Tháng An toàn giao thông nói về văn hóa giao thông

Linh Phương 23/09/2010 00:00

An toàn giao thông ở nước ta đang trở thành vấn đề thời sự, gây bức xúc cho dư luận xã hội, các nhà quản lý, quy hoạch. Vấn đề ở đây không chỉ ở mạng lưới giao thông, phương tiện giao thông ngày một nhiều mà trước hết còn do văn hóa của người tham gia giao thông.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 6.941 vụ tai nạn, làm chết 5.662 người và bị thương 5.215 người. Riêng trong lĩnh vực giao thông đường sắt đã xảy ra 264 vụ làm chết 118 người và bị thương 157 người. Ước tính thiệt hại tài sản khoảng 59,5 tỷ đồng. Điều rõ nhất hiện nay ở nước ta, không chỉ ở tình trạng yếu kém của hạ tầng cơ sở và phương tiện giao thông, tỷ lệ tai nạn giao thông vào loại cao nhất thế giới mà chính là hành vi ứng xử trong văn hóa giao thông - cách ứng xử của những người tham gia giao thông. Ở góc độ nào đó, có thể nói văn hóa giao thông chính là thước đo của nền văn hóa, văn minh của xã hội đó.

Văn hoá giao thông là khái niệm động với biểu hiện đa dạng từ hiện tượng mạnh ai nấy đi, tranh nhau đi và hậu quả là tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp đến đi ngược chiều, đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, lạng lách, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, đi lên vỉa hè, chở quá số người quy định, hàng hóa cồng kềnh làm khuất tầm nhìn, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, đi bộ qua đường tùy tiện, không đội mũ bảo hiểm…Từ những biểu hiện đó, văn hóa giao thông có thể hiểu một cách hết sức ngắn gọn là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Thực tế văn hóa giao thông với an toàn giao thông là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Cấp bách bởi trật tự an toàn giao thông đã và đang trở thành vấn đề bức xúc xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản con người, cản trở không nhỏ đến tiến trình phát triển nhanh và bền vững của xã hội. Lâu dài là bởi để giải được bài toán lập lại trật tự an toàn giao thông đòi hỏi phải tiến hành hàng loạt các biện pháp đồng bộ, từ việc quy hoạch, phát triển đô thị, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đến việc xây dựng hệ thống pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức, lối hành xử có văn hóa của người tham gia giao thông...

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông GS Hoàng Chương cho rằng, phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ các gia đình, khu dân cư, trường học ngay từ trẻ mới chập chững, đồng thời rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội trong cuộc vận động lớn này. Bên cạnh đó, việc xây dựng ý thức văn hóa giao thông trong các doanh nghiệp có liên quan đến giao thông cũng hết sức cần thiết. Trong đó, doanh nghiệp vận tải hành khách phải đặt vấn đề tính mạng con người lên trên hết. Từ đó bảo đảm phương tiện chuyên chở đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, giáo dục người điều khiển phương tiện có ý thức văn hóa quý trọng con người, không vì lợi ích cục bộ mà khoán trắng, áp đặt năng suất cho lái xe để xay ra tình trạng như hiện nay, như xe chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu... xem nhẹ tính mạng của con người. Hoặc các doanh nghiệp làm cầu đường không bảo đảm kỹ thuật, kéo dài thời gian, vật liệu ngổn ngang, để trống hố ga... gây tai nạn. Cùng với việc xây dựng văn hoá giao thông tại gia đình, nhà trường và các doanh nghiệp, cần quan tâm xây dựng văn hóa giao thong ở nông thôn và miền núi để giúp người dân ở vùng sâu vùng xa hiểu được luật lệ giao thông và ứng xử có văn hóa trong khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cũng như thực hiện xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông. Đây là một bộ phận quan trọng và có vai trò quyết định trong việc xây dựng, phát triển văn hóa giao thông. Ngoài ra, một trong những biện pháp quan trọng xây dựng văn hóa giao thông là tăng cường xử phạt nghiêm minh những hành vi phạm luật. Phạt đúng, phạt nghiêm, đủ độ răn để không dám tái phạm. Đó là biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức nhanh nhất và có hiệu quả lớn.

Văn hóa giao thông không phải muốn có là được mà nó phải là kết quả của một quá trình tham gia tích cực của toàn xã hội kết hợp những biện pháp mạnh ban đầu trước hết là thiết lập trật tự sau mới có thể hình thành nét văn hóa. Văn hóa giao thông không chỉ bó hẹp trong vấn đề giao thông mà nó còn phản ánh đạo đức xã hội từ người tham gia giao thông đến người thực thi trật tự giao thông. Lập lại trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông là việc làm vừa cần thiết, vừa lâu dài phải kiên trì làm đến nơi đến chốn. Muốn xây dựng văn hóa giao thông tức là xây dựng sự ứng xử cộng đồng tham gia giao thông với một tinh thần tự giác và có trách nhiệm. Như vậy phải xây dựng những giải pháp đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng văn hóa trong đó có hệ thống pháp luật và ý thức tự giác của những người tham gia giao thông.

Linh Phương