Tổng Sét văn hiến của Thăng Long
Thịnh Liệt là tên chữ, tên Nôm là làng Sét, hồi thế kỷ XV còn gọi là Cổ Liệt. Đây là vùng quê rất cổ của Thăng Long – Hà Nội. Trước thế kỷ thứ XI, Thịnh Liệt đã có cư dân đông đúc.

Ngày xưa, Thịnh Liệt từng có hệ thống giao thông thủy khá thuận tiện, nhờ có sông Sét, sông Tô Lịch và sông Lừ. Cho đến nửa cuối thế kỷ XIX, sông Sét vẫn thông với sông Tô Lịch, thuyền bè qua lại trao đổi hàng hóa. Vào thời Lê Trung Hưng, sông Sét còn thông thương với sông Lừ, thuyền buôn có thể đưa hàng hóa từ vùng chợ Đại - Cống Thần ở Sơn Nam Hạ tới tận Chợ Dừa (ngoài cửa ô Thịnh Quang của Thăng Long); và cũng thông thương với sông Kim Ngưu, chảy về phía Đông, qua xóm Bến trù phú của làng Hoàng Mai, ra sông Hồng. Thuở ấy, thuyền rồng của vua Lê, chúa Trịnh vẫn thường du ngoạn từ Hồ Tây về Thịnh Liệt, dạo trên đầm Sét danh tiếng. Những pho chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục đều có viết về đầm Sét, còn gọi đầm Sét là đầm Đại, đã coi đó là một vùng đầm hồ có vị trí quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp của cả vùng, có ảnh hưởng về mặt tâm linh của địa phương và cả triều đình. Về đường bộ, tổng Sét nằm trên trục đường cái quan, là cửa ngõ thông thương từ Thăng Long về các trấn phía Nam. Do vậy, Thịnh Liệt có được vị thế quan trọng nơi cửa ngõ kinh đô, rất thuận lợi để phát triển kinh tế và văn hóa.
Thịnh Liệt từng có đến 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Sau, do mỗi khi có đình đám chung, rước chạ thật lớn, giáp Cửu thường lép vế, khó hòa nhập nổi, nên đã xin ra tế lễ riêng, rồi tách thành làng riêng, là làng Vọng, tên chữ là Phương Liệt. Còn 8 giáp, theo thời gian phát triển cả về cư dân và kinh tế xã hội, giáp Tam và giáp Ngũ nhập vào giáp Nhị, giáp Thất nhập vào giáp Bát, vậy nên còn 5 giáp. Về sau, 5 giáp tách thành 5 thôn, là Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát. Đến thời Nguyễn, 5 thôn này thành 5 xã, thuộc tổng Thịnh Liệt, còn gọi là tổng Sét của huyện Thanh Trì. Hơn 100 năm sau, đến năm 1942, Thịnh Liệt thuộc Đại lý Hoàn Long. Năm 1973, Giáp Bát tách riêng thành khu (sau năm 1981 gọi là phường), và Giáp Lục chuyển về tiểu khu Tân Mai thuộc khu phố Hai Bà Trưng (sau 1981 thành phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng). Thịnh Liệt còn lại 3 thôn là Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ, thuộc huyện Thanh Trì, tới năm 2004, đổi thành phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại Thịnh Liệt xưa, mỗi giáp, sau là mỗi thôn, có những đặc điểm, phong vị và truyền thống riêng. Giáp Nhất nằm ven đường cái quan, tương truyền, xưa kia nam giới trong làng có nhiều người làm phu trạm, phu cáng; phụ nữ thì thường mở quán hàng nước, bán cho khách qua đường. Họ Lê ở Giáp Nhất từng có người được phong tước Quận công. Sau, còn có mấy bà chúa ra vùng quê này mở mang điền thổ và lập dinh cơ lớn, trở nên rất thần thế. Giáp Nhị, gồm cả giáp Tam và giáp Ngũ, còn gọi là làng Nhì, lớn nhất trong các làng thuộc tổng Sét, gồm nhiều xóm: Mã Lầy, Bông, Quán, Bến Đò… Giáp Nhị đông dân cư nhất và cũng có truyền thống học hành khoa cử hiển đạt nhất vùng Sét. Tại làng này, không chỉ có Văn chỉ để tôn danh những người đỗ đạt, mà còn có Thọ chỉ là nơi tôn vinh những bậc cao niên. Giáp Nhị còn có đền Ông Thọ, văn bia của đền do danh sỹ Bùi Huy Bích soạn, nói rõ: các vị từ 100 tuổi trở lên là “Quốc lão”, được thờ nơi chính đàn của đền; các vị “Hương lão” thì được phối thờ theo; còn các vị thọ 70, 80 tuổi thì được đặt bài vị 2 bên Tả, Hữu; lễ vào ngày mồng mười của tháng Hai và tháng Tám, có văn tế đúng nghi thức.
Giáp Tứ, gồm giáp Tam và giáp Ngũ nhập vào, là một thôn thuần nông. Phong tục ở Giáp Tứ không cầu kỳ, người dân sống thuần phác. Do không có nhiều ruộng, nên dân phải đi cấy thuê, làm thuê và có thêm nghề làm vàng mã. ở Giáp Tứ, họ Nguyễn phát đạt hơn cả, có người đỗ Cử nhân, làm Đốc học. Giáp Lục, đến nay là làng duy nhất còn giữ được tên Nôm, là làng Sét. Làng này cũng ít ruộng đất, nhiều người sống bằng nghề dát bạc quỳ, làm vàng mã; đình làng thờ Tiến sỹ Nguyễn Chính, ông Tổ nghề dát thiếc làm bạc quỳ. Bà Đặng Thị Ngọc Dao, mẹ của Tây vương Trịnh Tráng, cuối đời về sống ở làng Sét cùng với Cung phi Lê Ngọc Trân. Hai bà đã có công mở mang khu chợ Sét và chùa Sét, lại cho khơi thông đường thủy trong vùng. Giáp Bát, gồm cả giáp Thất nhập vào, cũng là thôn thuần nông. Từ đầu thế kỷ XX, lúc nông nhàn, phụ nữ Giáp Bát làm thêm nghề thêu ren. Có đến quá nửa người làng Giáp Bát theo Công giáo. Ngày nay, Giáp Bát là một phường thuộc quận Hoàng Mai, còn Giáp Lục thì thuộc phường Tân Mai.
Dẫu nhiều biến đổi về địa dư hành chính, nhưng trong tâm thức người dân vẫn có một Thịnh Liệt, tổng Sét văn hiến của Thăng Long xưa, nổi tiếng thiên hạ vì có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đại khoa như danh nhân Bùi Xương Trạch (1451- 1529), con trai Bùi Xương Trạch là Bùi Vịnh, cháu huyền tôn của Bùi Xương Trạch là Bùi Bỉnh Quân, Nguyễn Xân, Nguyễn Chính… Từ một làng Sét ngàn năm trước nơi cửa ngõ Thăng Long, đã mở mang, phát triển thành tổng Thịnh Liệt, nổi tiếng khắp thiên hạ là có đầm, sông Mỹ Tú, lại nhiều người học giỏi tài cao, đã góp phần làm phong phú thêm văn hiến Thăng Long!