Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để lại mốc son chói lọi trong chặng đường hình thành và phát triển của QH và bộ máy nhà nước

Thanh Hà thực hiện 11/12/2010 00:00

QH Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 65 năm, ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. 65 năm qua, những bài học lịch sử về cuộc tổng tuyển cử đó vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi người dân Việt Nam. Chia sẻ với PV Báo ĐBND, PCN UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, thắng lợi của cuộc bầu cử chính là thắng lợi của nền dân chủ nhà nước kiểu mới của nước ta và chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những bài học qua cuộc tổng tuyển cử đầu tiên chính là việc chuẩn bị kỹ, đầy đủ và chặt chẽ cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử.

- Thưa PCN, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Là ĐBQH nhiều khoá và người trực tiếp tham gia soạn thảo các luật về bầu cử, xin PCN chia sẻ cảm xúc của mình ?

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên để lại mốc son chói lọi trong chặng đường hình thành và phát triển của QH và bộ máy nhà nước ảnh 1PCN Phan Trung Lý: Là một ĐBQH, công tác trong QH, chúng tôi rất phấn khởi chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày bầu cử ĐBQH. Càng ngày, tổ chức và hoạt động của QH được hoàn thiện hơn và QH ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của mình. Từ QH của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà được bầu ra ngày 6.1.1946, làm 2 nhiệm vụ, xây dựng CNXH miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, sau đấy là QH thống nhất cả nước và đến nay là QH của Nhà nước Việt Nam XHCN, QH ta đã khẳng định vai trò góp phần chung vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 65 năm qua, QH ta đã có một chặng đường lịch sử rất phong phú, đã trải qua một giai đoạn phát triển vẻ vang. Càng ngày tổ chức của QH càng được hoàn thiện. Các chức năng của QH về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước càng được tăng cường; chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao.

- Từ góc độ người nghiên cứu khoa học pháp lý và với tư cách ĐBQH, theo PCN, đâu là bài học lịch sử từ thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và giá trị của những bài học đó trong giai đoạn hiện nay ?

PCN Phan Trung Lý: Cuộc bầu cử QH đầu tiên của nước ta đã để lại mốc son thật chói lọi trong chặng đường hình thành và phát triển của QH nói riêng và bộ máy nhà nước của chúng ta nói chung. Đây thực sự là ngày hội của nhân dân Việt Nam. Sau sự kiện 2.9.1945, ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thì việc tổng tuyển cử để bầu ra QH lập hiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ. Trước hết, tôi nghĩ, tổ chức tổng tuyển cử bầu QH là một thắng lợi của nền dân chủ nhà nước kiểu mới của nước ta và chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì có trở lại bối cảnh của thời điểm lịch sử lúc đó, khi nhà nước ta mới ra đời, cách mạnh còn gặp nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài đe doạ và nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại khác thì mới thấy hết quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ, cũng như của toàn Đảng, toàn dân ta.

Qua cuộc tổng tuyển cử này, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, muốn một cuộc bầu cử thành công thì trước hết, cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử  đó phải được chuẩn bị kỹ, đầy đủ và chặt chẽ. Chúng ta nhớ lại, ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Chính phủ xác định nhiệm vụ để tổ chức cuộc tổng tuyển cử thì những văn bản quy định về bầu cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo để xây dựng, từ những sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ về việc tổng tuyển cử cho đến những vấn đề có tính nguyên tắc về bầu cử khác liên quan, về quyền bầu cử và ứng cử của công dân, về tổ chức ngày bầu cử, chia các đơn vị bầu cử và một loạt các vấn đề khác. Thứ hai, là bài học về lòng tin. Nhà nước ta, Nhà nước của dân chủ, nhân dân, xây dựng được lòng tin của nhân dân. Và chính Nhà nước cũng đặt niềm tin vào nhân dân, tin tưởng vào sự lựa chọn của nhân dân. Tôi nghĩ, đây cũng là một nhận thức rất quan trọng. Thứ ba, bài học về đại đoàn kết dân tộc. Tổng tuyển cử  thành công là thắng lợi của đoàn kết toàn dân. Cả nước không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, thành phần dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc tổ chức bầu cử phải thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Bầu cử phải thực sự dân chủ, đúng pháp luật.

- Luật bầu cử luôn được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của cách mạng. Vậy xin PCN cho biết, sự khác biệt lớn nhất về mặt pháp lý bảo đảm tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam và pháp luật bầu cử hiện hành ?

PCN Phan Trung Lý: Như tôi đã nói ở trên, việc chuẩn bị xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về bầu cử là một nhiệm vụ quan trọng, yếu tố rất quan trọng bảo đảm sự thành công của bất cứ cuộc bầu cử nào. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 1.1946, trước đó, Chính phủ và trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật đặt nền móng cho pháp luật về bầu cử và nó phục vụ trực tiếp cho cuộc bầu cử năm 1946. Ví dụ như quy định về quyền bầu cử, ứng cử của công dân; quy định về người ứng cử; quy định về khu vực bầu cử; đơn vị bầu cử; khu vực bỏ phiếu và một loạt vấn đề khác. Đặc biệt là những nguyên tắc bầu cử đã được quy định ở trong những văn bản pháp luật này. Tuy lúc đó chúng ta chưa ban hành luật, nhưng sắc lệnh bầu cử đã đặt nền móng cơ sở pháp lý cho bầu cử mà những nguyên tắc bầu cử trong đó đã xác định từ phổ thông bầu cử, bỏ phiếu kín… đã được khẳng định trong các văn bản pháp lý đầu tiên ấy. Sau này, chúng ta hoàn thiện, kế thừa, phát triển. Luật bầu cử ĐBQH cũng như Pháp lệnh và Luật bầu cử đại biểu HĐND sau này cũng đều trên cơ sở kế thừa và phát triển về những quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản pháp luật về cuộc bầu cử đầu tiên. Tất nhiên, càng ngày, chúng ta càng sửa đổi, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu mới, tạo điều kiện tốt hơn để bảo đảm thực hiện tốt quyền bầu cử, ứng cử của công dân.

Đến nay, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện cụ thể thì pháp luật bầu cử đã được hoàn thiện. Và như chúng ta đã biết, hiện nay chúng ta đã có Luật bầu cử ĐBQH qua nhiều lần sửa đổi, có những quy định từ nguyên tắc bầu cử cho đến các tổ chức phụ trách bầu cử; công bố bầu cử; đặc biệt quy định về quyền bầu cử và ứng cử của công dân rất rõ. Theo tôi, hiện nay quy định rất chặt chẽ và hoàn chỉnh.

- QH vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND. Là thành viên của Uỷ ban thẩm tra dự án Luật này, PCN có nhận xét gì về những điểm sửa đổi, bổ sung đạo Luật lần này ?

PCN Phan Trung Lý: Để phục vụ cho cuộc bầu cử sắp tới, bầu ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp trong cùng một ngày, Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND. Đây là một văn bản rất quan trọng để làm sao chúng ta tổ chức việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Việc sửa đổi, bổ sung hai luật bầu cử lần này tập trung vào một số vấn đề liên quan đến ngày công bố, ấn định ngày bầu cử; tổ chức phụ trách bầu cử từ T.Ư đến các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu (Hội đồng bầu cử T.Ư, UB Bầu cử ở các tỉnh, các Ban bầu cử ở đơn vị bỏ phiếu, tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu). Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi một số vấn đề tạo điều kiện cho việc thực hiện thống nhất các bước tổ chức và tiến hành bầu cử.

Theo tôi, việc sửa đổi 2 luật bầu cử lần này để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới là tương đối hoàn chỉnh. Tất nhiên, về lâu dài cũng còn một số vấn đề cần được nghiên cứu tiếp khi chúng ta sửa đổi một cách toàn diện để hoàn thiện pháp luật bầu cử.

- Thưa PCN, việc thiết thực nhất kỷ niệm 65 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt  nội dung quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND. Vậy theo PCN, đâu là điểm cốt lõi đề đưa luật vào cuộc sống, góp phần thành công trong cuộc bầu cử ĐBQH Khoá XIII ?

PCN Phan Trung Lý: Hiện nay, trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử nói riêng còn có một  số vấn đề, cụ thể là cần tuyên truyền phổ biến pháp luật bầu cử làm cho người dân hiểu rõ hơn những việc được làm, cần làm và phải làm với những hình thức phù hợp. Cần có nhiều tài liệu tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm và hiểu các quy định của pháp luật, nhất là đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ở thành phố, ở các cơ quan, tổ chức rất dễ tìm các văn bản đó, nhưng mà đối với vùng sâu, vùng xa thì lại khó và họ lại không có điều kiện để được mua hoặc đi tìm. Nên theo tôi, bên cạnh việc in ấn để bán, để phổ biến phải có một khoản để in ấn tài liệu miễn phí dưới dạng hỏi - đáp bên cạnh các văn bản luật chính thức, để làm sao cho người dân dễ hiểu và cũng có thể là có những dạng như tờ rơi trong đó ghi một cách cô đọng, ngắn gọn quyền bầu cử, ứng cử của công dân, những vấn đề cần lưu ý trong cuộc bầu cử. Tuyên truyền qua họp dân phố hoặc loa phát thanh hoặc thơ ca, hò vè phù hợp với từng địa phương, từng vùng cụ thể. Việc tuyên truyền cần làm đồng bộ và kết hợp nhiều hình thức, tránh tình trạng khi luật còn đang ở dạng dự thảo lấy ý kiến rất sôi nổi của nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng khi được ban hành rồi thường chỉ tập trung tập huấn cho cán bộ các ngành, các cấp liên quan, còn việc tuyên truyền đối với dân chúng thì làm qua loa, hình thức.

- Xin cám ơn PCN!

Thanh Hà thực hiện