Xây dựng cơ chế mới về giải quyết khiếu nại
Chiều qua, 15.11, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đó là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; các hành vi bị cấm; khiếu nại đông người; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; các khiếu nại không được thụ lý giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xử lý vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại; việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp và việc tổ chức tiếp công dân.
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (Nam Định): Luật không khả thi thì các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ vi phạm đầu tiên…
Về thời hạn thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại, dự án luật quy định thời hạn thụ lý khiếu nại lần 1 là 3 ngày, kể từ ngày nhận đơn. Theo tôi, quy định như vậy là quá ngắn và không khả thi, đặc biệt trong những trường hợp nhận đơn vào thứ 6 thì ít nhất là đến thứ 2 mới có thể thụ lý được và như vậy không bảo đảm thời hạn thụ lý là điều dễ xảy ra. Tôi đề nghị quy định thời hạn thụ lý là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
Tôi cũng đề nghị quy định rõ việc thụ lý phải ra quyết định thụ lý trong đó gồm có các nội dung cụ thể sau đây: họ tên, địa chỉ người khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nội dung khiếu nại, cơ quan chủ trì thẩm tra, xác minh, thời hạn xác minh. Hiện nay do luật hiện hành không quy định về việc ra quyết định thụ lý nên việc thụ lý, khiếu nại mỗi nơi một kiểu, do đó cần có quy định cụ thể và thống nhất để áp dụng. Mặt khác, về định lượng ngày trong dự án luật, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ngày làm việc hay ngày bình thường vì trong dự án luật có dùng định lượng ngày, nhưng không nói rõ nên việc áp dụng luật có thể sẽ tùy tiện theo cách hiểu của mỗi người, dẫn đến không có sự thống nhất.
Về thời hạn giải quyết khiếu nại dự án quy định 10 ngày là không khả thi. Khi số lượng khiếu nại mỗi năm tăng thêm vài chục phần trăm, nội dung khiếu nại đa dạng, đặc biệt là các khiếu nại về đất đai thì việc thẩm tra, xác minh mất nhiều thời gian và hết sức phức tạp. Luật hiện hành quy định thời hạn là 30 ngày, tối đa là 45 ngày, nhưng năm 2010 có tới 53,3% số vụ việc khiếu nại được giải quyết đúng hạn, số còn lại được giải quyết chậm so với quy định, nếu rút ngắn thời hạn xuống còn 10 - 15 ngày như dự án luật thì con số này sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Luật không khả thi thì các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ thành những người vi phạm pháp luật đầu tiên, do đó đề nghị giữ nguyên thời hạn như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành là 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa không quá 45 ngày.
ĐBQH Dương Kim Anh (Trà Vinh): Chỉ nên điều chỉnh đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính
Luật Khiếu nại chỉ nên điều chỉnh khiếu nại với quyết định hành chính, hành vi hành chính, vì trong thực tế khiếu nại của đa số người dân chỉ phát sinh đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính.
Về quyết định giải quyết khiếu nại, theo tôi không nên dùng một số hình thức văn bản khác trong đó có chứa nội dung liên quan trực tiếp đến việc giải quyết khiếu nại cũng như quyền lợi của người dân như công văn thông báo ý kiến của UBND, lịch cuộc họp hướng dẫn việc thực hiện… để làm căn cứ khởi kiện mà phải là quyết định hành chính vì thực tế vừa qua có tới 52,80% vụ việc giải quyết bằng hình thức công văn, thông báo. Điều đó đã gây trở ngại cho người khiếu nại khi thực hiện quyền khiếu nại tiếp hoặc kiện ra tòa, đó là chưa nói đến nhiều quyết định giải quyết khiếu nại thiếu các nội dung theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Do đó tôi đề nghị căn cứ khởi kiện phải là quyết định hành chính, nhưng luật cũng cần phải quy định rõ trong thời hạn ban hành quyết định hành chính, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không ban hành quyết định hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện hành vi hành chính với việc không ban hành quyết định hành chính đó hoặc khởi kiện ra tòa án hành chính. Việc bổ sung quy định này nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, đồng thời cũng nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Chưa xây dựng được cơ chế mới để giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính
Về giải quyết khiếu nại hành chính, dự án luật chưa xây dựng được cơ chế mới để giải quyết có hiệu quả các khiếu nại hành chính, không khắc phục được những tồn tại hiện nay đó là việc giải quyết còn mang nặng tính hành chính qua nhiều thủ tục, tầng nấc mà chưa bảo đảm được tính chuyên nghiệp và cũng chưa được chuyên môn hóa. Theo tôi, không nên tiếp tục duy trì cơ chế giải quyết khiếu nại qua hai lần như hiện nay, bởi vì lần đầu do người có quyết định hành chính bị khiếu nại giải quyết cho nên thường thiếu khách quan. Lần thứ hai là do thủ trưởng cơ quan trực tiếp giải quyết cho nên thường thiếu công bằng, vì ít nhiều khó tránh khỏi biểu hiện của thiên vị, bao che, dung túng cho cấp dưới. Do vậy, cần đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại cụ thể là theo hướng nghiên cứu thành lập cơ quan tài phán.
Đối với giải quyết khiếu kiện hành chính, dự án luật còn “đường” để người dân đến tòa hành chính về mặt lý thuyết là không có gì trở ngại mà còn thênh thang hơn trước - kiện ra tòa. Đó là việc cần thiết nhưng sẽ không làm gia tăng đột biến số lượng vụ án hành chính khi Luật Tố tụng hành chính và luật này có hiệu lực, bởi người dân ít chọn con đường kiện ra tòa do vẫn còn có những rào cản tư duy từ phía công quyền như còn có những người cầm cân nảy mực vừa thiếu năng lực vừa thiếu tâm, mặt khác tòa hành chính ở vị thế thấp hơn, phụ thuộc vào cơ quan hành chính nên trong một số trường hợp không thể đưa ra quyết định bất lợi cho bị đơn là thủ trưởng cơ quan hành chính bởi vậy người dân thiếu tin tưởng... Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở mức giải quyết được về mặt cơ chế mà không giải quyết được vấn đề con người để vận dụng thực hiện cơ chế đó trong thực tiễn thì cũng khó đạt được hiệu quả.
ĐBQH Vũ Quang Hải (Hưng Yên): Không nên né tránh…
Dự án Luật Khiếu nại xây dựng trên cơ sở đã có Luật Khiếu nại, tố cáo nên phải có một tiến trình giải quyết mới hơn và phải giải quyết được những tồn tại trong Luật Khiếu nại, tố cáo.
Trong luật dứt khoát phải thiết kế 1, 2 điều liên quan đến việc giải quyết khiếu nại đông người. Tôi đặt vấn đề như sau: nếu có khiếu nại đông người về cùng một nội dung, cùng một sự việc và yêu cầu tách ra cho từng cá nhân, yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải giải quyết theo hướng cho từng cá nhân, về mặt lý thuyết rất hay, nhưng trong thực tiễn sẽ khó cho tất cả các cơ quan giải quyết, khó cho cả công dân. Ví dụ, việc khiếu nại đông người của vài trăm công dân có liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng, đền bù, nếu cơ quan giải quyết phải tách ra thì khoảng vài trăm đơn. Cơ quan thụ lý giải quyết trong 10 ngày phải giải quyết mấy trăm hộ như thế, liệu có đủ thời gian không? Trong luật này theo tôi chúng ta đã giải quyết được rất nhiều việc, nhưng có những việc chúng ta không nên né tránh, đó là nên giải quyết việc khiếu nại đông người bằng một số điều khoản cụ thể.
ĐBQH Hà Công Long (Gia Lai): Vấn đề là khắc phục những bất cập về việc tổ chức tiếp công dân
Trong khi chưa ban hành được Luật về tiếp công dân, để có quy định pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Hiến pháp thì việc quy định về tổ chức tiếp công dân trong Luật Khiếu nại với phạm vi áp dụng cho cả tiếp công dân khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính, tư pháp, cũng như tiếp công dân kiến nghị, phản ánh là cần thiết.
Về quy định tổ chức tiếp công dân, qua nghiên cứu, so sánh với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, quy định trong dự án luật này không có gì mới, ngoại trừ thể chế hóa vào luật về trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã được quy định tại Thông báo của Ban bí thư Trung ương Đảng số 164 ngày 23.10.1989. Vấn đề cần lưu ý là không thể quan niệm trụ sở chỉ là nơi tiếp công dân, điều quan trọng là cần nghiên cứu tìm giải pháp để khắc phục những bất cập về việc tổ chức tiếp công dân mà UBTVQH đã đề cập trong nhiều báo cáo.