Nhập siêu và bài toán ổn định kinh tế vĩ mô

Thu Thùy 08/11/2010 00:00

Trong những năm gần đây, nhập siêu luôn là mối quan tâm của các ĐBQH mỗi khi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đỉnh cao của nhập siêu nước ta là năm 2008 với con số lên đến 18 tỷ USD. Năm 2010, dự kiến mức nhập siêu sẽ lên đến 12 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự kiến 13,5 tỷ USD. Nhập siêu đang ở mức cao là một trong những khó khăn, thách thức đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

02-Nhap-sieu-31210-300.jpg

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trên cơ sở những giải pháp điều chỉnh cán cân thương mại phù hợp nên sau mức đỉnh điểm 18 tỷ USD vào năm 2008, hai năm nay, con số nhập siêu đã có chiều hướng giảm. Năm 2007, nhập siêu khoảng 14 tỷ USD. Năm 2009 là 12,8 tỷ USD. Năm 2010, trong báo cáo ước thực hiện được xây dựng từ tháng 9 thì con số vào khoảng 13,5 tỷ USD. Đến nay, theo tính toán của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê, thì dự báo con số nhập siêu của năm 2010 sẽ vào khoảng 12 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự báo 13,5 tỷ USD và so với năm 2009. Tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục giảm. Năm 2007, xấp xỉ 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2008 là 28,8%; năm 2009 là 22,5% và năm nay khoảng 18%. Theo các chuyên gia kinh tế, nhập siêu những năm qua đều ở mức rất cao, làm giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng tỷ giá và giảm sức mua của đồng tiền. Vì vậy, để tăng trưởng bền vững phải kiểm soát được nhập siêu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập siêu cùng với bội chi ngân sách và nợ công đang là ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay. Bội chi ngân sách cao liên tục nhiều năm làm nợ công tăng nhanh. Trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa cần được xem là quốc sách lớn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, để hạn chế nhập siêu, cần xem xét ngay từ những phương án mời thầu, hạn chế những đơn thầu giá rẻ.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là nền sản xuất còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt là sản xuất gia công hàng xuất khẩu. Để giảm nhập siêu, cần xem xét lại bài toán ưu tiên cho xuất khẩu, cụ thể là xem xét việc có nhất thiết đầu tư bằng mọi giá cho sản xuất hàng xuất khẩu hay không? Vì xuất khẩu càng nhiều thì nhập siêu càng lớn và trong bối cảnh tỷ giá như hiện nay, nhập siêu là nhập lạm phát của nước khác và trở thành lạm phát kép.  

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ tính đến cán cân thương mại (chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu với nhập khẩu) thì chưa phản ánh hết bản chất của nhập siêu. Trên thế giới, nhiều nước còn tính thêm cán cân thanh toán vãng lai, bao gồm cán cân thương mại và các khoản thu chi về dịch vụ. Nếu cộng các khoản này thì thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai của Việt Nam cao hơn. Thông thường, nếu cán cân thanh toán vãng lai vượt quá 5% GDP là đã ở mức báo động, trong khi đó 3 năm qua cán cân thanh toán vãng lai của nước ta liên tục ở mức 8% GDP. Đây là nguy cơ đối với nền kinh tế.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, không thể tăng tỷ giá VNđ/USD mà cần có chiến lược tiến tới xuất siêu nhằm ổn định tỷ giá. Mục tiêu đặt ra là kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Những năm tới đây, nếu không kiểm soát nhập siêu tốt, khoảng cách giữa các lần tăng tỷ giá sẽ gần hơn, ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân cũng như môi trường đầu tư. Mặt khác, cũng cần rà soát lại chiến lược đầu tư ngành để tránh tình trạng đổ vốn đầu tư vào một ngành công nghiệp trọng điểm nhưng thực chất lại là nhập khẩu linh kiện, phụ kiện và đẩy nhập siêu tăng cao.

Thu Thùy