Nguyên soái trên màn ảnh (Phần cuối)
>> Nguyên soái trên màn ảnh (Phần 1)

Nghệ sĩ và lãnh tụ
Trong đời diễn viên, Mikhail Ulianov đã được thử sức ở nhiều vai uy lực – hoàng đế nước Pháp Napoléon, những nhà lãnh đạo cách mạng Nga như Stalin và Kirov (trong Thành trì bên sông Volga, 1949)… Khi mang vở Thành trì bên sông Volga về diễn tại thành phố Leningrad – nơi S. Kirov từng là nhà lãnh đạo chủ chốt trong những năm ‘30, nhiều người thầm lo ngại vì ngoại hình diễn viên không giống nhân vật, phải nhờ chuyên gia hóa trang của xưởng Lenfilm đắp thêm một số chi tiết trên mặt. Đêm đầu, đang diễn thì những miếng đắp bị rời ra, khiến Ulianov phải khéo léo kiếm cớ lánh ngay vào sau cánh gà, sửa sang qua loa rồi ra diễn tiếp. Ấy vậy mà khán giả vẫn hoan nghênh nồng nhiệt, kéo đến chật rạp trong những suất diễn sau đó: họ tiếp nhận Ulianov đúng là Kirov của mình. Rồi dẫn đến một vai diễn tất yếu: Lenin. Đây là vai diễn đặc biệt, vì nhân vật đã từng làm rung chuyển thế giới và để lại hai luồng đánh giá trái chiều, bên thì thần thánh hóa, còn bên kia “bới lông tìm vết”. Đến với vai diễn quan trọng này, Ulianov đương nhiên phải vượt qua thử thách…
Khi chuẩn bị đưa vở Người cầm súng sang Áo biểu diễn, bộ trưởng Văn hóa khi đó là bà Ekaterina Furtzeva đã trực tiếp “thăm hỏi” nhà hát và nêu thắc mắc: diễn viên được vinh dự đóng vai lãnh tụ lại là người trước đó đóng khá nhiều vai phản diện, mà “tởm” nhất là ở phim Im lặng rất ấn tượng của Basov. Bản thân nghệ sĩ sau này cũng kể lại rằng mình đã lo sợ đến mức nào khi được giao vai Lenin. Nhân vật lãnh tụ đã từng “nuốt chửng” diễn viên Smirnov, bây giờ phải kế chân, liệu mình có “hóa đá” hay không? Và, để cái bóng của nhân vật quá lớn khỏi trùm lấp mất mình, Ulianov đã tập dượt bằng cách nhận sắm những vai lưỡng diện khác, kể cả những vai phản diện, khiến bà bộ trưởng lo âu…
Nhưng đến bây giờ đã rõ: sự cẩn trọng của bà bộ trưởng đã hóa ra thừa: sau Người cầm súng, Ulianov được tín nhiệm giao tiếp vai Lenin trong hàng loạt vở kịch, phim truyền hình và phim nhựa: Lenin ở Thụy Sĩ (phim truyền hình, 1965), Những nét chân dung (phim truyền hình, 1968), Đường đến với Lenin (của CHDC Đức, 1970)…

Nguyên soái
Lần đầu tiên Ulianov thể hiện một nhân vật huyền thoại trong đời thực, và khiến khán giả nhớ mãi - đó là nguyên soái Georghi Zhukov trong thiên sử thi điện ảnh Giải phóng (1968 - 1971). Thành công của vai diễn này khiến nghệ sĩ phải hóa thân thành nguyên soái suốt ba mươi lăm năm trời, ở các bộ phim tiếp theo: Biển chìm trong lửa (1971), Chọn mục tiêu (1974), Những người lính của tự do (1977), Vây hãm (1978), Nếu quân thù chưa chịu đầu hàng (1982), Một ngày của Sư đoàn trưởng (1983), Chiến thắng (1984), Trận đánh vì Moskva (1985), Phản kích (1985), Quy luật (1989), Stalingrad (1989), Cuộc chiến mở theo hướng tây (1990), Bi kịch thế kỷ (1993), và tất nhiên - phim Thống soái vĩ đại Georghi Zhukov (1995). Đúng mười năm sau, nghệ sĩ lão thành lại trở về với vai diễn thân thuộc trong phim Ngôi sao kỷ nguyên (2005). Tính tổng cộng, một diễn viên chuyên đóng một nhân vật trong mười lăm bộ phim.
Trên thực tế, hễ nhắc tới Mikhail Ulianov là phần lớn khán giả nhớ ngay đến nguyên soái Zhukov. Hình ảnh nguyên soái Zhukov nghiêng đầu mím môi khi quyết định những vấn đề sống còn của cả một chiến lược thì chỉ Ulianov tạo dựng được. Qua diễn xuất hiên ngang của nghệ sĩ giàu bản lĩnh, vị nguyên soái gần như huyền thoại đã hiển hiện: một công dân chính khí với khao khát cháy bỏng về lẽ công bằng, về chân lý cuộc sống, về chiến thắng vĩ đại… Tất cả đều tự nhiên, đều nhuần nhuyễn đến nỗi nhiều khán giả coi diễn viên và nhân vật chính là một thể thống nhất. Thật lạ lùng: Gương mặt của nghệ sĩ M. Ulianov được coi là giống Zhukov nhất, giống hơn cả những bức ảnh nguyên soái để lại, cho nên nhiều bức tượng nhà cầm quân vĩ đại ở Nga và nhiều nước hiện nay cũng được nhà điêu khắc đưa vào những dáng nét của nghệ sĩ Ulianov. Thành thử, giá có dựng tượng nghệ sĩ Ulianov trên các quảng trường ở Nga mà đề lên bục dòng chữ “Tưởng nhớ nguyên soái vĩ đại Georghi Zhukov” thì vẫn có người tin.
Điều lạ lùng nữa là khi nhận vai, diễn viên và nhân vật chưa hề gặp nhau, nhưng việc chọn nghệ sĩ Ulianov lại được… Zhukov quyết định. Khi kịch bản đã được thông qua, vị nguyên soái mới hỏi: “Phân công ai đóng vai tôi đấy?”, rồi khi được trả lời, ông thốt lên: “A! Ulianov hả, tôi biết, tôi biết chứ. Nhất trí”. Nguyên soái vốn là người rất mê sân khấu và từng xem Ulianov diễn… Vậy mà hai nhân cách vĩ đại lại chẳng trực tiếp gặp nhau lần nào: Ulianov là người được đóng vai một người anh hùng đang còn sống, nhưng nghệ sĩ không thích sử dụng cái quyền hết sức tự nhiên là đến gặp để làm quen… Nhưng ngày đưa tiễn nguyên soái Zhukov thì Ulianov đã đến, đến một cách lặng lẽ. Khi đó, tòa nhà trung tâm của Hồng quân, nơi cử hành lễ viếng và truy điệu nhà cầm quân lỗi lạc đã chật ních quan khách, nghệ sĩ đành ngồi trong xe mà chẳng chen vào. Những người bảo vệ đã nhận ra Ulianov và tổ chức đưa ông vào viếng nguyên soái.
Gắn với Ulianov, những vai diễn trên sân khấu trở thành biên niên sử của nhà hát Vakhtangov, còn trong điện ảnh – không thể tách rời với những đạo diễn danh tiếng Saltykov và Panfilov, Raizman và Mikhalkov, Soloviev và Govorukhin. Ulianov hóa thân thành họa sĩ cựu chiến binh Vasiliev trong Lựa chọn (1987, theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yuri Bondarev), thành Ivan Savvich trong Đoàn tàu bọc thép của ta (1989), thành Bashkirshev trong Ngôi nhà dưới một trời sao (1992), thành Ponty Pilat trong Nghệ nhân và nàng Margarita (1995, theo thiên tiểu thuyết bất hủ của M. Bulgakov), thành người ông trong Mọi sự sẽ tốt lành (1996)…
Khi đảm nhận chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát, Ulianov tạm gác một bên vai trò diễn viên của mình, chỉ từ khi bàn giao chức trách đó, ông mới lại tham gia đóng phim: Phòng chờ (đạo diễn Dmitri Astrakhan), Hồ sơ thám tử Dubrovsky (đạo diễn A. Muratov), Bài văn hướng tới ngày chiến thắng (1998, đạo diễn S. Usuliak), Mũi tên Voroshilov (1999, đạo diễn S. Govorukhin). Lúc nào cũng vậy, nghệ sĩ luôn luôn có tâm trạng chưa hài lòng với chính mình, khao khát được tìm tòi, thể nghiệm sáng tạo. Trong đời sống xã hội, nghệ sĩ lừng danh tình cờ được đưa vào “cơ cấu”, khi làm đại biểu Xô viết Tối cao, khi làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra của Trung ương Đảng, khi làm Thư ký Hội Điện ảnh, khi làm Chủ tịch Hội Sân khấu v.v… Còn trong cuộc sống riêng tư, ông chung sống cùng nữ nghệ sĩ Công huân Alla Parfaniak diễn viên cùng nhà hát (bà qua đời ngày 12 - 11 - 2009), có một con gái Elena là họa sĩ khá nổi tiếng. Ngoài những vai diễn, Ulianov còn xuất hiện ở tư cách đạo diễn sân khấu từ năm 1973 với vở Tình huống (của Viktor Rozov), bi kịch Anh Richard Đệ Tam (1976), Ta đến trao cho ngươi ý chí (1979), hài kịch Mỹ Kẻ buôn trẻ con (1985). Nhưng trước đó, năm 1968, khi đạo diễn lừng danh Ivan Pyriev của phim Anh em nhà Karamazov qua đời, chỉ kịp quay xong hai tập, Ulianov cùng K. Lavrov đã chung tay tiếp tục công việc đạo diễn và hoàn tất bộ phim ba tập xuất sắc này. Năm 1972, Mikhail Ulianov tự tay đạo diễn bộ phim Ngày chót cùng, trong đó đích thân vào vai cảnh sát khu vực Kovalev. Ngoài ra, ông còn là tác giả của những cuốn sách Nghề nghiệp của tôi (1975), Tôi làm diễn viên (1987), Trở về với chính mình, (2001), Hiện thực và ước mơ (2007).
Ngày 26 - 3 - 2007, Ulianov, một nghệ sĩ lớn, một Con Người xứng đáng được viết chữ hoa đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày 8 - 7 - 2007, con tàu phá băng đầu tiên dài 260 mét khánh thành và được mang tên Mikhail Ulianov rồi hạ thủy vào mùa hè năm 2008.
Mikhail Ulianov để lại trong trí nhớ và trái tim người hâm mộ những vai diễn phản ảnh cả một thời đại, cả một thế kỷ phức tạp và đầy mâu thuẫn, nhưng đặc biệt, ông được nhớ đến với danh hiệu thân ái “Nguyên soái trên màn ảnh”.