Bảo tồn đồ chơi truyền thống

Lê Thủy 22/09/2010 00:00

Dù có truyền thống lâu đời, nhưng do không cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, ít quảng bá, đồ chơi truyền thống Thăng Long - Hà Nội đang bị lấn át trước thế giới đồ chơi hiện đại đa dạng. Nếu không sớm có chiến lược bảo tồn tổng thể, đồ chơi truyền thống sẽ bị mai một, dẫn đến nguy cơ đứt gãy văn hóa.

Thăng Long - Hà Nội và các vùng phụ cận từ lâu đã có nghề sản xuất đồ chơi, phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Từ các chất liệu có sẵn trong tự nhiên, thân thiện trong đời sống hàng ngày như: đất nung, bột gạo nhuộm màu, gỗ, mây, tre, giấy... qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đã biến thành các loại đồ chơi sinh động: đèn ông sao, tiến sỹ giấy, đèn kéo quân của thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai và Vân Canh, Hoài Đức; diều của thôn Bá Giang, Hồng Hà, Đan Phượng; tàu thủy sắt của Khương Đình, Thanh Xuân; rối Tế Tiêu, Mỹ Đức... Những đồ chơi ấy đã dần đi vào đời sống của trẻ em và người dân Hà Nội từ đời này qua đời khác và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành nét văn hóa độc đáo của mảnh đất kinh kỳ và là một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam. Bởi từ cái nôi này, đồ chơi truyền thống đã theo chân các nghệ nhân đến khắp mọi miền đất nước.

Mẫu mã đơn điệu, khó bảo quản

Nguy cơ đứt gãy văn hóa

Gs Ngô Đức Thịnh cho rằng: đồ chơi dân gian thể hiện bản sắc dân tộc. Do đó, đồ chơi không chỉ là câu chuyện chơi thuần túy, mà chính là trao truyền văn hóa, nhập thân văn hóa. Đồ chơi dân gian cũng kết tinh trí tuệ, lối tư duy rất rõ, do đó chơi cũng chính là học tư duy. Ngay từ khi đi nhà trẻ, trẻ em đã có thể học từ đồ chơi dân gian. Hiện nay, có nơi đưa trò chơi truyền thống vào trường học, có nơi không. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó dễ dẫn đến đứt gãy văn hóa.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đồ chơi truyền thống bị lấn át trước thế giới đồ chơi hiện đại mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, hợp với sự hiếu động của trẻ thơ. Một số nghệ nhân tâm huyết chấp nhận khó khăn, duy trì sản xuất, giữ nghề, nhưng vẫn không thể cứu nghề khỏi mai một. Khoảng chục người bán tò he của làng Xuân La rong ruổi từng nẻo đường, góc phố, nhưng không có chỗ ngồi ổn định, không có giấy phép hành nghề. Với làng nghề tàu thủy sắt ở Khương Đình, trước đây có hàng trăm nhà làm nghề, giờ chỉ còn 2 người theo nghiệp kiểu thỉnh thoảng làm cho đỡ nhớ...

Lý giải sự kém hấp dẫn của đồ chơi truyền thống, Ts Nguyễn Thị Tình – Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: “Có một thực tế là hầu như tất cả làng nghề đồ chơi truyền thống vẫn giữ nguyên tính truyền thống, không có hoặc rất ít cải tiến và đổi mới để làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và kỹ thuật hiện đại”. Ông Đan Tiếp Phúc (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cũng đồng tình: sự đơn điệu về mẫu mã sẽ triệt tiêu sức sống và sự tồn tại của đồ chơi truyền thống. Mẫu mã đơn điệu nên trẻ em không thích, các bậc cha mẹ không mua. Không bán được hàng, người sản xuất không tiếp tục làm sản phẩm. Vì thế, nghề không được duy trì, không còn nghệ nhân và đồ chơi truyền thống dần biến mất.

Mặt khác, một số đồ chơi truyền thống dễ hỏng, khó bảo quản và vận chuyển. Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La Nguyễn Văn Thành cho biết: bột tò he, nếu được nặn trong ngày nắng có thể giữ được 2 - 3 tháng, nhưng trong thời tiết ẩm thì sẽ không khô, bị nứt, mốc...

Bảo tồn theo cách nào?

Trẻ em lãng quên đồ chơi truyền thống còn bởi các em không biết các tích truyện gắn với nó. Và khi không thấy được cái hay, cái đẹp cũng như ý nghĩa của mỗi loại đồ chơi nên nhiều bậc cha mẹ không chọn mua cho con em mình. Vì thế, bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, nguyên vật liệu, một trong những biện pháp được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và vai trò của đồ chơi truyền thống, song song với việc nghiên cứu, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa giáo dục cũng như phổ biến cách chơi đồ chơi truyền thống cho trẻ em.

Đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào các dịp tết Trung thu vẫn thấy trẻ em rất hào hứng, say mê khi được tham gia các trò chơi dân gian, làm đồ chơi truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Thiết nghĩ, thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tổ chức hoạt động trình diễn của nghệ nhân và các nhóm hướng dẫn làm đồ chơi tại các lễ hội, sự kiện, chương trình thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia; chú trọng quảng bá, trưng bày, triển lãm đồ chơi truyền thống... Để đưa đồ chơi truyền thống đến cộng đồng cũng có thể tổ chức cho thiếu nhi tham quan làng nghề, tổ chức dạy làm đồ chơi truyền thống tại trường học... Nhà nước và các cấp chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống để các nghệ nhân yên tâm giữ nghề và truyền nghề....

Đồ chơi truyền thống Thăng Long – Hà Nội nói riêng và đồ chơi truyền thống Việt Nam nói chung đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn và thu hút trẻ em, đòi hỏi phải có chiến lược tổng thể. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em Nguyễn Thị Hường đề xuất: cần sớm xây dựng và thực hiện một chương trình nghiên cứu bảo tồn đồ chơi truyền thống, làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống Hà Nội, trong đó tập trung vào các nội dung: bảo tồn và xây dựng du lịch tại một số làng nghề; có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân; đầu tư nghiên cứu để tạo dựng lại đồ chơi truyền thống với đầy đủ tên gọi, cách chơi, ý nghĩa, ứng dụng... Điều này sẽ góp phần khơi nguồn sáng tạo, phát triển trí tuệ và tài năng khéo léo trong mỗi em nhỏ.

Lê Thủy