Lịch sử nghìn năm từ lòng đất

Lê Thủy 03/10/2010 00:00

Lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chứng kiến những di vật về Hoàng thành Thăng Long khai quật tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội trong triển lãm Hoàng thành Thăng Long, lịch sử nghìn năm từ lòng đất, khai mạc sáng 2.10.

Lịch sử nghìn năm từ lòng đất ảnh 1

Lịch sử nghìn năm từ lòng đất

Phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã mở cửa nhiều điểm thăm quan, như: Cột cờ - di tích của thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng năm 1804; Đoan Môn - cửa chính của Cấm thành thời Lê sơ (thế kỷ XV); nền điện Kính Thiên - chính điện thiết triều của nhà Lê sơ được xây dựng trên cơ sở điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An – thời Lý - Trần; Bắc Môn - cửa Bắc thành Hà Nội thời Nguyễn (thế kỷ XIX); nhà D67 và hầm D67 - nơi làm việc của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam...

      Tham gia trưng bày với bộ sưu tập gốm Bát Tràng cổ, nhà sưu tập cổ vật Hoàng Phú Hiến chia sẻ: “Là một công dân Hà Nội, tôi rất vinh dự được góp mặt, trưng bày cổ vật tại Hoàng thành Thăng Long. Đối với tôi, những cổ vật của Hoàng Thành trước hết là những cổ vật có giá trị tinh thần hết sức linh thiêng, về mặt mỹ quan đó là những tạo tác tuyệt mỹ và về mặt văn hóa đó là những đỉnh cao”.

3 nhà trưng bày tại Trung tâm Hoàng thành cũng được khai trương với nhiều hiện vật, hình ảnh giá trị. Đáng chú ý là trưng bày Hoàng thành Thăng Long, lịch sử nghìn năm từ lòng đất. Là cố vấn khoa học cho trưng bày, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Gs Phan Huy Lê cho biết: “Trưng bày giới thiệu hơn 150 hiện vật tiêu biểu, trải qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn... Đây là các hiện vật được lấy từ khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, mang tính chất đơn độc, riêng lẻ, nhưng chọn lọc. Bên cạnh đó, trưng bày được thực hiện với sự hỗ trợ tư vấn về Bảo tàng học của Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp nên rất chuẩn, qua các di vật cổ, người xem thấy được sự biến đổi về phong cách từ thời Lý sang Trần, Lê, đặc trưng văn hóa dân tộc trên các di vật này...”

Tại Điện Kính Thiên, nhà N31, N32 diễn ra trưng bày bổ sung theo chuyên đề, với hơn 700 di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, gồm một số vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, vật dụng sinh hoạt từ thời Đại La cho đến thời Lý, Trần, Lê. Trưng bày giải thích rõ tính chất cung điện của Thăng Long xưa, và cuộc sống, nghệ thuật ẩm thực cung đình qua các dấu tích và di vật. Ngoài ra còn các tư liệu về thành Hà Nội của Viện Viễn Đông Bác Cổ và hiện vật cách mạng tại khu nhà D67...

Trong dịp này, công chúng cũng được thăm khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Quang cảnh chung khu khai quật khảo cổ với dấu tích các tầng văn hóa, nền móng kiến trúc cung điện, giếng nước, hồ cổ, sông cổ, di vật cổ với 10 điểm nhấn các vị trí quan trọng dễ thấy và dễ hiểu, sẽ giúp du khách cảm nhận được phần nào sự đa dạng, phong phú, nối tiếp liên tục của các lớp văn hóa và di tích hơn 1000 năm đang được bảo vệ nguyên trạng.

Sẽ đánh giá tác động sau một tháng đón khách

Đáp ứng mong mỏi của người dân Thủ đô và du khách, sau 6 - 7 năm đóng cửa để nghiên cứu, khai quật khảo cổ, đây là lần đầu tiên Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đón khách tham quan. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm dự án Hoàng thành Thăng Long Tống Trung Tín cho biết: việc đón khách sẽ có những ảnh hưởng nhất định, bởi hiện nay chúng ta vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tìm biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Do vậy, trong quá trình mở cửa đón khách tham quan, các nhà khảo cổ học vẫn tiếp tục làm công việc bảo tồn, đồng thời, các chuyên gia Bỉ đã đặt máy dưới lòng đất để theo dõi những tác động địa chất. Trong khoảng 1 tháng mở cửa di tích, các chuyên gia sẽ theo dõi hàng ngày, sau đó có những sơ kết, đánh giá tác động của việc đón khách thăm quan để quyết định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ngay trong sáng 2.10, rất đông khách thăm quan đã đến để được tận mắt chiêm ngắm những báu vật trong cuộc khảo cổ Hoàng thành Thăng Long. Trong dịp Đại lễ, dự tính lượng khách ngày một tăng. UNESCO khuyến cáo nên quan tâm đặc biệt tới việc mở cửa đón khách thăm quan Di sản Thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bởi nếu không quản lý tốt sẽ không bảo đảm yêu cầu bảo tồn di sản. Ban tổ chức cho biết sẽ phân luồng từ xa để tránh tình trạng quá đông người tập trung một chỗ, gây sụt lún, nhằm bảo vệ di tích và cả du khách.

Lê Thủy