Gặp Akay và cây Kơ Nia
Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xưa kia khu vực này đã từng có một cái hồ lớn. Kon Tum nằm ở phía bắc Tây Nguyên, khí hậu mát mẻ, trung bình chỉ khoảng 24-250C. Thành phố Kon Tum nằm trên một vùng đất bằng phẳng bên bờ sông Đăk Bla, một nhánh của sông Pơ Kô, giữa một đồng bằng nhỏ cao 525m. Đây là trung tâm hành chính cũ của Pháp ở Tây Nguyên. Các cố đạo Pháp đã đến đây từ năm 1851, nghĩa là trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam tới bảy năm, mới thấy họ không nề hà gian khó, xông pha chốn rừng thiêng nước độc.

Đường phố Kon Tum sạch sẽ, hiếm có ngôi nhà nào cao đến bốn tầng, vì thế nom đường phố như rộng hơn. Ở Kon Tum, có vẻ thời gian đi chậm, bởi nhịp sống bình lặng. Dân phố phường đa phần là người Kinh, thường có gốc gác Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng tôi cũng hay bắt gặp những người dân tộc với chiếc gùi to tướng sau lưng, đáy gùi che kín hết mông, còn miệng gùi cao ngập đầu, họ đi bộ trên đường phố, trong gùi là những củ sắn (trong này gọi là mỳ) hay ngô gì đó. Họ lầm lũi đi, chân trần trên đường nhựa trong cái nắng cao nguyên, cứ như người của trăm, ngàn năm trước, hình như những thành tựu của thế giới văn minh không có ảnh hưởng gì với họ. Được biết, trên địa bàn Kon Tum có 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 46,4% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Xơ Đăng chiếm 25,1%; người Ba Na 12%; người Giẻ Triêng 8,1%; người Gia Lai 5,1%... Trong bộ câu hỏi điều tra, có phần hỏi về thu nhập của hộ gia đình. Khi chúng tôi phỏng vấn ở một thôn thuộc thị trấn Đắk Glei, nằm ngay sát đường Hồ Chí Minh, 90% những người dân được hỏi cho biết thu nhập của gia đình không nổi 100 ngàn đồng/tháng, thậm chí không biết thu nhập của gia đình là bao nhiêu, bởi họ chỉ có mấy nương ngô, nương sắn, một năm thiếu đói vài tháng, chẳng biết tính thu nhập là thế nào đây.
Người dân tộc không đủ tiền... mua khố
Nghe có vẻ như chuyện Chử Đồng Tử, người được mệnh danh là người đàn ông nghèo nhất Việt Nam vì không có nổi mảnh khố. Nhưng không phải, người dân tộc không có tiền mua khố nhưng đủ tiền mua quần áo. Tất cả những người dân tộc tôi gặp đều mặc quần áo như người Kinh, quần áo có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc vì giá rẻ. Ra đường, chỉ có thể đoán được người dân tộc bởi nước da ngăm ngăm, và giọng nói tiếng Kinh chen lẫn tiếng Thượng. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc đã gần như thất truyền, còn rất ít người nhớ nghề. Vả lại dệt được một cái áo mất hàng tháng trời, vì họ làm thủ công, một cái khố đúng quy cách dân tộc dài khoảng 4 mét, rộng cỡ 60 phân, dệt được cái khố phải mất 2-3 tháng. Giá thành vì thế khá đắt, một cái áo nom rất đơn giản, chỉ là hai mảnh vải chập lại, khoét ba cái lỗ để chui đầu và tay, giá chừng 200 ngàn đồng, một cái khố giá quãng 400 ngàn đồng. Như vậy muốn diện một bộ khố áo dân tộc phải có trên nửa triệu bạc, một số tiền quá lớn đối với người dân tộc, trong khi đó quần áo bán sẵn chỉ vài chục nghìn, hàng siđa còn rẻ nữa. Mà vải thổ cẩm vì dệt tay nên không bền, không mịn đẹp bằng hàng dệt máy. Định mua một cái áo của đồng bào Thượng về làm kỷ niệm, chúng tôi đi khắp thành phố Kon Tum không thấy một cửa hàng nào, sau phải xuống tận làng Kon Klor, ngoại vi thành phố, tìm đến cửa hàng của bà Y Ngọc, một nghệ nhân nổi tiếng của tỉnh Kon Tum. May hôm ấy bà Y Ngọc có nhà, mọi ngày bà bận đi dạy nghề dệt cho phụ nữ các làng bên. Hiện có một dự án của tỉnh dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ dân tộc, vừa để bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo điều kiện cho chị em làm kinh tế gia đình bằng nghề này. Bà Y Ngọc cho biết, thường chỉ khách Tây là hay tìm đến đây mua hàng, mỗi tháng cũng chỉ làm được dăm cái áo thôi, thứ nhất là công dệt tấm vải mất hàng tuần cật lực, vả lại có làm được nhiều cũng chả bán được cho ai. Người Tây họ thích lắm, bà Y Ngọc kể, họ vào tận nơi xem khung dệt, thế họ mới tin, rồi họ tranh nhau mua. Họ nói với cái giá 200 ngàn đồng một cái áo, tương đương 10 USD, thật quá rẻ so với công sức bỏ ra. Họ đặt nhiều hàng nhưng bọn mình làm không xuể, có người cho địa chỉ ở nước ngoài, đưa tiền trước, cả tiền sản phẩm và cước phí, bảo gửi cho họ sau. Anh bạn đi trong đoàn tôi hỏi trêu: Sao không trang bị máy dệt cho nhanh, kiếm được nhiều tiền? Bà Y Ngọc xua tay: Cán bộ nói sao kỳ vậy, trang bị máy thì còn đâu là nghề dệt cổ truyền, mà khách Tây họ cũng đâu cần đặt mua nữa. Thấy mừng là nghề dệt cổ truyền không vì sự thờ ơ không sử dụng của người bản địa mà bị thất truyền, và cũng phải cảm ơn người phương Tây đã giúp cho nghề này còn sống được.
Gặp... A kay
Thuở học trò, tôi nhớ những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Ngủ ngoan A Kay ơi, ngủ ngoan A Kay hỡi/ Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội/ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/ Mai sau con lớn vung chày lún sân. (Nhân tiện nói vui, từ ‘‘Akay’’ bây giờ đám thanh niên thường dùng với nghĩa tếu, có việc gì không được như ý, họ hay bảo ‘‘hơi bị Akay’’ đấy). Vậy mà vào Kon Tum lần này, tôi được gặp Akay bằng xương bằng thịt.
Akay đến từ làng Đăk Bối, một làng ở xa nhất huyện Đăk Glei, sát chân núi Ngọc Linh nổi tiếng là căn cứ kháng chiến thời chống Mỹ. Rất có thể lắm, mẹ của Akay đây cũng từng giã gạo nuôi bộ đội. Nay thì Akay hiển nhiên không còn là chú bé nằm trên lưng mẹ nữa, Akay đã 50 tuổi rồi, đen đúa, già nua và cũ kỹ, ông đi trả lời phỏng vấn thay vợ, bởi vợ ông bận lên nương. Yêu cầu của dự án là không được phỏng vấn người đi thay, nhưng từ làng Đăk Bối lên đây, Akay cùng lũ làng đã đi bộ từ mờ sáng, đến mười giờ trưa mới tới trung tâm xã. Ban quản lý dự án mời hai mươi người thuộc làng Đăk Bối để phỏng vấn, trong dự án điều tra Quản lý hành chính và dịch vụ công cấp tỉnh, hơn một nửa đến đúng người, còn đâu thì người nhà đi thay. Họ chỉ nghe trưởng thôn nói: Lên xã để làm việc với cán bộ Trung ương, vậy là đi luôn, họ nghĩ đơn giản trong một nhà, người này không đi thì người khác đi thay. Chúng tôi đành điện về Hà Nội xin ý kiến của Ban quản lý dự án, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ cộng đồng (dự án trả thù lao cho mỗi người được phỏng vấn 40 ngàn đồng, nếu ai không có tên sẽ không được phỏng vấn, hiển nhiên sẽ phải về không). Rất may Ban quản lý dự án đã đồng ý bổ sung họ vào danh sách.
Tôi không bỏ lỡ dịp để phỏng vấn Akay. Làng Akay rất nghèo, đến nay chưa có điện, chưa có đường. Nhà Akay cũng thế, nghèo lắm, có bốn con và thường thiếu ăn, hỏi cái gì Akay cũng không biết, chẳng hạn trong bộ câu hỏi có câu: ‘‘Ông/bà có biết tên chủ tịch xã, tên chủ tịch tỉnh không? Ông/bà thường biết tin tức từ nguồn nào (tivi, báo chí, loa đài...)’’. Akay cứ lắc đầu hoài. Nhìn Akay bây giờ, lại nghĩ đến câu thơ học thuở nhỏ, mà bấy lâu tôi vẫn hình dung một em bé Tây Nguyên kháu khỉnh, ngủ ngoan trên lưng mẹ, trong lúc mẹ đang giã gạo ‘‘Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng’’. Dẫu biết là một Akay hư cấu văn học đâu có liên quan gì đến Akay này, vậy mà sao cứ thấy buồn.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Akay được phát 40.000, lại được Ban quản lý dự án đặc cách cho tất cả các hộ dân Đăk Bối thêm 50.000 bồi dưỡng công đi xa. Cầm 90.000, Akay vui lắm, số tiền mà hình như trong gia đình Akay chưa bao giờ có được. Tôi hỏi Akay làm gì bằng tiền này, Akay bảo mình sẽ mua muối, mua dầu, với lại mua cái cuốc, cái hái. Tôi buột miệng hỏi Akay một câu mà chính tôi cũng không định trước, câu hỏi bật lên từ sự ám ảnh của bài thơ trong tâm thức: Akay có thương bộ đội không? Akay đáp ngay: Thương chớ, ngày xưa cả làng mình nuôi bộ đội đấy. Ôi, phải chăng tôi đã gặp được nguyên mẫu của bài thơ. Sau này tôi được cán bộ địa phương cho biết thêm, người dân xã Đăk Bối nằm trong vùng căn cứ cách mạng, rất thật thà, tin Đảng, tin Chính phủ. Chỉ cần nghe nói có người của Đảng, của Chính phủ cần gặp là sẵn sàng bỏ công bỏ việc đi luôn. Đến nhà họ, có cái gì cả làng sẽ góp lại để đãi người của Đảng luôn.
Đi tìm cây Kơ Nia
Chắc nhiều người thuộc bài thơ của nhà thơ liệt sỹ Ngọc Anh: Buổi sáng em làm rẫy/ Thấy bóng cây Kơ Nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ thấy Bóng cây Kơ Nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ về nhớ anh mẹ khóc... Cũng lại có câu chuyện tếu, người ta đố nhau rễ cây gì dài nhất, trả lời: rễ cây Kơ Nia, bởi rễ cây ‘‘uống nước nguồn miền Bắc’’. Vào Kon Tum lần này, tôi hỏi nhiều người có biết cây Kơ Nia không, dân Kinh phần lớn không biết, người Thượng thì bảo: Nó ở giữa rừng cơ. Cây Kơ Nia mọc hoang, không ai trồng, thường đứng cô độc giữa rừng hoặc trên rẫy, đúng như trong bài thơ đã viết. Theo nhà thơ Văn Công Hùng của đất Tây Nguyên thì hạt Kơ Nia ăn được, hạt ăn sống rất thơm bùi và béo, không khác gì hạt điều đã qua chế biến, nhắm rượu rất tốt, chính ông Hùng đã có lần được nếm thử. Tìm hiểu thì được biết thêm, Kơ Nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm. Lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành. Hoa màu trắng, có từ bốn đến năm cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá, trổ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Quả hình trái xoan dài 3-4 cm, có màu vàng nhạt khi chín và thường xuất hiện vào khoảng tháng 10-11. Tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa bão. Tuy nhiên không thể làm cây đường phố do trái rất sai, mùa trái rụng kín gốc, trái có dáng thon, hình e líp tròn trịa nên dễ trượt ngã khi giẫm phải. Đây là cây có ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Họ coi đó là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh, rất ít khi đụng chạm đến hoặc chặt phá. Vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có những cây Kơ Nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Vì thế, muốn biết cây Kơ Nia phải tìm đến rẫy của đồng bào, mà không phải rẫy nào cũng có.
Rất may, đến ngày cuối cùng rời Kon Tum, tôi được em Nhàn, một cán bộ địa phương, người tham gia liên hệ các hộ dân để dự án phỏng vấn, đưa tôi đi xem cây Kơ Nia. Hóa ra ngay trong sân tỉnh ủy Kon Tum có trồng một cây, hình như đây là cây Kơ Nia duy nhất ở trong thành phố. Cây Kơ Nia đứng đó, xanh um một góc sân, hào sảng trong nắng gió cao nguyên. Đứng dưới gốc cây, như cảm nhận được hơi thở của đại ngàn.
Rời Kon Tum, trên chuyến xe trở ra Bắc, tôi gặp một cựu chiến binh người Nghệ An, ông đi thăm lại chiến trường Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi khi xưa đơn vị ông đã chiến đấu ác liệt và thiệt hại đến hơn nửa quân số. Bao nhiêu đồng đội của ông vĩnh viễn nằm lại nơi đây, xương thịt hòa vào lòng đất Kon Tum. Ông lặng lẽ nhìn mãi ra ngoài cửa xe như muốn thu hết đất trời Kon Tum vào tâm trí, bởi chẳng dễ có dịp trở lại lần nữa. Lát sau tôi nghe ông lẩm bẩm: Hơn bốn mươi năm rồi mà nơi đây vẫn thế, con người vẫn thế, đời sống vẫn thế cậu ạ. Có chăng là rừng bị chặt đi nhiều mà thôi.