Không chỉ nối đôi bờ

PV tổng hợp 24/10/2010 00:00

Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hai bên bờ sông, mỗi cây cầu còn mang trong mình những giá trị về khoa học kỹ thuật, lịch sử và kiến trúc, trở thành biểu tượng của địa phương, của đất nước.

04-Khong-chi-29710-300A1.jpg

Cầu dây văng một mặt phẳng dây

Cầu Bãi Cháy nằm trên QL18, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Với kết cấu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng dây đầu tiên được xây dựng tại nước ta, cầu Bãi Cháy đánh dấu kỹ thuật xây dựng mới của Việt Nam, đồng thời đem lại nét kiến trúc mới, tô điểm cho vẻ đẹp của vịnh Hạ Long.

Đây là loại cầu dây văng một mặt phẳng dây, dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực có khẩu độ nhịp đạt kỷ lục thế giới. Hai tháp cầu được đặt trên hệ móng giếng chìm hơi ép kích thước cực lớn, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với công nghệ thi công hiện đại, tiên tiến. Cầu được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng, tại trụ cầu chính trên độ cao 50m, dầm cầu được vươn ra biển và kết thúc khi nối liền hai cánh hẫng. Công nghệ xây dựng này bảo đảm cho các tàu thuyền vẫn có thể hoạt động được bình thường trong suốt quá trình thi công. Công trình hoàn thành và thông xe ngày 2.12.2006, nối thông toàn bộ QL18 - trục giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

04-Khong-chi-29710-300A2.jpg

Cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam

Cầu Mỹ Thuận với tổng chiều dài 1.535m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, phần cầu chính chia thành 3 nhịp, mặt cầu rộng 24m. Được chính thức khởi công ngày 6.7.1997 và hoàn thành 21.5.2000, cầu do các công ty Baulderstone Hornibrook của Australia và Cienco 6 của Việt Nam thiết kế và thi công, với chi phí 90,86 triệu đôla Australia, trong đó chương trình AusAid của chính phủ Australia góp 66% và chính phủ Việt Nam là 34%. Không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận còn mang trong mình nét tuyệt vời về thẩm mỹ, thu hút khách du lịch ở mọi miền. Cầu là một kết nối quan trọng của QL1A, nối đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh.

Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, mở đầu cho công nghệ xây dựng cầu dây văng bắc qua eo biển hay các con sông lớn ở nước ta. Cầu thuộc loại cáp kéo có chiều dài khoảng 1.535m và tầm gió 37.5m. Vày chính của cầu dài 350m, được neo vào hai trụ tháp bê tông cao khoảng 12m bởi 128 dây cáp. Sàn cầu rộng khoảng 23m, đủ cho 4 làn xe và 2 lề đường ở hai bên cho người đi bộ.

Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại Đông Nam Á

Nếu tính từ thời điểm bắt đầu triển khai nghiên cứu dự án (năm 1996), phải mất 14 năm cầu Cần Thơ mới chính thức nối liền 2 bờ Vĩnh Long - Cần Thơ trên sông Hậu, thỏa mong ước của triệu cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Tại thời điểm hoàn thành (24.4.2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á (550m). 216 sợi dây văng, trên cao nhìn xuống như mái tóc dài của cô gái đang tuổi xuân thì xõa xuống dòng sông Hậu. Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm khởi đầu tại Km2061 trên QL1 thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long, đi tránh QL1 và TP Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2km, nối trở lại QL1 tại Km2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ có một số đặc điểm riêng, như: trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 164,80m và tính từ mặt cầu là 134,70m. Trụ hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ. Trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông, đẹp và thanh thoát. 

04-Khong-chi-29710-300A3.jpg

Cầu quay sông Hàn

Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn - biểu tượng cho sức sống mới, khát vọng đi lên của thành phố. Công trình cầu dây văng này có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, thi công trong 2 năm liên tục ngày đêm. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Khánh thành năm 2000, cây cầu là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng vì chính nhân dân thành phố đã đóng góp phần lớn tiền xây dựng cầu. Cây cầu đã trở thành một trong những điểm thu thu hút khách du lịch tại Đà Nẵng. Hàng ngày, vào khoảng 0h30 khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục, và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua, khoảng 3h30 cầu sẽ quay trở lại như cũ.

Cây cầu “già” nhất miền Bắc

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899 -1902) và đặt tên là cầu Doumer. Cầu do Gustave Eiffel - người thiết kế xây tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris - thiết kế theo kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orléans, Pháp. Chiều dài toàn cầu 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác. Giá thành xây dựng ban đầu của cầu là 6.200.000 franc Pháp.

Hơn thế kỷ vẫn trung thành nối nhịp sống đôi bờ, cầu Long Biên là biểu tượng và niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

PV tổng hợp