Wikileaks và chiến tranh mạng đang cận kề
Tổng biên tập Wikileaks Julian Assenge đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục. Nhưng những thông tin quân sự và ngoại giao động trời của Mỹ liên quan đến nhiều nước mà Wikileaks tiết lộ đã châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên không gian ảo...
Hành trình “nổi tiếng” của Wikileaks
Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập năm 2006, chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố khác. Người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange, một nhà báo người Australia. Thành lập cách đây 4 năm nhưng cái tên Wikileaks mới thực sự trở nên đình đám và được toàn bộ thế giới biết đến là vào năm nay. Mở màn là đoạn video được đăng tải trên website vào ngày 5.4, trong đó đó quay cảnh binh lính Mỹ giết bừa bãi hơn chục người ở ngoại ô Baghdad từ máy bay trực thăng Apache, trong đó có 2 nhân viên của hãng tin Reuters. Chưa hết, đến ngày 25.7, bất chấp sức ép từ chính phủ Mỹ, WikiLeaks tiếp tục công bố hơn 92.000 trang báo cáo mật về cuộc chiến Afghanistan được viết từ tháng 1.2004 đến tháng 12.2009 như thông báo trước đó. Một tháng sau, 15.000 trang tài liệu còn lại được tung ra nốt. Các tài liệu đã vạch trần vô số lần liên quân Mỹ - NATO đã xả súng vô tội vạ vào các thường dân Afghanistan vì tưởng họ là những kẻ đánh bom liều chết của Taliban. Ngay lập tức, dư luận thế giới xôn xao, phẫn uất trước những chi tiết đen tối đằng sau hoạt động quân sự của Mỹ tại những nơi này.
Chưa hết, hai tháng sau, “quả bom sự thật” với 391.831 trang tài liệu về cuộc chiến Iraq đã được Wikileaks kích nổ, đưa ra ngoài ánh sáng những chi tiết đen tối nhất của cuộc chiến mà nước Mỹ không bao giờ muốn tiết lộ với bên ngoài.
Và đến ngày 28.11, nước Mỹ lại hứng chịu vụ “tấn công 11.9” thứ hai khi 251.287 trang tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ được công khai hoàn toàn trên Wikileaks và còn được gửi đến 5 tờâ báo nổi tiếng nhất của Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Sự kiện này thực sự giáng một đòn đau vào chú Sam vì nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến quan hệ ngoại giao của Mỹ và các nước khác.
Gần đây nhất là vào ngày 6.12.2010, WikiLeaks tiếp tục công bố danh sách mật các cơ sở hạ tầng chủ chốt, từ đường ống dẫn dầu cho tới các nơi cung cấp vaccine phòng bệnh đậu mùa trên toàn cầu mà Mỹ muốn bảo vệ bằng mọi giá trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố.
...và cuộc chiến tranh mạng đang được châm ngòi
Những thông tin nhạy cảm mà Wikileaks tiết lộ cho cả thế giới đã khiến Website này hứng chịu những vụ tấn công tin tặc liên tiếp đòi đánh sập khiến cho họ phải nhân bản ra 335 website khác nhau để né tránh. Nhưng ngay sau đó, một loạt các website ngưng cung cấp các dịch vụ cho Wikileaks đã bị lĩnh đủ khi các hacker nặc danh mở một tấn công ồ ạt trên diện rộng.
Cụ thể, trang web chính của MasterCard và Visa đã bị các tin tặc làm cho ngừng trệ nhiều lần vì dám cả gan tuyên bố không cho phép mọi người vào đây ủng hộ tiền cho WikiLeaks nữa. Trang web và dịch vụ email của luật sư đại diện cho 2 phụ nữ đã tố cáo Julian Assange, nhà sáng lập Wikileaks là quấy rối tình dục cũng bị tấn công, số phận của trang web PostFinance, công ty tài chính của bưu điện Thụy Sĩ vừa qua đã phong tỏa tài khoản của Assange, cũng tương tự. Ngoài ra, Amazon và PayPal cũng là mục tiêu trong “cuộc tổng tấn công” của hacker nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Wikileaks cùng ông chủ của nó.
Chính phủ các nước trên toàn thế giới chỉ trích Wikileaks vì đã tiết lộ những tài liệu tuyệt mật của Mỹ nhưng với những người ủng hộ, trang web này chỉ là người dám phơi bày sự thật ra ngoài ánh sáng. Việc xác định chính xác ai là người phải đứng ra nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công mạng là rất khó bởi trình độ các hacker bây giờ có thể xóa các dấu vết rất tinh vi. Nhưng theo một số chuyên gia tin học nhận định, các cuộc tấn công có vẻ là tác phẩm của một mạng lưới lỏng lẻo của những cá nhân không có liên hệ với bất cứ chính phủ nào.
Các hacker khét tiếng dùng thủ đoạn cài đặt những chương trình nhỏ xíu được gọi là các botnets vào hàng trăm ngàn máy tính để có thể kích hoạt lệnh, biến một loạt các màn hình nền gia đình và máy chủ các công ty ở khắp thế giới vào cái mà tin tặc gọi là “quân đội người chết sống dậy”. Những máy tính này, tạm thời chịu sự điều khiển của các hacker, có thể gửi hàng triệu tin nhắn tới một trang web cụ thể, gây quá tải và không thể hoạt động cho hệ thống server của nó.
Những nhóm nặc danh tuyên bố cuộc tổng tiến công của mình là nhằm trả thù cho Assange và rằng “tương lai của Internet đang được cân bằng” vậy là, cuộc chiến giữa những người phản đối và ủng hộ Wikileaks đã biến Internet thành một bãi chiến trường mà hậu quả của nó thực sự không thể lường hết được. Sẽ ra sao nếu những tin tặc quá khích tấn công vào các hệ thống điều khiển của các cơ sở quan trọng trên thế giới hay đột nhập vào những kho dữ liệu tuyệt mật và sử dụng vào mục đích xấu.