Phá huyện đường (Phần 2)
Truyện của Shiba Ryotaro (Nhật Bản)

02/11/2010 00:00

>> Phá huyện đường ( Phần 1)

>> Phá huyện đường (Phần cuối)

05-pha-huyen-30710-300.jpg

Có vẻ Inui-juro làm y sĩ không mát tay mấy. Người ta đồn rằng có lần anh ta chưa trở về tới nhà đã thấy người nhà bệnh nhân chạy theo báo: “Thưa thầy, bệnh nhân vừa tắt thở”. Inui-juro đã nhếch mắt nhìn lên khoảng không mà lầm bầm: “Thôi, chết rồi” ra dáng lang băm lỡ tay gì đấy, thật buồn cười.

Có lẽ anh ta là nhà thơ hơn là y sĩ. Yujiro được Rainin cho xem một bài thơ Inui-juro mới làm, mà Yujiro phải chịu là hay:

Sáng sớm ra ải xem địch quân

Hoa mai phất phới rụng sau lưng

Gió xuân chẳng đợi trời đông sáng

Phe phẩy xua mây nổi mấy tầng

Từ câu: Xuân phong bất đãi đông thiên bạch (Gió xuân không chờ được trời sáng trắng phương đông) mà xét thì Yujiro nghĩ đó là bài thơ mơ tưởng đến chuyện thảo phạt Mạc Phủ.

Inui-juro ấy, nay đã trở lại xứ Gojo này.

“Người xấu phải không ạ?” Onui hỏi.

“Chẳng phải là người tốt đâu”.

Yujiro kể cho vợ nghe chuyện Inui-juro bửa củi. Người vừa bửa củi vừa hét “Đồ Mạc Phủ”, “Đồ Mạc Phủ”, thì chẳng thể nào lại là người có tâm địa tốt được.

“Thật thế sao?”

Onui nghe chuyện mà không tin nổi, đến phải bật cười. Làm thế nào ở chốn yên tĩnh thế này mà có thể có người mưu chuyện phản loạn thế được Mà lại là con tiệm may ở Kitanocho, và y sĩ xuất thân là người đấm bóp dạo nữa.

3

Hôm sau, ở Huyện đường, Yujiro nghe một tin quái lạ. Rằng dân làng Totsukawa đang dao động mạnh. Làng này ở trên núi, cũng trực thuộc Mạc Phủ, từ thời thượng cổ là đất cư trú của giống dân đặc biệt gọi là Kuzu, có truyền thuyết rằng dân làng này đã giúp Thiên hoàng Jinmu (660 - 585 trước Tây lịch) trong cuộc Đông chinh, rồi từ thời đại của Vương triều Yamato (300 -700), mỗi khi triều đình có chuyện là tất cả dân làng võ trang đến giúp, lệ ấy đã trở thành truyền thống của làng. Tư tưởng Cần Vương hiện nay là sản phẩm của quan niệm mới của thời đại, còn truyền thống phò vua của làng Totsukawa thì phải nói là độc nhất trong thiên hạ rồi, không nơi nào khác có được. Khắp làng không có đất ruộng, nên dân làng sống bằng nghề đốn củi, đốt than và săn bắn; vì không sản xuất lúa gạo nên từ thời Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598, quyền trùm thiên hạ từ 1590) vẫn tiếp tục được miễn tô thuế.

Làng Totsukawa mới đây đã nhận được một sắc chỉ kỳ dị từ triều đình ở Kyoto, gọi là “Sắc chỉ từ Thân vương Nakagawa - no - miya”. Dạy rằng phải lãnh nhiệm vụ bảo vệ cung khuyết ở kinh đô. Điều này vượt ra ngoài khuôn khổ, bởi việc bảo vệ cung khuyết ở kinh đô thì đã được hạ chỉ cho các phiên trấn giàu mạnh như Aizu, Choshu, Satsuma, Tosa, Geishu, cớ gì lại kêu gọi một làng thứ dân phải xuất binh như một phiên trấn? Thế nên, đám chức sắc trong làng Totsukawa sửng sốt. Mà triều đình thì thời bấy giờ đâu phải là chính phủ. Mạc Phủ mới là chính phủ duy nhất trong nước Nhật. Mạc phủ không ra lệnh thì làng đâu có tuân theo sắc chỉ của triều đình mà làm gì

Tất nhiên, trong làng này cũng có phái quá khích. Đã có vài người trong số đó tiếp tục hoạt động cho phe Cần Vương, tham gia ở các căn cứ Cần Vương là các dinh cơ của phiên trấn Choshu hay Tosa ở kinh đô Kyoto. Họ chủ trương phải đáp ứng sắc chỉ xuất binh đó. Thế là trong cái làng miền núi này cũng đã xảy ra đấu tranh giữa hai phái.

Tin đó đã truyền đến Huyện đường Gojo là cơ quan cai trị của Mạc Phủ ở vùng Yamato này. Tin truyền đến dưới dạng yêu cầu không chính thức từ các chức sắc thuộc phái bảo thủ trong làng. Huyện đường họp lại bình nghị. Trong số 13 công chức, người xướng lên thuyết cứng rắn nhất là Kimura Yujiro. Lý luận của anh là: “Cả làng xuất binh như thế là bỏ làng mà đi đấy”.

“Tôi nghe rằng gần đây trên kinh đô, các phiên sĩ hay lãng sĩ của các phiên trấn từ Choshu đến Satsuma, Tosa, cứ tha hồ tiếp cận các quan trong triều, các thân vương, mà ra sức thuyết phục chuyện Cần Vương. Và các triều thần cũng dao động vì lời thuyết phục dai dẳng ấy. Nghe đâu chẳng bao lâu nữa, có thể triều đình sẽ có hành động bất chấp Phủ Chúa. Thế nhưng, xách động cả bá tánh trong lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ như thế này thì rõ ràng là hành vi quá đỗi ngạo mạn của triều đình rồi”.

Cả bọn Thân quan, Tuyển quan trong Huyện đường đều đồng cảm với lời thuyết giải của Yujiro, ai nấy im lặng gật đầu. Nói gì đi nữa, không kể Inui-juro nổi danh thần đồng, trong vùng này, Yujiro xưa nay vẫn được biết là người thông tuệ nhất. Yujiro đã nói thế thì không còn sai vào đâu được.

“Anh nói đúng lắm”.

Cụ Hasegawa Taiji là Thân quan chủ quản hành chính trong Huyện đường vỗ đùi, vui mừng nói như thế. Cụ cũng là cha vợ của Yujiro, xưa nay vẫn tự hào về chàng rể của mình.

Nhưng quan Huyện lệnh Suzuki Gennai thì không bày tỏ ý kiến gì mà chỉ bảo:

“Thôi, để sang ngày mai”

Rồi chấm dứt buổi họp. Khiến từ Yujiro đến các quan khác, ai cũng ấm ức về thái độ nửa chừng nửa đỗi của quan Huyện lệnh.

Ngày hôm đó cũng mưa. Ngọn núi Kongosan ngay phía tây của khu phố, bị che phủ trong màn sương mù. Bầu trời phía đông có phần sáng sủa hơn, dãy núi Kumano ló đầu lên trên tầng mây dày đặc. Trong gần ba trăm năm Phủ Chúa Tokugawa cai quản, phố phường Gojo đều đều thở nhịp bình an trong phong cảnh như thế. Biến động đang làm rối trí 13 vị quan trong Huyện đường như lần này thì chưa hề xảy ra ở nơi đây, mà có lẽ ba trăm năm sau nữa, cũng thế thôi. Ngay cả người trai trẻ Yujiro cũng nghĩ như thế.

Quan mới từ Edo đến năm ngoái, chưa hiểu rõ tình hình lãnh địa này. Nhà Suzuki hưởng bổng lộc bảy trăm hộc, đã là bộ tướng của Chúa từ thời Phủ Chúa Tokugawa khởi nghiệp ở đất Mikawa. Mạc Phủ muốn thực thi một nền chính trị liêm chính theo kiểu Nho giáo đối với các lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ, nên khi chọn quan cai trị ở các địa phương thì nguyên tắc là chọn người có học vấn, kiến thức phong phú, không tham lam, trong đám gia thần của Chúa. Bởi nhà Chúa muốn các lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ làm gương sáng về chính trị cho các Lãnh Chúa chư hầu noi theo. Vì thế, các quan Huyện lệnh cha truyền con nối thì chẳng nói làm gì, chứ các quan do nhà Chúa phái đi thì hiếm có người tham quan ô lại.

Suzuki là người có thể nói là được đúc trong khuôn Nho giáo ấy. Một học giả thâm nho, nhiệt thành muốn thực thi một nền cai trị liêm chính, đến nỗi có khi bị đám công chức địa phương như Yujiro thấy có vẻ ngây thơ nữa.
Yujiro đến nhằm lúc Suzuki đang ghi vào nhật chí cai trị, trong phòng văn. Quan làm việc này đã năm năm nay rồi, từ thời còn ở Edo. Yujiro vào phòng bên cạnh ngồi chờ.

“Đến rồi đấy à?”

Quan đặt bút xuống, ngước mắt lên nhìn. Khuôn mặt dài quá khổ, trông giống một diễn viên nổi tiếng trên Edo.
“Hôm qua, về chuyện làng Totsukawa, ta không đồng ý với lời bàn của anh. Một làng trong lãnh địa trực thuộc Mạc Phủ mà được gửi quân lên kinh đô bảo vệ cung khuyết của Thiên hoàng thì là một vinh dự. Ta định cho gọi bọn chức sắc trong cái làng đang phản đối ấy lại để thuyết phục đấy”.

Lời nói ấy thật là đáng ngạc nhiên, từ miệng một vị quan cai trị do Mạc Phủ bổ nhiệm. Yujiro sửng sốt. Có lẽ một học giả sinh trưởng trong nhà quyền quý làm bộ tướng của Phủ Chúa thì là người suốt đời theo quan-niệm-luận. Không sao suy nghĩ như Yujiro là người đã phải nỗ lực làm việc và học tập đến bật máu mới đạt đến chức vụ ngày nay. Yujiro nhích đầu gối tới mà nói:

“Thưa, không đâu Ngài là người đọc sách nhiều, tự nhiên, ngài có suy nghĩ theo hướng Cần Vương đang thịnh hành hiện nay, thì cũng là điều thường tình. Thế nhưng, thực tế công việc thì không thể theo tư tưởng ấy được. Nếu như theo lệnh của triều đình mà cho hết bá tánh trong lãnh địa này lên kinh đô, rồi có sắc chỉ từ triều đình bảo giao luôn lãnh địa bảy vạn hộc này cho triều đình, thì ngài sẽ làm sao?”

“Chuyện đó không thể xảy ra được”. Quan Huyện lệnh mỉm cười. “Giả thuyết của anh cực đoan quá”.

“Thưa, trên lý thuyết thì đúng như thế. Người ta nói cả con đê có thể đổ sụp vì một lỗ kiến nhỏ kia mà. Thể chế Mạc Phủ này có thể đổ sụp chỉ từ một lỗ kiến nhỏ là làng Totsukawa ấy đấy”.

“Anh thật là người suy luận quá xa”

Suzuki Gennai cười lớn, nhưng cũng có thiện cảm đối với sự mẫn tuệ của Yujiro.

“Uống tí rượu đi”.

Quan đưa Yujiro qua phòng uống trà:

“Này Yujiro, nhà anh làm việc ở đây là đời thứ mấy rồi?”

“Thưa, từ đời cha của tiện nhân. Trước đấy thì là gốc nông dân”.

Vì vậy, họ hàng thân tộc nhà Kimura Yujiro phần lớn là thứ dân cả. Mỗi lần giỗ chạp, Yujiro đều được ngồi trên cả gia chủ nữa. Anh được trọng vọng vì là: “Võ sĩ duy nhất của dòng họ chúng ta”. Chú bác của anh khi ngà ngà say lại lè nhè bảo anh: “Giảm thuế hàng năm cho đi nhé”.

“Thưa, tiện nhân nghe rằng dòng dõi của ngài đã liên tục phục vụ Phủ Chúa, từ đời tổ đã phụng sự cho thân phụ của ngài Gongen (Tokugawa Ieyasu, khai sáng ra Mạc Phủ), thế thì truyền thống thật là lâu đời”

“Ừ. Ở đất Mikawa có làng tên là Sakenomi, dòng họ Suzuki lấy chữ Ki (Mộc) từ trong danh xưng Tsuigi (Chùy Mộc) của một ngôi nhà cổ trong làng ấy. Tổ Suzuki Tonai (Suzuki Shosan, 1579-1655) đã tham gia trên 60 trận đánh cùng với Chúa Ieyasu, không kém ai cả. Nhờ vào võ công nơi đầu tên mũi đạn ấy mà ba trăm năm nay, con cháu dòng họ Suzuki được cơm no áo ấm trong lộc Chúa đấy”.

“Hẳn là ngài nhớ Edo lắm?”

“Ừ, có lẽ thế thật”.

Cuộc rượu thật vui. Quan chỉ uống chút ít như nếm rượu, nhưng cách uống rượu cũng có phẩm cách cao quý như đã trau chuốt qua ba trăm năm của dòng họ.

“Anh Yujiro có mong ước gì không nào?”

“Thưa, được trở thành Thân quan ạ. Thông thường thì Tuyển quan không trở thành Thân quan được, nhưng tiện nhân nghe nói chuyện Tuyển quan do thành tích xuất chúng mà được đề bạt lên cũng chẳng phải là không có”.

“Tuyển quan cũng tốt chứ”.

Quan nói, như an ủi.

Nhưng Yujiro thì không chia sẻ tâm tình ấy của quan là người may mắn sinh ra trong dòng dõi quyền quý.

Năm trước đây, Yujiro đã có lần đi công vụ lên dinh quan Chưởng quản Osaka. Từ Yamato đến Osaka thì đường đường cưỡi ngựa, có ngựa thồ hành lý và người hầu đi theo, đến chừng vào trong dinh cơ của quan Chưởng quản Osaka thì phải khom lưng cúi đầu xuống mà bước. Bởi về mặt chức phận, thứ Tuyển quan như anh chỉ là do các Huyện đường tùy ý tuyển chọn, nên đến chốn công đường khác thì chỉ là bình dân mà thôi; ăn mặc như dân thường, ngay cả đoản kiếm cũng không được đeo. Lúc đó, Yujiro đã ao ước được trở thành ít nhất là Thân quan. Từ đấy, Yujiro điều nghiên xem có cách gì để được thu dụng làm Thân quan chăng.

Suzuki đổi sang đề tài khác, làm như tình cờ mà thuyết giảng Cần Vương luận cho Yujiro. Thuyết Cần Vương thời bấy giờ đã là thường thức trong giới người có học vấn, chẳng phải là thứ tư tưởng phiến loạn gì. Đối với Suzuki thì chỉ là ý muốn dạy cho người thuộc hạ ham học đáng yêu này tư tưởng Cần Vương đang lưu hành trên các diễn đàn tranh luận. Đồng thời, cũng để thuyết phục người Tuyển quan có tài năng này về cách giải quyết vấn đề làng Totsukawa mà mình đã nghĩ ra.

Thế nhưng, Yujiro khăng khăng không nghe. Anh ta chẳng phải sinh trưởng trong nhà quyền quý như Suzuki. Hai đời cha con anh ta đã phải cam khổ lắm mới thoát khỏi thân phận thứ dân, mà ngoi lên được giai cấp võ sĩ, nên Yujiro cương quyết cố thủ. Anh ta có trực cảm đặc biệt rằng: làm thế thì không khéo Mạc Phủ sẽ băng hoại mất. Vì thế, anh đã thành khẩn nói ra điều lo mà Suzuki nghe có vẻ quá trớn ấy.

“Chẳng sao cả đâu. Gần đây, uy vọng của triều đình ở Kyoto cũng đã khác xưa rồi. Đây là thời đại mà ngay cả Tướng quân (Chúa Tokugawa Iemochi) cũng đã phá bỏ lệ thường 300 năm nay mà thượng kinh để tâu chuyện quốc sự lên Thiên hoàng đấy. Chuyện làng Totsukawa thì anh đừng suy nghĩ hẹp hòi như thế “.

Vị quan đầy nhiệt tình về nền chính trị liêm chính này mỉm cười khoan hòa mà nói với Yujiro.

“Mà này, anh có biết Inui - juro không nào?”

Câu chuyện đổi hướng đột ngột khiến Yujiro kinh ngạc. Anh lại càng kinh ngạc hơn vì quan Huyện lệnh không những biết Inui-juro mà còn đồng tình với khuynh hướng tư tưởng của anh ta nữa. Quan bảo là anh ta đã đến dinh của ngài mấy hôm trước đây. Không chỉ thế, quan còn cho biết rằng việc liên kết với Kyoto hạ sắc chỉ cho làng Totsukawa ấy có sự giúp sức ngấm ngầm của Inui - juro.

“Thưa, anh ta là người điên đấy”. Yujiro nói. “Xin ngài đề phòng cho”.

Tuy nhiên, Yujiro không nói đến mức này: Inui - juro đã khổ công mà không được thành Tuyển quan nên oán hận Huyện đường này, và oán hận cả Mạc Phủ nữa. Thuyết Đảo Mạc quá khích của đứa con trai tiệm may ấy là do lòng thù hận đó mà ra. Yujiro nghĩ nói như thế có vẻ phỉ báng cá nhân anh ta.

Phạm Vũ Thịnh dịch

(Số sau đăng hết)