Việt sử giai thoại: Phép trị dân của hoàng tử lý hoảng

Nguyễn Khắc Thuần 27/08/2010 00:00

Lý Hoảng là Hoàng Tử thứ tám của Hoàng Đế Lý Thái Tông (1028–1054), do Hoàng Hậu họ Lê, hiệu là Trinh Minh Hoàng Hậu sinh hạ.

Ngay từ lúc còn trẻ, Hoàng Tử Lý Hoảng đã tỏ rõ là người trung hiếu, biết kính cẩn giữ lễ, quả cảm và có tài. Sách Việt điện u linh tập viết về Hoàng Tử Lý Hoảng như sau:

“Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất(1), Vương(2) được cử vào coi Nghệ An. Chỉ mấy năm, Vương đã nổi tiếng là người thanh liêm và rất ngay thẳng, được Hoàng Đế khen ngợi và quý mến, ban cho hiệu là Uy Minh, giao cho quyền trông coi hết mọi việc quân dân của vùng ấy.

Khi Lý Thái Tông sắp đánh Chiêm Thành, sai Vương bí mật đào hào đắp lũy để tích chứa lương thực và làm chỗ tạm trú cho khoảng ba bốn vạn quân, gọi là trại Bà Hòa. Mọi thứ tích chứa trong trại phải đủ cho quân chi dùng tới ba năm. Việc ấy Vương lo chu tất, bởi thế Hoàng Đế rất vui.

Nhà Lý đại thắng ở Chiêm Thành, chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận, bắt được phi tần và vàng bạc, châu báu của Chiêm Thành rất nhiều. Thắng trận trở về đến Nghệ An, khen Vương là người có công, chính lệnh tốt đẹp, vì thế, gia phong tước Vương và vẫn sai cai trị như cũ. Hoàng Đế lại cho Vương được giữ riêng sổ sách, gồm có sáu huyện, bốn trường, sáu mươi giáp, cộng tất cả là 46.450 hộ và 54.364 người.

Vương thấy bọn người rợ ở ven núi Nghệ An phần nhiều là chưa chịu thần phục, bèn tâu xin cho Vương được quyền đi tuần ở biên cương. Các rợ do vậy đều theo về, nhờ đó mà Vương đã mở thêm được năm châu, hai mươi hai trại và năm mươi sáu sách(3). Hoàng Đế xuống chiếu khen ngợi, sai đo đạc biên giới của các châu mới rồi dựng bia để ghi công.

Đến năm Long Thuỵ Thái Bình thứ hai(4), đời Lý Thánh Tông, Vương đi đánh dẹp bọn giặc là Ông Yết và Lý Phủ, nhân đó, có kẻ gièm pha với Hoàng Đế rằng:
Vương có ý tự chuyên, tự tiện dùng binh đánh giặc.

Lý Thánh Tông nghe nói cũng có ý ngờ vực, còn Vương thì xin từ chức. Vương trấn trị mười sáu năm, tiếng tốt ngày càng nhiều, nhân dân tin yêu và quý mến. Thấy Vương xin từ chức để trở về kinh đô, dân tranh nhau ra ngăn xe để khóc lóc mà xin Vương lưu lại. Vương đành nghe theo.

Được mấy ngày sau, Vương đang ngồi trong tư dinh của mình thì thấy có một con quạ bay vào, người nhà tính bắt nhưng Vương không cho. Quạ vừa kêu vừa lượn ba vòng rồi sà xuống chỗ Vương ngồi và bỗng hóa thành một tờ giấy, trên có mấy hàng chữ nhưng lối viết lạ, không đọc được, chỉ thấy tương tự như hình rồng, hình mây. Vương đem giấy ấy cất đi.

Một đêm gió mát trăng trong, Vương đặt tiệc và mời hết bạn hữu tới dự. Tiệc thật đông vui, tiếng nhạc, tiếng cười nói nhộn nhịp. Vương đang ngồi, bỗng thiu thiu ngủ, trong mơ màng thấy có một người ước chừng sáu chục tuổi, đội mũ đeo đai, áo màu tía, tay cầm thanh long đao, đến trước mặt Vương mà nói rằng:
Tôi là Vũ Khúc Tinh trên Thiên Đình, phụng mạng Ngọc Hoàng Thượng Đế đến mời Vương lên Tử Hư Cung để thảo bản ngọc điệp.

Vương đáp:

Tôi chỉ là người trần mắt tục, làm sao biết được những việc của trời?

Nói rồi, xua tay từ chối và thế là Vương tỉnh giấc, bèn đem chuyện giấc mơ và chuyện con quạ lúc ban ngày kể cho mọi người nghe, ai cũng cho là điềm tốt. Lát sau, Vương vào nhà nằm nghỉ, không hề có bệnh gì mà mất. Dân trong vùng cùng nhau lập đền thờ, cầu đảo việc gì cũng đều linh ứng. Người rợ ở các châu cũng có lập miếu thờ. Sau, mỗi khi Hoàng Đế nhà Lý đi đánh giặc đều sai rước kiệu của Vương đi trước, và thế là luôn cảm thấy như có binh mã ầm ầm ở trên không, đánh đâu thắng đó.

Sang đời Trần, năm Nguyên Phong thứ hai(5), Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, có sai người đến cầu đảo tại đền, khiến binh thuyền tiến như gió, cả phá được quân Chiêm. Khi về tới thành Diễn Châu của Nghệ An, Trần Thái Tông ban sắc phong là Uy Minh Dũng Liệt Đại Vương.

Năm Trùng Hưng thứ nhất(6), gia phong thêm cho hai chữ Hiển Trung. Đến năm Trùng Hưng thứ tư(7) lại gia phong thêm hai chữ Tá Thánh. Năm Hưng Long thứ 21(8), còn gia phong thêm hai chữ Phu Hựu”.

Lời bàn: Hoàng Tử Lý Hoảng trấn trị đất Nghệ An, trên thì giúp phụ hoàng cùng triều đình bảo vệ và mở rộng biên giới, dưới thì giúp trăm họ của cả một vùng được an cư, đã có công cho nền thịnh trị thái bình, lại có công góp phần đánh giặc, kính thay!

Đời bao giờ cũng như vậy cả, hễ có anh hùng là có phản bội, có cao thượng là có thấp hèn, cho nên, lời gièm pha của kẻ hiểm ác lúc này chẳng có gì là lạ. Sử khinh ghét mà không thèm chép rõ họ tên, nhưng chừng như cách ấy cũng chẳng phải là tốt. Con cháu của những kẻ hiểm ác, hoặc biết chuyện mà che giấu cho tổ tiên, hoặc không biết mà dương dương tự đắc và hãnh tiến, phỏng có hay gì?

Lý Thánh Tông là một trong những vị Hoàng Đế rất sáng của triều Lý, ấy thế mà vẫn không thoát khỏi thói tệ nghe lời những kẻ xiểm nịnh, thế mới biết, ngay cả lúc ngự ở bậc cao sang, giữ mình cũng khó lắm thay.

Hoàng Tử Lý Hoảng không trở về kinh đô là chí phải. Một khi Hoàng Đế lại cũng là anh ruột của mình mà còn không tin mình thì triều đình dễ có được mấy người tin? Có lẽ nỗi lo đã khiến ông cứ luẩn quẩn mãi với ý nghĩ cho rằng chỉ có trời mới hiểu nổi cảnh éo le của thế gian, cho nên, trong mơ bỗng thấy Vũ Khúc Tinh thay mặt Ngọc Hoàng Thượng Đế mời ông lên Tử Hư Cung đó thôi.

Sau khi ông đã qua đời, bỗng dưng các hoàng Đế đua nhau ban sắc phong rất hậu hĩ, chuyện dễ hiểu mà khó tha lắm thay. Tỏ rõ ân huệ đối với người đã khuất, đôi khi cũng chính là một cách phân bua thiếu thành thật.

__________________

1. Tức năm 1039. 

2. Chỉ Lý Hoảng.

3. Châu, trường, huyện, giáp, sách, trại... đều là tên đơn vị hành chính.

4. Tức năm 1055.

5. Tức năm 1252.

6. Tức năm 1285. Trùng Hưng là niên hiệu thứ hai của Trần Nhân Tông dùng từ năm 1285-1293.

7. Tức là năm 1288.

8. Tức năm 1213. Hưng Long là niên hiệu của Trần Anh Tông, dùng từ năm 1293-1314.

Nguyễn Khắc Thuần