Việt sử giai thoai: Chuyện bắt chước Đào Sư Tích

Nguyễn Khắc Thuần 24/09/2010 00:00

Chuyện Đào Sư Tích đi thi đã kể trước đây, nghe cứ ngỡ như đùa, thế mà về sau cũng có kẻ cố tình bắt chước, chỉ tiếc là kết quả thì ngược lại hoàn toàn. Sách Công dư tiệp ký (quyển 3) của Vũ Phương Đề chép rằng:

“Trước đây ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn(1) có viên Cống Sĩ nọ soạn bài phú, đề là Trấn quốc gia phủ bá tính (trấn giữ nước nhà, vỗ về trăm họ), trong đó có câu rằng:
Kham ta ân thiểu Cao Hoàng
Nhẫn phụ công cao Tướng Quốc

Nghĩa là:

Buồn thay, ân đức ít ỏi của Cao Hoàng
Nỡ phụ công cao của Tướng Quốc

Câu này được người đời truyền tụng, viên Cống Sĩ tự ví mình với thánh, cho là bậc thánh non. Thế rồi đến khoa thi Hội, viên Cống Sĩ ấy đi thi, đường đi phải qua một bến đò. Người lái đò đêm trước nằm mơ, thấy có thần nhân đến bảo rằng:

- Sáng sớm mai sẽ có ông Tiến Sỹ qua sông, vậy, ngươi phải chỉnh đốn thuyền chèo để chực sẵn mà đưa.

Quả nhiên, sáng sớm hôm sau thì viên Cống Sĩ ấy đi đến bến. Người lại đò thuật lại giấc mộng hôm qua của mình rồi nói:

- Thế thì khoa này tất nhiên ông phải đỗ Tiễn Sỹ rồi.

Chẳng dè, viên Cống Sĩ đùng đùng nổi giận, chửi bới cả cha ông của người lái đò, nói:

- Nếu chỉ đỗ Tiến Sỹ thì ta đây không thèm.

Thực lòng, viên Cống Sĩ muốn bắt chước chuyện đi thi của Trạng Nguyên Đào Sư Tích, nhưng vì người lái đò này lại chất phác quá, chẳng biết đối đáp ra làm sao, nghe vậy thì chỉ im lặng.

Viên Cống Sĩ ấy vừa qua khỏi sông thì lại có viên Cống Sĩ khác đến. Ngưới lái đò chột dạ, liền hỏi ngay rằng:

- Liệu ông có giống ông Cống Sĩ ban nãy hay không? Tôi mới bị ông ta mắng cho một trận thậm tệ đó.

Sau khi than thở một hồi, người lái đò liền kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho vị Cống Sĩ mới đến nghe. Ông Cống Sĩ mới đến nói rằng:

- Thôi, ông ấy chẳng thèm đỗ Tiến Sỹ thì để ta vậy. Ông cứ chở tôi sang sông đi.

Người lái đò nghe thế thì vâng dạ rối rít rồi chèo đò đi. Và khoa thi Hội ấy, quả là ông Cống Sĩ đến sau lại đỗ Tiến Sỹ, còn ông thánh non đến trước thì lại hỏng, mà về sau cũng cứ hỏng mãi. Vậy, câu độc mồm độc miệng chẳng phải là đúng đó sao”.

Lời bàn: Đôi khi trong chỗ không ngờ, lời nói bâng quơ bỗng hóa thành lời thật, chuyện ấy cổ kim chẳng thiếu gì. Song le, trong vạn lời bâng quơ, may ra mới có một lời hóa thật thôi. Nếu ta lỡ quên một điều gì đó thì có thể nói là lỡ quên, còn như quên điều này thì kể như là không nhớ gì cả. Kẻ không nhớ gì cả như ông thánh non kể trên, đi thi mà đỗ mới lạ chớ hỏng mà hỏng đi hỏng lại, hỏng mãi hỏng hoài, thì có gì là lạ đâu. Suốt một đời, cho dẫu chẳng có cơ may đến trường để học, ai cũng có thể nói được ít nhất là một lời hay. Suốt một đời dùi mài kinh sử, dẫu là chẳng bao giờ được vinh hạnh đỗ đạt, ai cũng đều có thể viết được ít nhất là một vài câu hay. Thế thì, viên Cống Sĩ đất Đông Ngàn, viết được một câu hay cũng chẳng có gì đáng bàn. Người đời truyền tụng hai câu trong bài phú của ông, chẳng qua vì người đời lúc ấy phần đông là ít được học, chớ xem ra, hai câu ấy chỉ chứa đựng chút tâm trạng và khẩu khí, ngoài ra, nào phải là óng ả văn chương gì.

Bắt chước người khi chẳng biết mình là ai, đó chính là... lố bịch của lố bịch. Tự đắc với cái tiểu tiết mà không biết lo về cái tổng thể non kém, ấy là thảm họa của thảm họa.

_______________________

1. Nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh

Nguyễn Khắc Thuần