Nghịch lý
Có một nghịch lý đã và đang diễn ra, những bộ phim đoạt giải tại các Liên hoan Phim quốc tế lại luôn bị khán giả hờ hững. Trong khi phim mang tính thương mại lại thu hút được khán giả... Đây là vấn đề khó đối với những nhà làm phim...
Khó hút khán giả
Có một thực tế là một bộ phim đoạt giải nhiều lúc chỉ những người trong nghề biết còn khán giả lại hờ hững. Gần đây nhất bộ phim truyện nhựa đầu tiên “Chơi vơi” được tuyển chọn tham gia LHP Venice - một trong 3 LHP danh giá nhất thế giới. Bộ phim này cũng đã giành được giải của Hiệp hội phê bình phim quốc tế (FIPRESCI Prize) tại Venice. Thế nhưng “Chơi vơi” lại chẳng hề dễ dàng tìm được khán giả. Ngoài “Chơi vơi “còn có “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng vinh dự tham gia các LHP Dubai, Namur, Băngkok, Roma... Và tất nhiên cũng đồng cảnh ngộ như “Chơi vơi”.
Cụ thể như phim “Chơi vơi” đã được đưa công chiếu ở 2 rạp lớn là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và MegaStar. Nhưng nhìn vào thời lượng và khung giờ công chiếu thì có thể thấy do không thu hút được nhiều khán giả nên phải bố trí như vậy. Hay như “Trăng nơi đáy giếng” khi ra rạp tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm trước. Nhà sản xuất đã khấp khởi mừng thầm khi bán được lượng vé khá lớn. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau một thời gian ngắn, do lượng khán giả giảm dần nên các suất chiếu được rút từ 4 - 5 xuống 2 - 3 suất/ngày. Và tất cả trở lại vị trí cũ, các rạp vẫn chiếu nhưng vào khung giờ hiếm khán giả. Tại các rạp ở Hà Nội, tình cảnh cũng không mấy cải thiện. Chỉ duy nhất Trung tâm chiếu phim quốc gia nhận chiếu “Trăng nơi đáy giếng” nhưng chỉ sau 3 ngày “thử nghiệm”, bộ phim này chỉ còn giữ được duy nhất một suất chiếu trong ngày vào lúc 20h45. Và dẫu được ưu ái vì là phim Việt nhưng mỗi suất chiếu cũng chỉ có vài chục khản giả xem. Thông thường, các phim thường đứng rạp khoảng 2 tuần nhưng với những phim mà mỗi suất chiếu chỉ có vài người đến xem thì có ưu ái, tạo điều kiện cho chủ phim đến mấy, cũng không chủ rạp nào dám hy sinh cả một phòng chiếu cho một bộ phim không có khách.
Không phù hợp số đông
Nhiều người cho rằng, có thể những bộ phim này chưa làm tốt khâu tiếp thị, song thực tế sau khi tham gia ở các liên hoan phim quốc tế lớn, nó đã được công chúng biết đến nhiều và có phim được quảng bá khá rầm rộ cũng vẫn ế khách như thường. Như phim “Chơi vơi”, mặc dù nhận được sự hỗ trợ đầu ra từ một nhà phát hành chuyên nghiệp là một ví dụ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngay từ đầu đã xác định “Chơi vơi” không phù hợp với số đông.
Thực tế đối tượng ra rạp hiện nay chủ yếu là sinh viên, thanh niên. Họ thường thích những bộ phim dạng như bom tấn của nước ngoài. Những phim mang tính giải trí hoặc hành động. Cho nên dù phim đoạt giải lớn, mang tầm vóc về nội dung và nghệ thuật nhưng khó xem thì vẫn không phải là sự lựa chọn của họ. “Sự thực đã có người nói với tôi rằng giải thưởng của Hiệp hội phê bình quốc tế tốt cho bộ phim nhưng chỉ nằm trong giới nhà nghề mà thôi. Nó sẽ rất tốt cho đạo diễn khi thực hiện các bộ phim tiếp theo. Nhưng với khía cạnh thương mại thì phải dè chừng bởi khán giả sẽ không đi xem một bộ phim đoạt giải của giới phê bình. Đơn giản vì nó khó xem”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.
Vậy thì những lợi ích của việc sản xuất phim này là gì? Thực tế, nếu bỏ qua tính nghệ thuật chuẩn mực thì có lẽ nó chỉ mang đến danh tiếng cho đạo diễn, giúp họ thuận lợi hơn khi thực hiện các bộ phim tiếp theo. Còn với khán giả, những bộ phim càng đoạt giải thưởng cao ở các LHP quốc tế, lại càng khó lấy được cảm tình. Chẳng ai dại gì bỏ tiền mua vé vào rạp để xem một bộ phim mà mình phải căng đầu ra để thẩm thấu.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, các bộ phim nghệ thuật trên thế giới cũng không dễ “đấu” lại với các bộ phim thương mại về quy mô công chiếu cũng như doanh thu từ phòng vé. Dòng phim nghệ thuật mang tính chuyên biệt này đã có riêng một LHP. LHP Sundance thành lập năm 1978 và được tổ chức hàng năm tại Mỹ, là nơi giới thiệu những bộ phim mới của các nhà làm phim độc lập quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng.
Rất nhiều đạo diễn nổi tiếng sau này như Kevin Smith, Robert Rodriguez, Quentin Tarantino, Paul Thomas Anderson, Steven Soderbergh, James Wan, Edward Burns, Jim Jarmusch đều bắt đầu gây chú ý tại LHP này. Và “biết phận” nên những bộ phim nghệ thuật thường được chiếu khu biệt ở những rạp chiếu phim chỉ dành cho dòng phim này, cho đối tượng khán giả riêng. Như vậy, thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà dòng phim nghệ thuật nói chung vẫn phải đối đầu với sự khan hiếm về khán giả. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí đặc biệt của mình, phim nghệ thuật vẫn cần hướng đi riêng nhằm phát huy cao hơn vai trò chuẩn mực về nghệ thuật của mình.