Quy trình sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc: Hiến pháp sửa đổi năm 2004 - lần sửa đổi mang tính cách mạng
Ngày 14.3.2004, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa X nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua 22 điểm sửa đổi trong Hiến pháp hiện hành. Từ năm 1982 đến nay, Trung Quốc đã 4 lần sửa đổi Hiến pháp, nhưng lần sửa đổi này mang tính cách mạng nhất.
Ba lần sửa đổi Hiến pháp trước diễn ra vào các năm 1988, 1993 và 1999. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này đánh dấu bước đột phá trong đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) nhằm tiến tới một xã hội tốt đẹp theo con đường “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội, kể từ khi Trung Quốc tiến hành chính sách cải tổ và mở cửa, đem lại những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội ở nước này.

Đưa thuyết Tam đại diện vào Hiến pháp - dĩ dân vi bản
Trong 13 điều khoản sửa đổi, điều sửa đổi đầu tiên là đưa tư tưởng Tam đại diện của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân vào lời tựa của bản Hiến pháp. Như vậy, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Tam đại diện sẽ trở thành một trong những nguyên tắc chỉ đạo đời sống chính trị-xã hội Trung Quốc.
Thuyết Tam đại diện được Chủ tịch Giang Trạch Dân đề xuất tháng 2.2000. Nội dung chính của tư tưởng này là Đảng Cộng sản Trung Quốc phải luôn đại diện cho “khuynh hướng phát triển của các lực lượng sản xuất tiến bộ Trung Quốc, định hướng nền văn hóa tiến bộ Trung Quốc và lợi ích cơ bản của đại đa số người dân Trung Quốc”. Trong 3 đại diện thì “đại diện lợi ích căn bản của quần chúng nhân dân đông đảo nhất” được thể hiện rất rõ nét trong bản Hiến pháp; bảo đảm quốc gia ổn định lâu dài, nhân dân an khang hạnh phúc. Theo các nhà bình luận thì đây là sự thể hiện tôn chỉ “dĩ dân vi bản” và “dĩ nhân vi bản” của Hiến pháp.
Văn minh chính trị
Trước đây, Hiến pháp Trung Quốc chỉ ghi nhận “văn minh vật chất” và “văn minh tinh thần”, nay thêm “văn minh chính trị”. Việc thêm bốn chữ văn minh chính trị vào bản Hiến pháp đã nói lên đầy đủ văn minh của chế độ XHCN. Văn minh chính trị thúc đẩy phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần - nó thể hiện sự phong phú của văn minh XHCN. Ba mặt văn minh ghi vào Hiến pháp không những đảm bảo tính logic chặt chẽ mà còn là đảm bảo cho sự kết hợp hài hòa ba văn minh này.
Bảo vệ tài sản tư hữu hợp pháp
Điều được dư luận xã hội Trung Quốc quan tâm nhất là việc đưa điều khoản bảo vệ tài sản tư hữu hợp pháp của công dân vào Hiến pháp. Điều này có ý nghĩa rất sâu sắc trong việc ổn định lòng dân và xây dựng kinh tế thị trường lành mạnh. Người Trung Quốc có câu “có hằng sản mới có thể hằng tâm”, có nghĩa là tài sản được bảo vệ thì con người mới bền lòng bền chí làm ăn, làm cho “nguồn của cải được sáng tạo ra trong xã hội tuôn trào”. Ghi điều “tài sản tư hữu hợp pháp của công dân không được xâm phạm” vào Hiến pháp là do yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, nhằm kích thích nhiệt tình sáng tạo ra của cải của mọi người.
Trong suốt 30 năm sau khi nước Trung Hoa mới được thành lập (1949), người dân Trung Quốc đã hăng hái bước vào “cuộc chiến trường kỳ” nhằm biến nền kinh tế thuần nông bị tàn phá bởi chiến tranh thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, quá trình này thường xuyên bị gián đoạn bởi những bất ổn như thảm hoạ tự nhiên và “Đại cách mạng văn hóa” (1966-1976). Phải tới khi Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách mở cửa cuối những năm 1970, đời sống của người dân mới có những cải thiện tích cực. Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người năm 2003 của Trung Quốc đạt 1.000 USD. Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, con số này còn lớn hơn, tới con số 5.000 USD.
Khi thu nhập tăng lên, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc mua xe hơi và những hàng hóa tiêu dùng xa xỉ khác. Cùng với sự bùng nổ về kinh tế là sự thay đổi trong lối suy nghĩ của người dân, từ quan niệm “Thật đáng hổ thẹn khi giàu có”, chuyển sang: “Làm giàu nhờ lao động tích cực bằng con đường hợp pháp là điều đáng tự hào”.
Để khuyến khích toàn dân “xây dựng một xã hội thịnh vượng”, Chính phủ Trung Quốc đã có bước tiếp cận thực tế hơn và khoa học hơn đối với các vấn đề liên quan tới hệ tư tưởng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xây dựng một khung pháp lý chính thức.
Với việc đưa quy định bảo vệ quyền sở hữu tư nhân vào Hiến pháp, lần đầu tiên trong lịch sử nước Trung Hoa mới, tài sản hữu hình và tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân chính thức được pháp luật bảo vệ.
16 năm trước, những sửa đổi trong Hiến pháp quy định rằng nhà nước cho phép nền kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển trong giới hạn luật pháp như một “phần bổ sung” cho nền kinh tế chung. Đến năm 1999, vai trò của nền kinh tế tư nhân được nâng cao và trở thành một “phần trọng yếu” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo các số liệu thống kê, tính đến tháng 11.2003, Trung Quốc đã có 2,97 triệu doanh nghiệp tư nhân với số vốn đăng ký hơn 40,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Trong thời kỳ từ 1996-2002, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp 76,3% vào tăng trưởng GDP, trong khi khối nhà nước chỉ đóng góp 23,7%.
Bảo đảm quyền con người
Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc xây dựng pháp lý tại Trung Quốc, khiến cho hệ thống pháp luật nước này đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ một câu đó nhưng nó có ý nghĩa rất sâu sắc. Một là, đưa kinh nghiệm lịch sử về bảo vệ nhân quyền của Đảng và Nhà nước Trung Quốc vào Hiến pháp; mặt khác thể hiện Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với các nước trên thế giới về vấn đề này.
Trung Quốc đã cho phép tiến hành các cuộc bầu cử mở tại các khu vực nông thôn và tăng số phiếu cho các ủy ban thành phố. Việc bầu chọn ra lãnh đạo quận, huyện đang được thử nghiệm tại một số khu vực.
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số bao gồm các công nhân di trú, những người nhiễm HIV/AIDS và những người cần giúp đỡ... Chính phủ đã cam kết sẽ cấp thuốc miễn phí cho những bệnh nhân này.