Cô ấy dặn chị tôi. Chị tôi bèn dùng thân che cho cô, nghe thấy cô ấy xuýt xoa vội lần dây lưng quần, cuối cùng mò ra một cuộn tiền lẻ, quấn bằng chun.

Thái Tụ nói: “Mình có tiền! Trong bọn con gái ở Cố Gia Trang, mình có nhiều tiền nhất”.

VŨ PHONG TẠO dịch

(Số sau đăng tiếp)