Tạo khuôn khổ pháp lý để phát triển chất lượng kiểm toán

22/11/2010 00:00

Trong nền kinh tế thị trường, các cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có lợi ích liên quan luôn đòi hỏi báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được xác nhận tính chính xác, trung thực, phù hợp với các chuẩn mực kế toán. Qua đó đánh giá được tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiểm toán độc lập, nhiều ĐBQH cho rằng, kiểm toán độc lập là dịch vụ không thể thiếu. Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập là cần thiết. Tuy nhiên, cái khó của Luật này là vừa tạo được khung pháp lý mang tính bền vững nhưng đồng thời phải quán triệt quan điểm, kiểm toán là nghề đặc biệt, hoạt động dựa trên tính trung thực, chất lượng và tâm của con người. Do vậy, Luật cần tạo một khuôn khổ để phát triển ở chất lượng kiểm toán, chứ không chỉ có số lượng.

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình): Nên điều chỉnh cả tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán
03-Tao-kkho-32610-180A1.jpg
Tôi đồng tình với tên gọi Luật Dịch vụ kiểm toán vì nếu lấy tên là dự án Luật Kiểm toán độc lập như đề nghị của Ban soạn thảo thì rất dễ gây hiểu nhầm là kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ của chúng ta không độc lập. Hơn thế, những quy định trong dự thảo Luật mang nhiều tính chất về dịch vụ kiểm toán và tập trung vào lĩnh vực kiểm toán tư; cho nên, nếu gọi là Luật Kiểm toán độc lập, tôi cho là không rõ ràng, không minh bạch. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi sát với nội dung các điều, khoản của dự thảo Luật. Điều này vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa đỡ phải giải thích lòng vòng khi triển khai thi hành Luật.
Về phạm vi áp dụng, hiện còn ý kiến khác nhau về việc nên đưa hay không đưa tổ chức nghề nghiệp vào trong dự thảo Luật lần này? Thực ra xu hướng chung của thế giới hiện nay rất rõ ràng: cơ quan Nhà nước làm quản lý Nhà nước gồm cả việc lập kế hoạch, quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách...; còn, tổ chức nghề nghiệp làm dịch vụ về nghề nghiệp. Kiểm toán của chúng ta đã có thời gian hoạt động khá lâu, 19 - 20 năm, nhưng thực chất mới chỉ hoạt động mấy năm nay. Hơn thế, tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán là Hội kiểm toán mới được thành lập và trong hoạt động, Hội cũng tham gia vào một số nội dung của quản lý Nhà nước. Theo tôi, nếu chúng ta làm Luật Kiểm toán độc lập theo hướng có khả năng chi phối, điều chỉnh được tất cả các hoạt động liên quan đến kiểm toán của dịch vụ kiểm toán thì nên đưa tổ chức nghề nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Sau này, khi tổ chức nghề nghiệp đủ năng lực, điều kiện thực hiện dịch vụ như các nước hoặc khi có Luật về hội thì sẽ sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập theo hướng tách tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán cho các luật khác điều chỉnh.
 

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An): Cần đưa thêm đối tượng kiểm toán vào phạm vi điều chỉnh
03-Tao-kkho-32610-180A2.jpg
Cùng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, vấn đề công khai, minh bạch thông tin tài chính ngày càng trở nên cần thiết. Đặc biệt tới đây khi các doanh nghiệp Việt Nam có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế thì mức độ minh bạch đòi hỏi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, trong dự án Luật Kiểm toán độc lập quy định về đối tượng được kiểm toán tại Điều 43 hầu như chưa có gì thay đổi so với Nghị định 105. Cụ thể, dự án Luật chưa nhấn mạnh tới yếu tố quy mô của doanh nghiệp và mức độ ảnh hưởng tới xã hội phải bắt buộc kiểm toán mà chỉ nhấn mạnh tới yếu tố chủ sở hữu là nhà nước hoặc nước ngoài.
Theo tôi, cần đưa thêm đối tượng kiểm toán vào trong dự thảo Luật. Một là nên áp dụng kiểm toán bắt buộc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Điều này nhằm hạn chế các doanh nghiệp không đủ minh bạch tài chính hoạt động trong các lĩnh vực có điều kiện hoặc đấu thầu dự án trong các ngành nghề đặc biệt có sự bảo hộ của Nhà nước như: ngành thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu, phân phối...
Hai là nên áp dụng kiểm toán bắt buộc đối với các công ty tư nhân. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, hầu hết các công ty tư nhân ở Việt Nam đều là công ty TNHH và cổ phần, do vậy mức độ cộng hưởng của các doanh nghiệp này với xã hội rất lớn. Song, thực tế các công ty cổ phần, công ty TNHH - với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, sử dụng hàng ngàn nhân công - không bị bắt buộc phải kiểm toán. Do vậy, khi doanh nghiệp trốn thuế hay lâm vào tình trạng phá sản, nợ bảo hiểm, nợ xấu, nợ lương cán bộ công nhân viên thì các cơ quan hữu quan không thể biết trước được tình hình và có thể phải chịu trách nhiệm xã hội thay cho các doanh nghiệp này.
Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang có khoảng trên 400 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 94% trong tổng số các loại hình doanh nghiệp. Do vậy, nếu toàn bộ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần được kiểm soát thì con số này cũng chỉ chiếm 5 - 6% tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đề nghị, cần có lộ trình bắt buộc kiểm toán đối với các công ty vừa và nhỏ để kiểm soát hoạt động của 94% doanh nghiệp còn lại. Điều này đã được thực hiện ở hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và ở các nước tiên tiến như: Anh, Mỹ, Úc, các nước châu âu. Và trước mắt, đề nghị nên bổ sung thêm đối tượng kiểm toán bắt buộc là các doanh nghiệp lớn và vừa. Quy định này cũng phù hợp với khả năng đáp ứng của ngành kiểm toán trong thời gian tới.
Ba là nên áp dụng kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài để tránh chuyển tiền hoặc đầu tư ra nước ngoài trái pháp luật.
Việc mở rộng đối tượng kiểm toán, theo tôi, là phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật Kiểm toán độc lập là tăng cường đối tượng kiểm toán theo luật định, đặc biệt là các đơn vị có lợi ích công chúng, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan. Thêm nữa, sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường dịch vụ kiểm toán, tăng cường công việc cho các doanh nghiệp kiểm toán, phân khúc các doanh nghiệp kiểm toán và tạo đà phát triển cho ngành kiểm toán Việt Nam.
ĐBQH Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng): Đề nghị xem xét lại quy định không cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán
03-Tao-kkho-32610-180A3.jpg
Liên quan đến quy định về kiểm toán viên hành nghề, tôi nhất trí với dự thảo Luật là không cho kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán. Đề nghị xem xét lại điểm b, khoản 1, Điều 15 quy định kiểm toán viên phải thi sát hạch bằng tiếng Việt và pháp luật Việt Nam. Quy định này là rào cản kỹ thuật chủ yếu đặt ra đối với kiểm toán viên là người nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thị trường kiểm toán Việt Nam vẫn cần đến các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài và một số kiểm toán viên người nước ngoài. Việc yêu cầu các kiểm toán viên người nước ngoài phải hiểu biết về pháp luật Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, quy định họ phải thi sát hạch bằng tiếng Việt là khó khả thi, chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam.
Về doanh nghiệp kiểm toán, đề nghị xem xét lại quy định không cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán, trừ trường hợp công ty kiểm toán Việt Nam liên doanh với công ty kiểm toán nước ngoài để thành lập công ty kiểm toán liên doanh. Vì quy định này quá chặt và chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của công ty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ tại Khoản 3, Điều 22. Theo quy định tại Điều 57 của Luật Doanh nghiệp, thành viên của doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên có thể thuê, tuyển chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, nếu trong Luật Kiểm toán độc lập, ta yêu cầu giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ là không phù hợp, chồng chéo.
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): nếu kiểm toán viên xác nhận không chính xác kết quả kiểm toán thì có phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý hay không?
03-Tao-kkho-32610-180A4.jpg
Đối với các nhà đầu tư, thông tin kiểm toán là cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư. Còn, đối với tổng thể nền kinh tế, thông tin kiểm toán giúp cho việc tổng hợp, đánh giá chính xác thực lực hoạt động của các doanh nghiệp - là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Nhà nước có những quyết sách đúng, khắc phục tình trạng lời giả, lỗ thật hoặc lời thật, lỗ giả, gây nhiễu loạn trên thị trường đầu tư và làm sai lệch chính sách điều hành vĩ mô.
Để có một hoạt động kiểm toán chất lượng đòi hỏi trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện việc kiểm toán. Trong dự thảo Luật đã có nhiều quy định đối với điều kiện về trình độ, năng lực của kiểm toán viên nhưng theo tôi các quy định về đạo đức nghề nghiệp chưa được cụ thể và chưa có những cơ chế ràng buộc trách nhiệm, bảo đảm cho việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Tại Điều 13 và Điều 15 quy định về tiêu chuẩn điều kiện của kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, yêu cầu phải có đạo đức nghề nghiệp trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật. Nhưng chưa quy định cụ thể ai sẽ là người có trách nhiệm xác nhận những tiêu chuẩn này; nếu xác nhận không chính xác gây hậu quả thì có phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý hay không? Đề nghị cần quy định cụ thể nội dung này trong Luật.
Trong dự thảo Luật cũng có quy định về xử lý vi phạm đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập với các hình thức như: cảnh cáo, phạt tiền, truất phép hoạt động hoặc xử lý hình sự. Đề nghị bổ sung hình thức xử lý bồi thường thiệt hại về tài chính nếu báo cáo kiểm toán không chính xác, bất kể do vô tình hay cố ý, để nâng cao trách nhiệm của bên lập báo cáo kiểm toán. Thực tế, thời gian qua, trên thị trường chứng khoán cũng như trong hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, có trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản nhưng báo cáo kiểm toán vẫn đẹp. Và hậu quả là đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư cũng như cho Nhà nước. Những hậu quả như vậy nếu chỉ phạt vi phạm hành chính thì mức bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế là không đáng kể.
Hơn nữa, bên cạnh việc tăng trách nhiệm bồi thường vật chất cũng cần tăng cường các giao dịch kinh tế thay cho trách nhiệm hình sự, trừ các hành vi cố tình lừa đảo. Hiện nay, trong pháp luật hình sự cũng đang đi theo hướng tăng trách nhiệm vật chất, bồi thường vật chất và giảm trách nhiệm hình sự. Đề nghị nên theo hướng tiếp cận các vi phạm về kiểm toán bằng biện pháp kinh tế.
Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng cần bổ sung trách nhiệm thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Điều 10 để tạo điều kiện tốt hơn về pháp lý và thẩm quyền xử lý vi phạm trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời tăng cường hoạt động hậu kiểm, tránh buông lỏng quản lý để xảy ra các hiện tượng như doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng khi hoạt động thì không đủ các điều kiện và năng lực vẫn được cung cấp dịch vụ ra thị trường; gây ra những hậu quả đáng tiếc cho nhà đầu tư cũng như toàn xã hội.

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Luật cần tạo một khuôn khổ phát triển ở chất lượng kiểm toán
03-Tao-kkho-32610-180A5.jpg
Mục đích của việc xây dựng Luật Kiểm toán độc lập nhằm tạo khung pháp lý cao nhất để phát triển lĩnh vực kiểm toán. Sau 19 năm kể từ ngày công ty kiểm toán đầu tiên được thành lập, chúng ta hiện có 1.800 kiểm toán viên và Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam quản lý khoảng 1.300 người. Dĩ nhiên, so với Hiệp hội kiểm toán Anh, có 126.000 kiểm toán viên hoạt động trên khắp thế giới, thì kiểm toán của chúng ta còn rất nhỏ. Trong tương lai, dự kiến đến năm 2020, chúng ta có thể có hơn 7.000 kiểm toán viên. Với yêu cầu phát triển của nước ta, đặc biệt là yêu cầu phát triển các công ty đại chúng, công ty công cộng - những doanh nghiệp mà yêu cầu phải có kiểm toán độc lập – tôi cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết.
Tuy nhiên, cái khó của Luật này là tạo khung pháp lý mang tính bền vững nhưng phải quan điểm rất rõ nghề kiểm toán là một nghề rất đặc biệt, dựa trên tính trung thực, chất lượng và cái tâm con người. Do đó, Luật cần tạo một khuôn khổ pháp lý để phát triển về chất lượng kiểm toán, chứ không chỉ có số lượng. Có ý kiến cho rằng, nên lấy tên Luật là Luật về kiểm toán. Tôi nghĩ, Luật Kiểm toán độc lập là đúng. Độc lập ở đây hiểu theo nghĩa, không phải là tính độc lập của một kiểm toán viên. Hiện nay trên thế giới có 3 hệ thống kiểm toán: kiểm toán nội bộ, tức là bản thân doanh nghiệp phải tự làm; kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước phải làm; còn kiểm toán độc lập có nghĩa là khi xã hội nhìn doanh nghiệp thì thấy doanh nghiệp đã có kiểm toán nội bộ, cổ đông yêu cầu doanh nghiệp phải có người độc lập làm chuyện kiểm toán. Tiếng Anh có 3 từ để chỉ kiểm toán, trong đó kiểm toán độc lập trong chuyên môn người ta gọi là kiểm toán bên ngoài. Nếu đúng theo thông lệ quốc tế thì phải dùng từ này, không có từ nào khác.
Hiện có ý kiến khác nhau liên quan đến chức năng quản lý nhà nước ở Điều 10 và có hay không vai trò Hiệp hội kiểm toán ở Điều 11? Tôi cho rằng, nghề kiểm toán là một dịch vụ đặc biệt và kinh doanh có điều kiện, khác hoàn toàn so với các ngành nghề khác. Kiểm toán gần gũi với các ngành nghề như luật sư, thiết kế, tư vấn…, tức là những nghề nghiệp gắn với trách nhiệm con người, không phải trách nhiệm về vốn liếng. Chính vì vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với kiểm toán là cực kỳ quan trọng. Trong lĩnh vực quản lý đạo đức nghề nghiệp, chưa ai chứng minh được nếu quản lý Nhà nước trực tiếp thì tốt hơn để cho tổ chức nghề nghiệp quản lý.
Hiện nay, ta chưa có Luật về hội. Tôi đề nghị, phải chế định rõ vai trò của Hiệp hội hành nghề kiểm toán Việt Nam trong Luật này, trong đó quy định những nội dung nào giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Theo kinh nghiệm thế giới, nghề kiểm toán do Bộ Tài chính quản lý Nhà nước nhưng quản lý thông qua các Hiệp hội vì chính các Hiệp hội mới bảo đảm được chế tài và kiểm tra đạo đức hành nghề của kiểm toán viên. Do đó, tại Điều 10 và Điều 11, Ban soạn thảo nên tính toán lại theo hướng Bộ Tài chính làm phần nào về quản lý nhà nước, còn lại là vai trò của Hiệp hội kiểm toán. Và điều kiện bắt buộc đối với hành nghề kiểm toán phải là thành viên của Hiệp hội, chứ không giống như luật sư, không thể nào một người bình thường nhận làm kiểm toán.
Liên quan đến Điều 20 về doanh nghiệp kiểm toán. Đây là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, giống như chứng khoán và một số lĩnh vực khác. Do đó, bắt buộc phải có điều kiện được cấp phép mới đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp kiểm toán là hoạt động dựa trên uy tín của con người, chứ không dựa trên vốn; tức là loại hình doanh nghiệp đối nhân, chứ không đối vốn. Tôi nghĩ rằng, không nên tổ chức loại công ty TNHH. Các hãng kế toán lớn nước ngoài, người ta gọi là hãng kế toán, không bao giờ người ta gọi là công ty kế toán vì nó đối nhân chứ không đối vốn.
Hiện nay thế giới có 2 hệ thống doanh nghiệp kiểm toán. Vấn đề là với điều kiện Việt Nam thì ta theo hệ thống nào? Đề nghị không nên quy định kiểu công ty TNHH mà là công ty hợp danh và làm kiểm toán phải đứng cạnh tổ chức giống như luật sư, chứ không phải ai muốn làm kiểu gì thì làm. Trên quan điểm này, cần chỉnh sửa lại điều 10 và Điều 11 về vai trò hiệp hội kiểm toán và Điều 20 liên quan đến tổ chức các doanh nghiệp kiểm toán. Để nâng cao trách nhiệm và tính chất đối nhân của hoạt động kiểm toán thì chúng ta mới bảo đảm được việc phát triển ngành nghề này.
Nguyễn Vũ ghi