Nghịch lý tại đền Đức Thánh Cả

Hồng Quý 13/12/2010 00:00

Một danh thắng vốn có tiếng thơm “Lâm hạ hữu hách” (Nơi nổi tiếng hiển hách), lại phải “sống” trong nỗi sợ hãi bởi những kẻ buôn thần bán thánh và tiếng mìn phá đá rát tai gây ra.

04-nghich-ly-34710-300.jpg

Đó là những điều đang diễn ra tại đền Đức Thánh Cả (còn gọi là đền Thiên Vựng) thuộc thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, Ứng Hòa, Hà Nội. Đền được xây dựng cách đây hơn 1500 năm, thờ tướng “Nhất phẩm Đại vương” triều tiền Lý Nam Đế - một vị tướng phò Lý Bôn dẹp giặc Lương xâm lược. Ngày 19.4.1991, đền Đức Thánh Cả đã được công nhận là di tích quốc gia...

Hàng quán bủa vây, bom mìn đe dọa

Bãi đất vào cổng đền chào đón khách bằng một tấm biển “Bảng giá gửi các loại xe” đã cũ rích và bong gỉ sơn được dựng vẹo vọ trên đống gạch đá ngổn ngang. Ngay trước lối rẽ vào cổng đền “mọc” thêm một ngôi đền mới, (sau chúng tôi mới biết đó là đền Vĩnh Sơn - ngôi đền  “nhái” theo  kiến trúc của đền Đức Thánh Cả). Cùng với đó là hàng loạt hàng quán, kiốt bịt kín lối vào cổng đền Đức Thánh Cả. Theo cụ Nguyễn Hữu Liệt, người đã gắn bó với ngôi đền suốt mấy chục năm trời thì vào mỗi dịp lễ tết, các hoạt động kinh doanh như hàng ăn, hàng nước, dịch vụ trông xe lại bùng nổ. Du khách đến đây liên tục bị những người bán hàng “làm phiền” nếu không mua cho họ một món hàng.

Đang say sưa về sự tích ngôi đền, bỗng một tiếng nổ long trời dội đến tai những người có mặt trong đền. Tiếng mìn phá đá! Theo cụ Liệt những tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc này là do cơ sở khai thác đá tại khu vực phía bên kia của dãy núi Cầu Men, cạnh con đường vào đền. Năm 2007, trước phản ánh của người dân và Ban quản lý đền Đức Thánh cả, chính quyền địa phương đã ra quyết định đình chỉ việc nổ mìn phá đá của cơ sở này. Tuy nhiên, chẳng bao lâu tình trạng này lại tái diễn. Các chủ cơ sở khai thác đá bao biện rằng việc khai thác đá chỉ ảnh hưởng đến phần mép núi đang khai thác chứ không động chạm đến con đường vào đền (?).

04-nghich-ly-34710-300-a2.jpg

Ngôi đền giả và nghịch lý có một không hai

Chợt nhớ tới ngôi đền lạ gặp trên đường vào đền Đức Thánh Cả, chúng tôi liền đem ra hỏi cụ Liệt. Giọng cụ Liệt bỗng nhiên trầm hẳn xuống. Theo cụ Liệt thì do đền Đức Thánh Cả nằm ở địa phận khá nhạy cảm (toàn bộ khu vực 1 của đền thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng khu vực 2 và 3 của di tích (vành đai bảo vệ di tích) lại thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) nên du khách muốn vào đền Đức Thánh Cả phải đi qua địa phận đất của huyện Kim Bảng.

Năm 1999, hơn 150 bô lão thôn Hữu Vĩnh đã làm đơn kiện thôn Vĩnh Sơn xây dựng một ngôi đền với kiểu dáng, kiến trúc giống hệt đền Đức Thánh Cả. Đền “nhái” có tên Đền Trình Đức Thánh Cả án ngữ phía trước, khiến nhiều du khách nhầm tưởng là đền thật. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của hai tỉnh Hà Nam và Hà Tây (cũ) đã yêu cầu đổi tên đền Trình Đức Thánh Cả thành đền Vĩnh Sơn.

Chuyện tưởng đã xong thì đầu năm 2009, thôn Vĩnh Sơn lại tiến hành xây dựng dãy kiốt bán hàng khiến đường vào cổng đền Đức Thánh Cả bị lấp. Không còn cách nào khác người dân Hữu Vĩnh phải đưa ra chủ trương đóng cổng đền, đón khách ở ven sông Đáy, nhường toàn bộ hành lang giao thông thuận lợi nhất cho ngôi đền trước đây từng mang tiếng là “kẻ mạo danh” hoạt động.

04-nghich-ly-34710-300-a3.jpg

 Thâm nhập ngôi đền “nhái”

 Ông Đào Xuân Dư, Phó trưởng ban quản lý đền Đức Thánh Cả bức xúc: “Trong Luật Di sản văn hóa quy định rõ, việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH, TT và DL. Chúng tôi đã nhiều lần hỏi Cục Di sản văn hóa thì nhận được câu trả lời là Bộ vẫn chưa có công văn nào cho phép xây dựng đền Vĩnh Sơn. Vậy nên, chuyện xây dựng đền Vĩnh Sơn là trái pháp luật”. Cũng theo ông Dư, kiến trúc đền Vĩnh Sơn đã “nhái” lại y chang từ kiểu cách bên ngoài đến việc bài trí nội dung của hoành phi, câu đối… như bên trong đền thật. Không những thế, những người quản lý ngôi đền này còn đặt trạm barie để ngăn khách vào đền thật, “hút”  khách vào đền giả. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng những người quản lý đền giả vẫn ngang nhiên vi phạm.

Để thẩm định lời ông Dư, chúng tôi quyết định sắm vai những vị khách hành hương vào đền Vĩnh Sơn. Vừa thấy chúng tôi, một người đàn ông trạc ngũ tuần, mặc bộ quần áo màu nâu, niềm nở ra tiếp đón. Người này dẫn chúng tôi tới chỗ điện thờ để thắp nhang, cầu Thánh. Đấy là một nơi tối đen, phải thắp điện. Ánh đèn điện nhợt nhạt, cộng với bức tường vôi mốc xì, dựng ngổn ngang những tán, lọng, cột chắn barrie...  khiến chúng tôi có cảm giác “rợn” sống lưng. Điều kỳ lạ là trong khu điện thờ này không có bức tượng nào thờ Đức Thánh Cả mà thay vào đó là hàng chục hòm công đức đặt san sát dọc lối đi. Đi được khoảng 10 phút chúng tôi quyết định rút lui vì không chịu được sự ngột ngạt, ẩm thấp và tối tăm trong ngôi đền này...

Hồng Quý