Trái tim trẻ thơ trong người lính

Phạm Thuận Thành 21/12/2010 00:00

Mai Hoàng Hanh bắt đầu có thơ trên báo Bắc Ninh từ mươi năm trước khi còn là học sinh phổ thông. Rồi đi bộ đội. Tâm hồn thơ trẻ vẫn được người lính giữ tươi nguyên trong thơ những năm tại ngũ.

05-trai-tim-35510-180.jpg

Năm 2007 Mai Hoàng Hanh cho ra mắt liền hai tập thơ Nắng làm nũng (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin) và Bắt đền cơn mưa (Nhà xuất bản Văn học) khi sắp tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa quân đội. Nhà thơ trẻ đã định hình trong loại thơ thiếu nhi. Quả vậy, Mai Hoàng Hanh lại vừa cho ra mắt tập thơ thiếu nhi mới Mưa (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc). 48 bài thơ mà chỉ mới đọc tên bài đã thấy chất trẻ thơ: Gà con tập viết, Thiên nhiên chăm học, Ý nghĩ của bé, Em vừa lớn thêm, Chuồn chuồn ớt, Lời ru thơm...

   Bằng con mắt trẻ thơ mà nhà thơ có cách nhìn thật thơ ngây, mới mẻ: Giọt mưa lách tách ôn bài/ Cái sân nho nhỏ vẽ vài hình vuông/ Chim non đọc bảng cửu chương/ Cành tre giải toán hạt sương đánh vần/ Kiến già mê mải đọc văn/ Chị sâu tập hát rau răm đánh vần/ Hoa học múa nắng tập đan/ Bác ong luyện võ trên giàn gấc cao (Thiên nhiên chăm học). Lời thơ vừa thơ ngây dung dị vừa mới mẻ khẳng định nên cái chất của Mai Hoàng Hanh riêng biệt. Cũng với con mắt trẻ thơ mà nhà thơ phát hiện ra muôn vàn điều mới mẻ trong những đồ vật ngay trong nhà, ngay cạnh mình thường ngày sử dụng: Anh phích ruột đầy nước nóng/ Mà không bị bỏng lạ chưa/ Chị tủ lạnh bụng đầy đá/ Rét thế chẳng kêu bao giờ/ Anh phích là mùa hạ nhỉ/ Chị tủ lạnh mùa đông ha/ Hai mùa sớm hôm chăm chỉ/ Sẽ thành mùa xuân trong nhà (Mùa xuân trong nhà). Trẻ thơ luôn gần gũi thiên nhiên để khám phá thiên nhiên. Con chuồn kim bé tí ti kia nhưng là sự hài hòa và chính nó lại tô điểm thêm cho thiên nhiên qua phát hiện của trẻ thơ: Bên bờ ao vắng lặng/ Có chị chuồn chuồn kim/ Đang thêu từng sợi nắng/ Vào sắc hoa bìm bìm (Chuồn chuồn kim). Con chuồn bé thế nhưng được tôn là chị đấy. Vì nó làm công việc thêu thùa khéo tay của các chị mà. Gió là tơ chỉ để chuồn kim mải miết dệt nên tấm thảm cho làng quê ngày này sang ngày khác. Tứ thơ vừa đẹp vừa hay vừa trải được tấm lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên. Trước đây nhà thơ Hữu Nhi (cũng quê Bắc Ninh) từng có câu thơ hay về chuồn kim mang tính phát hiện ngỡ ngàng qua đôi mắt trẻ thơ thế này: Thiên nhiên nào có ai ngờ/ Vẫn còn chỗ vá phải nhờ đến kim (Chuồn kim). Mai Hoàng Hanh cũng viết về chuồn kim, vẫn tìm ra cái mới mẻ riêng không bị lặp lại người đi trước, thì mới thấy sự dụng công quan sát tinh tường thế nào.

Yêu thiên nhiên, gần thiên nhiên, nhưng công việc của trẻ là học, thì tất nhiên việc học phải nói đến nhiều. Mùa tựu trường, tiếng trống mùa thu, mèo con đi học, nắng đi học, mọi thứ đều học theo bé cả và dường như chúng học cùng bé, thay bé để cùng được điểm tốt. Vậy nên bé đã thả điểm tốt vào thiên nhiên chung rồi. Có điều bé mới đi học, chữ chưa đẹp thì bé chăm luyện viết chữ đẹp. Từ câu chữ như gà bới mà nhà thơ đã nảy ra cái tứ dành cho bé chăm luyện chữ đây. Gà con tập viết/ Cả ngày mỏi chân/ Chữ không thành chữ/ Vần không ra vần/ Ngỗng chê chưa tuyệt/ Vịt chê chưa siêu/ Gà mẹ mắng yêu/ Chữ như gà bới (Gà con tập viết). Bạn chê chưa tuyệt chưa siêu nghĩa là chữ đã đẹp rồi. Đến khi mẹ mắng yêu chữ như gà bới mới là chữ gà.

   Nhưng cao hơn cả là lòng biết ơn của trẻ dành cho người lớn. Trẻ thơ được bà được mẹ chăm ẵm bấy nay, dù đã được đi học nhưng vẫn cần chăm chút từng li từng tí. Khả năng tự lập còn non nớt do đó chúng luôn hướng về bà về mẹ. Dường như ở đâu, làm gì chúng đều dành cái tốt đẹp chúng phấn đấu cho bà cho mẹ. Mai Hoàng Hanh đã thay bé dành cho ngoại những vần thơ hay nhất: Mắt lòa tay yếu da mồi/ Tóc sương quấn sợi mây trời bay qua/ Còng lưng ngoại gánh tuổi già/ Bàn chân mỏi khắp đường xa ngõ dài/ Con nằm thao thức đêm nay/ Thầm thương dáng ngoại những ngày bão dông (Thương ngoại). Trong bài Mưa quê đứa trẻ đang nô nghịch với mưa qua những hình tượng vui thích Ông sấm gõ nhạc trên đồi/ Bà chớp bật lửa sáng ngời chân mây/ Bác chim vùn vụt cánh bay/ Cậu ong ưỡn ngực xòe tay hứng trời/ Anh gió phành phạch quạt chơi/ Chị bong bóng khanh khách cười dưới ao, rồi bỗng dưng lặng đi khi nghĩ đến mẹ đang lao động trong mưa làm lặng cả lòng người lớn, lặng cả đất trời Tiếng mưa ràn rạt trên cao/ Cuối thôn dáng mẹ nghiêng vào vạt mưa. Chỉ bằng một lần lặng đi này mà đứa trẻ đã lớn lên nhiều rồi. Mai Hoàng Hanh đã thay đứa trẻ mấy lần nhắc đến việc này. Năm nay em lớn lên rồi/ Thích đan nắng ngọt thích ngồi đếm sao và Đất trời sáng đẹp hơn xưa/ Thu sang rồi đấy em vừa lớn thêm (Em vừa lớn thêm). Đây là bài thơ tặng chú Trần Đăng Khoa nên có mượn câu chữ của chú Khoa để nói lên nỗi lòng thầm mong của trẻ lớn lên từng ngày. Nhưng đến bài Gánh thì đứa trẻ thực sự đã lớn rồi: Miệng xinh gánh nụ cười thơm/ Trái tim em gánh tâm hồn mộng mơ.

   Mai Hoàng Hanh hiện nay là sĩ quan tốt nghiệp trường Đại học văn hóa Quân đội, công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh. Nhà thơ vẫn phòng không có lẽ vì trái tim trẻ thơ và thơ quá. Một cây bút thơ thiếu nhi hiếm quý hiện nay của quê hương và của cả nước.

Phạm Thuận Thành