Tượng đài Thánh Gióng những trùng hợp đẹp

Cao Sơn 02/09/2010 00:00

Tượng đài Thánh Gióng là công trình văn hóa tâm linh trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau gần 7 năm, kể từ khi mẫu tượng đài của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân được chọn, những ngày đầu tháng 8.2010, tượng đài Thánh Gióng đã được lắp đặt thành công trên đỉnh núi Đá Chồng, thuộc khu di tích Đền Sóc - Chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo mẫu thiết kế của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, tượng đài Thánh Gióng mô phỏng hình ảnh cậu bé Gióng tay mang tre ngà, cưỡi ngựa hướng về trời xanh. Chân tượng được tạo hình từ sự cách điệu của mây, của hào quang và những cây tre ngà. Tượng đài có chiều cao tới đỉnh là 11,07m, với độ vươn ra là 16m, ước tính khi hoàn thành nặng khoảng 85 tấn. Tháng 10.2007, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển giao Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng theo phương thức xã hội hóa.

Những trùng hợp đẹp và ý nghĩa

Vào ngày trùng cửu, lúc 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu (tức 26.10.2009), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và TP Hà Nội đã chính thức làm lễ khởi đúc “thớt” đồng đầu tiên của Tượng đài Thánh Gióng. Gần 7 tháng sau, ngày 19.5.2010, khách thập phương nô nức đổ về khu di tích Đền Sóc - Chùa Non để chứng kiến sự kiện trọng đại: Lễ rước tượng Thánh Gióng lên ngự tại đỉnh Đá Chồng. Tương truyền đây là nơi Thánh Gióng cởi áo giáp, vẫy chào quê hương và thăng thiên hóa thánh sau khi thắng giặc Ân. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng, việc chọn ngày 19.5 để rước tượng Đức Thánh Gióng mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, đây là ngày kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; cũng là dịp kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Gióng (ngày 8-9.4 ÂL) và ngày sinh của Đức Phật Tổ. Vì thế có thể nói, thời điểm này kết hợp được cả đạo pháp và truyền thống dân tộc, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đây là một trùng hợp đẹp, ý nghĩa, liên quan đến hai người anh hùng dân tộc, khiến cho ngày lễ trọng đại ghi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Để vận chuyển tượng đài Thánh Gióng nặng hơn 80 tấn (dù đã được chia thành 5 “thớt”) lên đỉnh núi cao hơn 3.000m so với mực nước biển, những người có trách nhiệm đã phải suy tính các phương án sao cho vừa hiệu quả, vừa an toàn. Nhiều phương án đã được đề xuất như dùng tời kéo, dùng trực thăng vận chuyển nhưng cuối cùng phương án dùng xe siêu trường, siêu trọng (loại ô tô có chiều dài và trọng tải lớn) để rước tượng Ngài lên núi được duyệt.

Thử thách đặc biệt với Nghệ nhân bàn tay vàng

Trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm kỹ thuật việc đúc tượng đài Thánh Gióng là nghệ nhân bàn tay vàng Vũ Duy Thuấn và ông Nguyễn Văn Năm - Giám đốc Công ty TNHH Nam Đại Phong (làng Tống Xá, Ý Yên, Nam Định) - tác giả của bức tượng đồng liền khối Phật Tổ Như Lai lớn nhất Việt Nam nặng 30 tấn đặt trên núi Sóc, tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt và 3 pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn đặt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Theo ông Thuấn, các tượng Phật thường đúc ở tư thế ngồi, với phương thẳng đứng nên không cần chú tâm đến vấn đề chịu lực. Riêng tượng Thánh Gióng được thiết kế ở tư thế bay lên với góc nghiêng 35 độ nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải chính xác và khoa học. Mặt khác, bức tượng được đặt trên đỉnh núi cao hơn 3.000m so với mặt nước biển nên chịu tác động rất lớn của gió, bão, nên việc bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng là một thử thách đặc biệt.

Theo đó, nguyên mẫu thạch cao của tượng với tỷ lệ 1:1 được các nghệ nhân cắt thành 5 “thớt” và đổ thành 5 mẻ, sau đó mới lắp ghép 5 “thớt” thành bức tượng hoàn chỉnh. Trong khoảng thời gian 6 tháng, hơn 50 công nhân làm việc liên tục để hoàn thành các phần việc: nung, đổ đồng vào khuôn, sau đó để nguội trong 3 tháng mới lắp đặt.

Tượng đài đầu tiên được đúc tim

Tượng đài Thánh Gióng là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, là công đức của người dân mọi miền Tổ quốc, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, trong đó, riêng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty ATS Nguyễn Thị Kim Thoa đã cung tiến trên 30 tỷ đồng. Từ suy nghĩ, Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương là một trong Tứ bất tử, là biểu tượng của trí tuệ, dũng khí trường tồn của dân tộc Việt Nam, là hình tượng tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, bà Thoa đã có ý tưởng đúc tim tượng, “với mong muốn Đức Thánh mãi mãi sống trong lòng mỗi người dân đất Việt và sức sống ấy biểu hiện ở trái tim của Ngài. Trái tim của Đức Thánh Gióng là sự kết tinh của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương, đất nước từ trái tim Ngài sẽ tỏa sáng, che chở cho những người con đất Việt, để mỗi người từ khắp nơi hướng về, qua đó sống tốt hơn, có ích cho xã hội và góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh”.

Theo Ban quản lý dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng, tim tượng Thánh Gióng đã hoàn tất, đúc bằng đồng nguyên chất, có đường kính khoảng 50cm. Phó trưởng Ban quản lý dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng Nguyễn Đắc Lộc cho biết, các hạng mục của công trình như: sân hành lễ rộng 1.000m, ốp đá bệ tượng, hệ thống điện, đèn, nước, nhà phương đình, cây xanh... đều đã cơ bản hoàn thiện. Ngày 4.9 sẽ diễn ra lễ yểm tâm tượng, ngày 8.9 là lễ hô thần nhập tượng và lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng sẽ được tổ chức vào ngày 12.9.

Cao Sơn