Cất lên từ tâm khảm

ĐĂNG BẢY 12/10/2010 00:00

50 bài thơ được xếp trong một tập sách khổ to như muốn bày tỏ thái độ trang trọng của tác giả trước quan tòa độc giả, Khuất Bình Nguyên bộc lộ một niềm say mê bền bỉ, một sự chuẩn bị nền nếp cho hành trình vào thi ca của mình.

Tập thơ mới này đã có được trên dưới chục bài đĩnh đạc từ cấu tứ, cảm xúc đến chữ nghĩa: Quan họ làng Diềm, Phố Phái ngày xuân muộn, Ngọn gió di dân, Chữ viết trên tường nhà Quốc hội, Ghi chép ở quán bia Groninger, Lá rụng trong vườn của Goethe, Bài hát về những cái chân nến, Lời ru mùa thu, Thị xã Sơn Tây, Đối thoại với linh hồn…

Trong Nơi thời gian trở về, ta gặp một hồn thơ chân chất. Khi đứng trước một cổng làng mới được phục dựng, thấy vắng cành đa thuở thiếu thời, nỗi bần thần của người con như được truyền sang cả những sinh thể khác:

Đợi mẹ nơi này, bao phiên chợ

Mẹ vẫn chưa về, lá chẳng rơi (Nơi thời gian trở về)

Khi tâm sự với các liệt sĩ một cách âm thầm, cảnh cũng nói lên tình của tác giả:

Anh vẫn đứng bên ngoài cánh cửa

Mỗi ngôi nhà che gió bấc dầm sương.

Gió vẫn thổi ngắt đêm ra từng đoạn

Mai bình minh rạng rỡ những con đường (Đối thoại với linh hồn). Trong bối cảnh cụ thể này, hình tượng gió được sử dụng rất đắt, có sức biểu cảm mạnh.

Và khi chiêm ngưỡng khu di tích tháp Chàm, nơi “Người xưa tạc đá cho nòi giống”, tác giả rút ra được một nhận xét “Nơi thờ phượng tràn trề hạnh phúc” - thật thành kính và cũng thật biện chứng.

Giữa lớp lớp những người làm thơ ở ta, Khuất Bình Nguyên đã trăn trở tìm tòi đến đâu để viết được những bài, những câu riêng có? Thăng Long – Hà Nội xưa nay đã được nhiều thế hệ thi nhân ghi tạc, nhưng đây là dấu ấn riêng với thi cảm của Khuất Bình Nguyên:

Xao xác lá thu mong manh Hà Nội

Mới nửa xanh nửa vàng đã xao xuyến cả đầu Ô (Bài ca về một giấc mơ Hà Nội)

Nhưng thi nhân xúc động hơn cả là khi tiếp xúc với con người của đất ngàn năm văn hiến:

Cái đẹp nghìn năm trong ánh mắt

Xô nghiêng trời biếc ngả vai người (Hoa đào Thăng Long). Nói không ngoa – đây là một câu thơ có thể khiến người đọc cùng si mê trước tài sắc của Phái Đẹp Hà thành.

Lục bát là thể thơ được người Việt lưu truyền tự cổ chí kim, nay được Khuất Bình Nguyên góp vào những câu thơ đáng yêu:

Làng Diềm ở giữa câu ca

Để tôi đi mãi chưa ra cổng đình (Quan họ làng Diềm)

Hoàng hôn nhẹ tựa lá rơi

Buông vai buông cả góc trời đợi mưa (Một mình chiều hôm). Những câu thơ trên có thể đạt ở mức bảo tồn di sản thơ dân tộc, nhưng đến câu thơ dưới đây, bút lực Khuất Bình Nguyên đã phát huy được giá trị của thơ lục bát, bằng những con chữ chắt lọc và những hình tượng giàu nội hàm:

 Em tôi vá chiếc heo may

Cúc vàng khuy áo chật ngày chờ mong (Lời ru mùa thu). Mượn tiết thu (heo may và nụ của bông hoa cúc) để nói về sức sống thanh tân của tuổi Xuân, câu thơ vừa đượm chất cổ phong, vừa tươi mới như nhựa sống.

***

Thời gian như trang giấy trắng xức hương trầm (Chiều hôm ở chùa Bái Đính) – câu thơ này cuốn hút tôi một lần nữa đọc lại cả tập thơ. Đúng như nhan đề - với vai trò gợi mở chủ đề của tập thơ - thời gian trở thành nhân vật trữ tình đồng hành, là ngọn nguồn cảm thức của Khuất Bình Nguyên. Anh nặng lòng với mùa thu, nặng lòng với những số phận và sự nghiệp của tiền nhân trong văn chương và lịch sử. Trong chùm thơ như Phố Phái ngày xuân muộn, Gửi Chế Lan Viên, Hỏi chuyện Lý Bạch, Kính gửi bác Tản Đà, Bèo chín cánh… nổi lên bài Về Nhị Khê, nhớ Nguyễn Trãi, vừa có độ lạnh trong cách nhìn nhận quá khứ, vừa có độ ấm của tấm lòng kẻ hậu thế:

Năm trăm năm qua ông vẫn trở về nhà

Đội nón lá, vác cuốc đi làm trên cánh đồng mùa xuân

Hoa xoan nhỏ như những hạt mưa tím rắc đầy trong ngõ

Chẳng còn sợi cỏ bồng nào vướng chân du khách như chuyện của người xưa. Câu kết này được diễn giải như thơ văn xuôi, nhưng đậm đà thi vị Á Đông. Giá như trước đó, trong câu Những bài thơ không thể bị tru di như tên tuổi của thi hào rất đáng nhớ, tác giả kỹ hơn trong việc chọn lựa một từ khác thay thế tên tuổi, hẳn sẽ được một châm ngôn lý thú (vì những bài thơ và tên tuổi đều thuộc dạng phi vật thể, mà thi hào Nguyễn Du đã mở đường mách lối bằng một câu thơ trác tuyệt rồi: Thác là thể phách, còn là tinh anh)…

Thường tự ví là lữ khách và thích đưa vào thơ mình từ “lang thang” (“Tôi đi lang thang trên mặt đất”, “Lang thang đi tìm lời giải cho số phận con người”…) nên Khuất Bình Nguyên dành cho không gian, cùng với thời gian, sự hiện diện một cách ấn tượng - ấy là chùm thơ thu hoạch sau những lần dừng chân ở nước ngoài. Nói chung, loại thơ “du ký” lâu nay không giành được cảm tình của người đọc, vì thường bị nhiều tác giả lạm dụng tiếng Tây khó đọc, chỉ nhằm khoe mình vừa được “cưỡi ngựa xem hoa” ở hải ngoại mà không mang chở được gì đáng kể. Nhưng trong Nơi thời gian trở về, dòng thơ này có thể xác lập được sự cần thiết của nó bởi độ tin cậy của thi liệu và cảm nhận của tác giả. Đến nước Đức thống nhất, Khuất Bình Nguyên xúc động trước một công trình được xây mới nhưng vẫn giữ lại dấu tích của những người đi đến cao điểm cuối cùng của Thế chiến thứ hai:

Họ tới được bức tường cuối cùng nơi chiến tranh cố thủ

Đâu định trước ghi tên mình bằng nét than đen

Những cục than nóng bỏng lửa chiến tranh

Vừa mới tắt dưới tường thành đổ nát (Chữ viết trên tường nhà Quốc hội)

Nhà thơ chân thành chia sẻ vui - buồn với người sở tại, nhưng cũng không quên rút ra cho mình và cho người đọc những cảm nhận về hay - dở, được - mất trong thời cuộc hiện nay:

Thời gian sợ quên lối đi

Thỉnh thoảng lại đánh dấu trên viền chân trời

Những nóc nhà thờ và pháo đài cổ kính (Erfurt – thành phố trong mơ)

Dưới rặng cây bồ đề thời gian không đứng đợi

Sót lại đoạn tường ngăn cách Đông, Tây

Ai đập vào nỗi buồn xưa lấy bụi

Cánh cửa thời gian thật mỏng khép lại rồi (Dưới rặng cây bồ đề). Thời gian – cũng là nỗi lòng tác giả - như nghẹn lại bởi bị sặc bụi của một vụ đập phá quá khứ vừa diễn ra ngay trước mắt mình. Hơi thơ chứa đầy nỗi trắc ẩn, nỗi cảm thông, xuất phát từ một nhãn quan hòa đồng nhân loại. Nhận định này còn được củng cố nhờ một bài thơ nữa, khi tác giả đến một tụ điểm thư giãn dưới một hầm bia:

Cả thế giới đến uống bia ở quán cổ xưa này

chẳng chia Đông Tây,

Chẳng khác màu da,

Chỉ một màu vàng ánh nến.

Không gian hòa đồng trong hầm bia sáng nến (Ghi chép ở quán bia Groninger)

Và khi ngẫm ngợi về nhân loại, Khuất Bình Nguyên lưu tâm đến một thực trạng xã hội - ấy là những cuộc di dân, là thân phận những con người tha hương, ngụ cư xa xứ, thiếu Tổ quốc, thiếu quê hương, thiếu đồng bào. Ngọn gió di dân là một bài thơ cấu trúc vững chãi, được kết nối bền chặt bằng một hình tượng thi ca độc đáo – gió, và cảm xúc được đẩy đến cao trào:  

Những ngọn gió của người di dân

Từ biển đi vào mặt đất…

Đánh thức đất dậy bằng mùa cây trồng

Đánh thức cò dậy bằng những đàn bò đàn trâu

Đánh thức cửa biển bằng những con đường, bến cảng…

… Gió như ký ức của thời gian

Gọi những người chân lấm tay bùn đi mở đất

Đánh thức những người tha phương

Tôi chạy ra đường

Phố vắng chỉ thấy lặng thinh đêm…

Những ngọn gió lại sột soạt đi về phía biển

Cồn cào nỗi nhớ cố hương

Đưa tôi về nhà qua những đại dương xanh thẫm. (Ngọn gió di dân). Trong bài thơ ngắn này có hai ngọn gió, một, ở đầu bài – từ biển đi vào mặt đất, là những người vì hoàn cảnh nào đó phải dấn thân di cư; và một nữa, ở cuối bài - sột soạt cồn cào, là tiếng gọi cố hương trong lòng tác giả. Thơ có mở có khép, tình có trước có sau.

***

Sự đúc kết, khái quát nào về loài người nói chung cũng cần được chuẩn bị bằng những chiêm nghiệm qua nhiều số phận con người cụ thể. Tác giả Nơi thời gian trở về chứng tỏ mình đã có được sự chuẩn bị đó. Hơn nữa, ở một số bài thơ, anh còn đơn cử được những phần bị khuất lấp nơi nhân thế và, một cách kín đáo, biểu thị lẽ sống của mình. Ngắm những vì sao ở Nam bán cầu mà anh liên tưởng đến sự xếp đặt của số phận:

Có ngôi sao suốt đời không thắp sáng được mình

Trong bóng tối

Bay dưới ánh mặt trời rực rỡ chẳng ai hay.

… Trên khoảng không bao la

Có nhiều vì sao không nhìn thấy được

Nhiều như cỏ ở trên trái đất

Một dải ngân hà tinh tú không tên (Chuyện kể các vì sao ở Kennett)

Và, nghĩ về cái chân nến - “Một vật tầm thường đội lửa sáng trời đêm” nhưng đương nhiên chẳng thể có được một vị thế khác - anh không đi vào khía cạnh ngậm ngùi, mà chọn cho nó hình thức bài hát:

Có người tự nguyện làm chân nến

Nhận lệ nồng rơi để sáng đêm (Bài hát về những cái chân nến)

Đây rõ ràng là cách nhìn đời, cách sống của một người không quen tính toán thiệt – hơn!

***

Đọc tập thơ (đã là thứ hai, sau Người lữ hành thời gian của Khuất Bình Nguyên được ấn hành trong hai năm gần đây), tôi thích thú nhận ra một điều: con người ta, dẫu cuộc sống có đưa đẩy đến đâu, dẫu cuộc đời thành - bại đến mức nào, thì như một lẽ tự nhiên, rồi cũng có lúc trở về với niềm say mê ban đầu, mà sáng tác văn chương là một ví dụ khá tiêu biểu. Bây giờ, không thiếu những người hoạt động trong những lĩnh vực khác (khoa học kỹ thuật, quản lý kinh doanh, có cả nhà chức trách hưu trí hoặc đương chức) đang lần lượt đưa sáng tác văn chương của mình ra trình làng, nhưng Khuất Bình Nguyên là một duyên phận khác. Manh nha từ tuổi hoa niên nơi xứ Đoài, nơi Những vòng sợi tơ tằm/ Vàng óng một thời bờ sông cổ tích (Thị xã Sơn Tây), ấp ủ từ thời Văn khoa Tổng hợp nơi chiến khu Việt Bắc, và chín dần, chín dần qua những chặng đường đời, thơ Khuất Bình Nguyên trưởng thành rõ rệt. Mối lương duyên giữa Thơ với Khuất Bình Nguyên đến nay đã đủ minh chứng về niềm chung thủy. Người đã buộc vào mình quan niệm Thơ là tiếng chim hót rõ ra tâm khảm của một thời lịch sử, thì chẳng thể cho ra đời những bài thơ dễ dãi. Vì thế, tôi tin thơ Khuất Bình Nguyên sẽ có duyên có phận với đông đảo bạn đọc ngày nay. 

_______________

Nơi thời gian trở về, tập thơ của Khuất Bình Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2010.

ĐĂNG BẢY