Chất xám: đi, ở hay về ?

Minh Trang
Theo The Observer
02/09/2010 00:00

Năm 2000, chính phủ Anh phối hợp với Quỹ Wolfson lập ra chương trình 5 năm có ngân sách 20 triệu bảng nhằm 2 mục đích: Kéo những người con ưu tú đang cống hiến ở hải ngoại về nước và thu hút những tài năng nước ngoài đến làm việc tại Anh. Ít nhiều, chương trình đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Cùng năm đó, Quốc hội Mỹ cũng đặt chỉ tiêu cho chính phủ trong vòng 3 năm phải tăng được số lượng thị thực loại H1B dành cho chuyên gia cấp cao đến làm việc tại Mỹ, từ 115.000 vào năm 2000 lên 195.000 vào năm 2003. Những con số không còn mới, nhưng vấn đề được cả 2 cường quốc về khoa học và kinh tế đặt ra lúc đó đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

14-chat-xam-02910-300.jpg

Việc Anh và Mỹ không hẹn nhưng cùng đưa ra vấn đề thu hút chất xám của thế giới về mình báo hiệu cho một cuộc chạy đua lôi kéo tài năng giữa các nước công nghiệp phát triển thuộc nhóm OECD. Ấn chứa đằng sau nó còn là một vấn đề mà chỉ người trong cuộc mới hiểu: Cả Anh và Mỹ đều gặp khó khăn trong việc hấp dẫn, giữ chân lực lượng lao động có chuyên môn cao, cho dù chính người Anh đã nghĩ ra thuật ngữ “chảy máu chất xám” từ những năm 50 thế kỷ trước khi nhiều tài năng của họ bị hút về 2 quốc gia Bắc Mỹ là Mỹ và Canada đang tăng tốc phát triển kinh tế sau Thế chiến thứ hai.

Chảy máu hay phân công lại chất xám?

Châu Á đã trải qua một đợt khủng hoảng chất xám thực sự từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi những chuyên gia đầu ngành của họ lần lượt bị Mỹ, Canada, Australia và Anh lôi kéo. Vào thời điểm đó, các quốc gia thuộc nhóm OECD cần bổ sung một lực lượng chuyên gia ngành công nghệ thông tin hùng hậu, bên cạnh những lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn khác. Giữa các nước OECD cũng xảy ra hiện tượng tranh giành chất xám, nhưng được diễn giải là sự phân công lại chất xám chứ không phải là vấn đề chảy máu chất xám như các nền kinh tế đang phát triển lúc đó hứng chịu.

Mỹ hiển nhiên là quốc gia thu hút nhiều chuyên gia bậc cao nhất trong số các nước OECD. Theo thống kê, 40% lực lượng lao động chuyên ngành ở Mỹ được sinh ra ở ngoài nước Mỹ và đều có trình độ học vấn bậc cao. Ngay từ năm 1990, Mỹ đã đón nhận 900.000 chuyên gia bậc cao, chủ yếu là các chuyên gia về công nghệ thông tin đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và một số ít từ Canada, Anh, Đức đến làm việc theo hình thức chuyên gia trung hạn (thị thực H1B). Mỹ cũng thu hút 32% các sinh viên tốt nghiệp tại các nước khác trong nhóm OECD. Nhưng Mỹ không phải là một cực đơn nhất của khu vực Bắc Mỹ và thế giới. Canada, dường như để bù vào số lượng chuyên gia bị Mỹ lấy mất, đã đưa ra nhiều biện pháp về điều kiện làm việc và lương bổng để thu hút các chuyên gia nước ngoài. Trong thập niên 90 của thế kỷ nước, có một thời gian dài Canada là quốc gia nhập khẩu chất xám thuần túy đủ cho thấy sự ưu đãi của nước này hấp dẫn đến mức nào. Đức và Pháp cũng là môi trường lý tưởng, dù sức hấp dẫn của họ không mạnh mẽ như các quốc gia Bắc Mỹ. Năm 2000, Đức triển khai chương trình “thẻ xanh” nổi tiếng nhằm bổ sung gấp 20.000 chuyên gia công nghệ thông tin. Kết quả có lẽ vượt cả sự mong đợi của chính phủ Đức lúc đó, bởi chỉ đến năm 2001, họ đã có trong tay 10.000 người tài giỏi, chủ yếu đến từ Đông  u lúc đó đang bị biến động về xã hội. Vào thời điểm đó, châu Á đã bị mất nhiều tài năng, nhưng họ cũng có những chính sách thu hút riêng của mình. Đơn cử như Singapore đã lấy đi của Malaysia và Trung Quốc không ít các chuyên gia giỏi. Ngày nay, khái niệm chảy máu chất xám không còn dữ dội như một thập niên trước, nhưng nó lại nhằm vào những đối tượng ưu tú nhất theo kiểu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Kẻ thắng, người thua

Giữ chân và thu hút nhân tài chưa bao giờ là một cuộc chiến êm ả, nhưng giờ đây nó đã mang một sắc thái khác. Sự luân chuyển tài năng giữa các quốc gia đã kéo theo một sự luân chuyển tiệm cận dần công thức “đôi bên cùng có lợi” về mặt tri thức. Tuy vậy, cái mất vẫn là cái mất. Không ít nhà khoa học được giải Nobel hàng năm mang quốc tịch Mỹ nhưng lại có gốc gác từ một quốc gia khác.

Nhưng cái mất của những nước phát triển chắc chắn bớt đau đớn hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển. Không ít chuyên gia đầu ngành của Canada thấy điều kiện ở Mỹ tốt hơn và ra đi, nhưng bù lại, nước này vẫn đủ sức để không vấp phải một khoảng trống nào bởi họ vẫn là một môi trường lý tưởng đối với nguồn chất xám từ rất nhiều nước khác. Đương nhiên, sẽ chẳng thể so sánh một cách lý tính bằng một công thức toán học, như nguồn chất xám công nghệ thông tin đổ xô đến Canada đặt bên cạnh sự mất mát của họ về lượng chuyên gia công nghệ gen di chuyển sang Mỹ. Nhưng thường thì sự luân chuyển chất xám giữa các quốc gia phát triển chỉ là tạm thời và ngắn hạn và cũng thường là những nước này được lợi đôi đường: chất xám gửi đi rồi lại nhanh lấy về, và một lực lượng chuyên gia lúc nào cũng “túc trực” ở cửa đợi được tuyển dụng.

Chỉ có các nước đang phát triển là hứng chịu nhiều thiệt thòi, bởi sự trở về là hãn hữu và nhỏ giọt. Có thể lấy một thống kê trong giai đoạn 1990 - 1995 làm ví dụ: 79% người Ấn Độ và 88% người Trung Quốc có học vị tiến sĩ trong 2 năm 1990 - 1991 đến năm 1995 vẫn chưa có ý định trở về quê hương của họ. Cũng trong giai đoạn đó, ở những nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản thì tỷ lệ ở lại Mỹ chỉ là 11 - 15%. Ở Đài Loan cũng vậy, khi mà điều kiện nghiên cứu, phát huy thuộc loại hàng đầu thế giới thì những người trở về đã xây dựng lên một thương hiệu toàn cầu cho vùng lãnh thổ này - Công viên khoa học Hsinchu. Ở Trung Quốc đại lục, khi mà điều kiện làm việc đã tiến bộ rất nhiều thì những người trở về trở thành nòng cốt của ngành công nghệ thông tin dựa trên ứng dụng Internet.

Tất cả phụ thuộc chính sách

Theo đánh giá của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), khoảng 300.000 chuyên gia hàng đầu của châu Phi giờ đang làm việc tại châu Âu và Bắc Mỹ, khoảng 1/3 các chuyên gia chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D) của các nước đang phát triển hiện đóng góp chất xám cho các nước thuộc nhóm OECD. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ lâu ta đã nghe nói đến thành công của Ấn Độ. Nhưng liệu ngành công nghiệp phần mềm mũi nhọn được ví như một chìa khóa tương lai của quốc gia Nam Á này có đưa nước họ phát triển nhanh hơn thì hiện vẫn là một câu hỏi. Cần biết rằng, năm 2000, khoảng 1.500 chuyên gia người Ấn rời Mỹ về nước làm việc thì một con số cao hơn thế 30 lần lại bỏ Ấn Độ đi tìm bến đỗ mới. Tỷ lệ này đến nay vẫn không thay đổi là bao nhiêu. Sự thành công của Đài Loan, Hàn Quốc ở châu Á, hay Ireland ở châu Âu trong việc kéo kiều bào về nước là những ví dụ còn mang tính cá biệt.

Trong bối cảnh đó, chính sách lưỡng dụng và liên kết tỏ ra hữu hiệu. Bài học thành công đến từ Nam Phi và Mỹ Latin cần được nhân rộng trong điều kiện hiện nay, khi chính phủ đã tạo ra một môi trường tốt nhất có thể và lập được sự liên hệ gắn bó giữa lượng chất xám hải ngoại của mình với những người còn ở trong nước. Ấn Độ cũng đã biết tận dụng chất xám gốc Ấn của họ ở nước ngoài để tạo ra một kênh thu hút vốn đầu tư và hàm lượng công nghệ bằng chính sách ưu đãi về thuế và thù lao. Những điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, chẳng hạn như Ấn Độ là một bề dầy hơn nửa thế kỷ qua để lập nên một hạ tầng cho khoa học R&D, hay Trung Quốc gần đây đưa ra chiến lược xây dựng 100 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Việc làm này không mang tính khu biệt ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn như Anh cũng phải áp dụng chính sách tăng lương 25% cho những chuyên gia có học vị tiến sĩ, Pháp đưa ra chỉ tiêu tuyển dụng 7.000 nhà nghiên cứu hay Ủy ban châu Âu thì lập ra một chương trình thu hút tài năng với ngân sách lên tới 1,8 tỷ euro.

Một chính sách tổng hợp tốt giữa việc xây dựng hạ tầng khoa học, thu hút chuyên gia đến và kéo nguồn chất xám về sẽ xóa nhòa những lực cản mà vấn nạn chảy máu chất xám đặt ra. Ấn Độ là bài học thành công nhất về chính sách này cho đến thời điểm hiện tại và họ đã tự hào đặt ra một thuật ngữ thay thế thuật ngữ mà người Anh đã nghĩ ra: Biến “chảy máu chất xám” thành “ngân hàng chất xám”.

Minh Trang<BR><I>Theo The Observer</I>