Giải pháp tình thế

Thành An 28/10/2010 00:00

Thời gian gần đây, các quan chức Palestine đã đe dọa chấm dứt các thỏa thuận trước đây với Israel khi mà cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên lâm vào bế tắc. Giới quan sát nhìn nhận động thái này của chính quyền Palestine là nhằm hối thúc Liên Hiệp Quốc nhanh chóng tuyên bố về sự ra đời của nhà nước Palestine độc lập, coi đây là giải pháp tình thế (song có thể hết sức hiệu quả) trong bối cảnh cả Israel và Mỹ, nước đóng vai trò trung gian hòa giải, đang sa lầy vào các vấn đề đối nội quan trọng.

08-giai-phap-30110-300.jpg

Phát biểu ngày 25.10 tại Bethlehem, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố Isreal không nên cảnh báo chính quyền Palestine về những bước đi đơn phương khi mà trong nhiều thập niên qua, Tel Aviv vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây chiếm đóng của Palestine. Ông cho rằng Palestine cũng có quyền đơn phương của mình khi Israel trong hàng chục năm qua đã đơn phương mở rộng các khu định cư. Đây là tuyên bố cứng rắn mới nhất của nhà lãnh đạo Palestine. 

Trước đó hai ngày, ông Ahmed Majdalani, thành viên trong Ủy ban hàng đầu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố nhiều khả năng Palestine sẽ từ bỏ mọi nghĩa vụ liên quan đến các thỏa thuận song phương do Israel thường xuyên vi phạm thỏa thuận. Thỏa thuận quan trọng nhất đạt được giữa hai bên từ trước tới nay là Hiệp định Oslo dẫn tới sự ra đời của Chính quyền dân tộc Palestine (PNA). Hiệp định này cũng được coi là bước đi đầu tiên hướng tới thành lập nhà nước Palestine độc lập và có thể đứng vững ở Bờ Tây và Dải Gaza. Tuy nhiên, ông Majdalani tố cáo Israel không tuân thủ những nội dung cơ bản của hiệp định và kêu gọi các bên hợp tác trong thực hiện thỏa thuận.

Giới phân tích tại chỗ cho rằng, những đe dọa của chính quyền Palestine nhằm tăng sức ép buộc Israel phải nối lại các cuộc thương lượng do Mỹ hậu thuẫn vốn đã bị đình hoãn từ cuối tháng 9 vừa qua. Nhà nghiên cứu Mark Heller của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia (INSS) ở Tel Aviv nói: “Đây chỉ là thủ thuật mặc cả vì họ không nói rõ những hậu quả có thể xảy ra và liệu họ có thực hiện những lời đe dọa ấy hay không”.

Bất chấp nỗ lực của Mỹ, cửa sổ thời gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine (được nối lại ngày 2.9 vừa qua với vai trò trung gian của Washington) đã nhanh chóng khép lại sau lệnh tạm ngừng xây dựng các khu định cư mới ở Bờ Tây của Israel hết hiệu lực. Thêm vào đó, việc Tel Aviv thông qua kế hoạch mở rộng khu định cư mới ở Jerusalem, nơi người Palestine muốn coi là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai, lại như “lửa đổ thêm dầu” khiến các nhà lãnh đạo hai bên càng khó có thể ngồi lại với nhau. Trong hoàn cảnh này, Palestine không còn lựa chọn nào khác là để ngỏ khả năng thương lượng với Israel, phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và công nhận của LHQ cũng như các tổ chức quốc tế khác đối với một nhà nước Palestine độc lập. Trong khi đó, bạo lực cũng không ngừng leo thang tại Bờ Tây. Theo số liệu của LHQ, trong sáu tháng qua, các lực lượng Israel đã tiến hành 353 chiến dịch an ninh ở vùng lãnh thổ này, làm 6 người Palestine thiệt mạng và gần 160 người bị thương. Giới quan sát cho rằng các chiến dịch trên đang làm suy yếu các nỗ lực xây dựng lòng tin vào hợp tác an ninh và Palestine cũng muốn tận dụng tình thế đó để nêu bật về sự cần thiết công nhận một nhà nước Palestine để đảm bảo an ninh cho người dân.

Theo nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Daniel Diker của Trung tâm các vấn đề công cộng ở Jerusalem, tuyên bố mới đây của các quan chức Palestine là một nỗ lực trong chiến dịch nhằm hướng tới thành lập nhà nước Palestine có chủ quyền. Ông giải thích thêm rằng Palestine đang theo đuổi hai cách tiếp cận song song nhau, đó là “chiến thuật thảo luận với Israel và chiến lược hướng tới đơn phương tuyên bố sự ra đời của nhà nước Palestine trong đường biên giới năm 1967 được quốc tế chấp nhận”.

Trở lại vấn đề đường biên giới năm 1967 trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây là một trong những đòi hỏi chủ chốt trong các cuộc đàm phán giữa PLO và Israel. Đòi hỏi khác còn kể đến quy chế của Jerusalem và tương lai của người tị nạn Palestine, những người phải rời bỏ Israel khi nhà nước Do Thái ra đời năm 1948. Ông Diker nói: “Họ đưa ra những tuyên bố này nhằm chuẩn bị dư luận cho cộng đồng quốc tế chấp nhận tuyên bố đơn phương của Palestine hoặc tuyên bố của HĐBA LHQ về sự ra đời của nhà nước Palestine trong đường biên giới năm 1967”. Theo ông, nếu Palestine đơn phương tuyên bố độc lập thì điều đó có thể không được HĐBA chấp thuận, vì thế Palestine muốn thay thế Nghị quyết 242 của HĐBA bằng một nghị quyết khác công nhận nhà nước Palestine trong giới tuyến năm 1967. Tuy nhiên, một nghị quyết như vậy ít có khả năng được Mỹ, thành viên thường trực HĐBA LHQ có quyền phủ quyết và là đồng minh thân cận của Israel ủng hộ.

Theo giới báo chí, ban lãnh đạo Palestine không tin các cuộc đàm phán hiện nay với Israel có thể đạt được kết quả. Tuy nhiên, Chính quyền Palestine vẫn chưa quyết định giải pháp thay thế nếu các cuộc thương lượng hiện nay đổ vỡ.

Thành An