QH thảo luận về dự án Luật Viên chức: Thành lập Hội đồng quản lý để tránh lạm quyền trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập đang nắm giữ một khối lượng không nhỏ tài sản nhà nước, thực hiện việc quản lý, sử dụng đối với hơn 1,6 triệu viên chức, người lao động. Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viên chức, nhiều ĐBQH cho rằng, cùng với việc từng bước chuyển giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì rất cần có cơ chế kiểm soát, giám sát phù hợp, bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị, ngăn ngừa những hành vi lạm quyền, độc đoán, cố ý làm sai tại đơn vị sự nghiệp công lập. Và một trong cơ chế kiểm soát đó là tổ chức Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
ĐBQH TRỊNH THỊ NGA (PHÚ YÊN): Có thể bổ nhiệm lại…
Khoản 4, Điều 57 ghi: Viên chức quản lý bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Theo tôi, nếu viên chức quản lý mà vi phạm, bị cách chức, nhưng cần cho họ thời gian, nếu họ nhận thức tốt hơn thì có thể bổ nhiệm lại. Vì Khoản 4 quy định viên chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không bổ nhiệm lại vị trí quản lý, theo tôi hiểu như vậy có nghĩa là vĩnh viễn không bổ nhiệm lại. Quy định như thế này có phần cứng nhắc. Tôi đề nghị cần quy định về thời gian thử thách đối với những viên chức vi phạm, nếu thử thách tốt thì cũng có thể là bổ nhiệm lại chức vụ quản lý.
ĐBQH DANH ÚT (KIÊN GIANG): Thành lập Hội đồng quản lý để tránh lạm quyền trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Việc phân loại đơn vị sự nghiệp và cơ cấu tổ chức quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật Viên chức thành 2 loại gồm: đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ - là hợp lý. Tuy nhiên Dự thảo Luật quy định: chỉ đơn vị sư nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, được thành lập hội đồng quản lý; còn đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, không được thành lập hội đồng quản lý. Quy định như vậy là bất cập trong quản lý.
Thực tế thời gian qua cũng có những tổ chức được thành lập hội đồng quản lý, tuy nhiên không phải hội đồng quản lý nào cũng phát huy hiệu quả tích cực, phần lớn tùy thuộc vào Thủ trưởng của đơn vị sự nghiệp. Nhưng có hội đồng quản lý, dù sao vẫn tốt hơn, nhằm tránh lạm quyền, mất dân chủ. Do đó, tôi đề nghị nên thành lập hội đồng quản lý trong tất cả đơn vị sự nghiệp công lập để có một tập thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc quản lý tiền, tài sản và những vấn đề liên quan về tổ chức bộ máy, con người trong đơn vị và phù hợp với với một số đạo luật hiện hành.
ĐBQH VŨ HỒNG ANH (HÀ NỘI): Cần điều chỉnh quy trình tuyển dụng viên chức hợp lý hơn

Khoản 2, Điều 31 dự thảo Luật quy định: căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách nhiệm vụ được xác định trong hợp đồng làm việc viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng. Tôi cho rằng quy trình này chưa hợp lý. Bởi theo quy định của dự thảo Luật, việc ký hợp đồng tuyển dụng thực hiện trước, trong đó xác định rõ vị trí việc làm, tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác. Còn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được thực hiện sau và được thực hiện căn cứ trên hợp đồng làm việc. Về mặt logic, để đảm nhận vị trí việc làm, viên chức phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định, tức là phải đạt được chức danh nghề nghiệp nhất định thì mới được bố trí đảm nhận vị trí công tác đó. Điều này có nghĩa là viên chức phải được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp. ví dụ: trong một trường đại học, để đảm nhận vị trí là trưởng bộ môn, thì người đó phải là giảng viên chính. Tuy nhiên, theo quy trình của dự thảo Luật thì người đó muốn trở thành giảng viên chính phải vượt qua một cuộc tuyển chọn, rồi ký hợp đồng làm việc với Hiệu trưởng, trong đó xác định công việc, vị trí việc làm, địa điểm làm việc, tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác. Sau khi ký hợp đồng tuyển dụng vào vị trí trưởng bộ môn, người này sẽ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và giảng viên chính. Như vậy việc bổ nhiệm chức danh giảng viên chính không phải là điều kiện tiên quyết để đảm nhận vị trí trưởng bộ môn - thì điều này lại mâu thuẫn với yêu cầu để đảm nhận công việc vị trí việc làm phải đạt được một chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Vì vậy tôi đề nghị, Ban soạn thảo chỉnh sửa quy trình tuyển dụng viên chức cho hợp lý hơn. Theo đó, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phải được thực hiện trước, rồi mới ký hợp đồng làm việc. Tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp, còn vị trí việc làm sẽ được hưởng các khoản tiền thưởng, tiền đãi ngộ khác tùy theo khả năng của từng đơn vị sự nghiệp công lập. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng, sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa các viên chức.
ĐBQH PHẠM ĐỨC CHÂU (QUẢNG TRỊ): Có bảo đảm quyền lợi của viên chức không?

Hợp đồng lao động theo khái niệm trong Bộ luật Lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, chứ không phải là hưởng lương theo ngân sách. Như vậy, khi hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước trả lương và mọi chế độ thực hiện theo quy định của Nhà nước thì hợp đồng lao động hoàn toàn là hình thức, vì đặc trưng cơ bản nhất của hợp đồng là sự thỏa thuận nhưng thực tế giữa người sử dụng lao động và người lao động đã không thỏa thuận được gì khác ngoài các chế độ đã quy định của Nhà nước, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp không tự chủ.
Đối với quy định về việc viên chức sự nghiệp công lập, nhất là đối với viên chức ở những đơn vị sự nghiệp không tự chủ, phải làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Khi hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập không tự chủ nhận và trả lương, bảo đảm mọi chế độ chính sách cho người lao động thì hợp đồng làm việc chẳng còn ý nghĩa nữa. Theo tôi, quy định này nửa vời ở hai điểm: điểm thứ nhất, đã hợp đồng thì người sử dụng lao động phải có toàn quyền quyết định và thỏa thuận với người lao động; điểm thứ hai là một số quy định ở trong luật từ việc tuyển dụng cho đến các điều động biệt phái, nâng lương, xét tuyển chức danh... đều theo quy định của Nhà nước, đều do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Như vậy, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không tự chủ cũng không thực hiện theo ý chí của họ.
Theo dự thảo Luật, nếu thực hiện chế độ hợp đồng làm việc thì mọi viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các viện nghiên cứu... đều phải ký hợp đồng lao động và ký lại hợp đồng làm việc cũng như phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tất nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, những viên chức đã ký hợp đồng trước năm 2003 thì không ký lại. Nhưng, như vậy sẽ tạo sự không thống nhất, không đồng bộ trong đội ngũ viên chức, gây ảnh hưởng tới tâm tư và nguyện vọng của viên chức.
Về hợp đồng làm việc, trong thực tiễn pháp luật Việt Nam, để tránh những rủi ro khi chấm dứt các quan hệ lao động thì pháp luật quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Theo dự thảo Luật, đối với viên chức, khi muốn xác lập quan hệ lao động thì vừa phải được tuyển dụng vừa phải ký hợp đồng lao động và phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập ký. Nhưng, khi chấm dứt quan hệ lao động thì trình tự, thủ tục rất đơn giản, chỉ do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định. Liệu chế định, quy định này có bảo đảm được quyền lợi cho viên chức hay không?