Sự khác nhau giữa Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ là gì?

Minh Vân lược ghi 17/09/2010 00:00

Chiều qua, 16.9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Kiểm toán độc lập. Vấn đề nhận được sự quan tâm của các Ủy viên UBTVQH đó là sự khác nhau giữa Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ là gì?

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Có tạo ra sự bất bình đẳng không?

Về tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiểm toán có đưa vào trong phạm vi điều chỉnh của luật này hay không? Theo tôi, đây là một tổ chức nghề nghiệp rất đặc biệt tồn tại bên cạnh kiểm toán Nhà nước, kiểm toán nội bộ, do vậy, nên quy định vào trong dự án luật này. Thực tế xây dựng pháp luật của nước ta cũng đã có nhiều luật quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp vào trong luật. Vậy tổ chức nghề nghiệp kiểm toán với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiểm toán viên và các doanh nghiệp kiểm toán thì có vị trí gì, vai trò gì? Thông thường trước hết là bảo vệ quyền, lợi ích của các hội viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ của kiểm toán; tham gia kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên… theo tôi, những vấn đề này nên quy định trong luật. Bởi vì chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính là rất quan trọng nhưng để kiểm tra được hoạt động hay đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhất là kiểm toán viên độc lập có lẽ chỉ giao cho hiệp hội vì qua hiệp hội mới đánh giá được chất lượng và uy tín của từng đơn vị doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Vấn đề đặt ra là phân vai giữa Bộ Tài chính và tổ chức xã hội nghề nghiệp của đơn vị kiểm toán độc lập này như thế nào. Theo tôi, trước mắt nên giao cho Bộ Tài chính, về lâu dài sẽ giao lại hiệp hội.

Vấn đề thứ hai là đối với quy định về thủ tục đăng ký quản lý hành nghề kiểm toán, tổ chức hành nghề kiểm toán. Theo dự án luật thì hàng năm Bộ Tài chính sẽ công bố danh sách các doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Tôi đặt câu hỏi ngược lại là khi người ta đủ điều kiện để hành nghề, đủ điều kiện để cấp chứng chỉ là kiểm toán viên độc lập thì tại sao lại chọn ra một số doanh nghiệp kiểm toán độc lập để lập danh sách? Như vậy có tạo ra sự bất bình đẳng không? Nên chăng để cho khách hàng tự lựa chọn?

Vấn đề thứ ba là các quy định ràng buộc trách nhiệm của hoạt động kiểm toán, của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập và kiểm toán viên độc lập gồm những biện pháp gì, trách nhiệm gì, chế tài như thế nào?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Làm rõ sự khác nhau giữa 3 loại hình kiểm toán

Hiện nay số lượng công ty kiểm toán quá ít và số kiểm toán viên hành nghề theo quy định của pháp luật cũng chỉ có 1.800 người. Rõ ràng so với hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nước ngoài, chưa kể đến 350.000 doanh nghiệp tư nhân thì đội ngũ làm công tác kiểm toán quá mỏng so với đòi hỏi thực tế. Bên cạnh đó, chất lượng công tác kiểm toán cũng có nhiều điều cần xem xét, kể cả các doanh nghiệp làm công tác kiểm toán cũng như các kiểm toán viên và chất lượng của các báo cáo kiểm toán.

Tôi đề nghị trong dự án luật này cần phải làm rõ sự khác nhau giữa 3 loại hình kiểm toán, đó là kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ. Mục đích của công tác kiểm toán có thể là như nhau, đều nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tính chính xác của công tác kế toán, phản ánh những báo cáo tài chính, những hoạt động đầu tư cho chính xác. Nhưng rõ ràng, kiểm toán độc lập vẫn có “hơi hướng” kinh doanh. Các doanh nghiệp kiểm toán sống nhờ vào dịch vụ kiểm toán, thông qua dịch vụ kiểm toán để nuôi sống mình và phải có lợi nhuận. Điều này khác với Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán nội bộ. Kiểm toán độc lập còn có ý nghĩa khác nữa là vấn đề thương mại cho nên cần phải làm rõ.

Trong báo cáo cũng còn nhiều điều trùng lắp với những quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kế toán. Theo quy định, những điều nào đã được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác thì không quy định lại. Cho nên tôi đề nghị lược bớt những vấn đề trùng lắp, chỉ đi vào những vấn đề gì thực chất nhất, thể hiện được yêu cầu đặt ra mục tiêu của xây dựng dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề cá nhân

Về phạm vi điều chỉnh, có điều chỉnh đối với tổ chức nghề nghiệp hay không? Quan điểm của tôi là nếu xem một điều kiện để công nhận hành nghề bắt buộc là kiểm toán viên, hoặc doanh nghiệp kiểm toán phải là hội viên của tổ chức hành nghề thì buộc phải quy định tổ chức này vào trong luật để bảo đảm chặt chẽ. Trên thế giới, nhiều nước  đều yêu cầu kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải là hội viên của hội nghề nghiệp thì mới đủ điều kiện để có thể hành nghề. Tuy nhiên trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, một số nghề cũng không bắt buộc phải tham gia hiệp hội. Nhưng trong tương lai, Ủy ban Kinh tế và Chính phủ cũng có nêu xu hướng các hiệp hội sẽ cấp phép hành nghề và xây dựng chuẩn mực đạo đức. Cá nhân tôi cũng thống nhất chưa cho phép kiểm toán viên hành nghề cá nhân.

Về điều hành doanh nghiệp, tôi đề nghị cả Chính phủ, Ủy ban thẩm tra cân nhắc. Một là cho phép cả hợp danh, cả trách nhiệm hữu hạn và cả tư nhân cùng tham gia gọi loại hình doanh nghiệp kiểm toán. Vấn đề này chưa được làm rõ.

Về quản lý Nhà nước, Ủy ban thẩm tra đồng ý với Chính phủ là giao cho Bộ Tài chính. Cá nhân tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này. Bởi vì theo ý kiến của Bộ Tư pháp trong báo cáo thẩm định cũng không đồng tình việc này, vì quy định như thế này không đúng với Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện nay giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối để đăng ký kinh doanh, còn Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động kiểm toán sẽ nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động từ Bộ Tài chính, sau đó nộp hồ sơ và Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ ra văn bản quyết định cấp phép.

Minh Vân lược ghi