Người thợ bạc ở Phố Cũ (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

26/08/2010 00:00

>>Người thợ bạc ở Phố Cũ (Phần 1)

Rõ ràng là một cô gái mới lớn, lần đầu tiên đi đến cửa hàng bạc. Ông thợ bạc cười:

- Có chứ. Thiên hạ thích cái gì, lão làm cái đó.
- Cháu muốn đánh một chiếc vòng tay, một cái vòng cổ, một bộ xà tích kiểu người Tày.
- Biết... biết... Biết làm cả kiểu người Tày.

Ông thợ già gật gật. Cô gái mở cái bọc nhỏ trên bàn tay trắng muốt, mảnh như chiếc lá trầu. Hai mắt cô ánh lên nỗi hân hoan rất thơ trẻ, cái nỗi hân hoan thấm đượm vẻ kiêu hãnh. Lần đầu tiên cô được khoe sự giàu có của mình với mọi người. Cô có những năm đồng bạc hoa xòe. Và khi ông lão hỏi nửa thật nửa đùa rằng vẫn còn những đồng cổ quý như thế kia ư, thì cô càng lộ rõ vẻ tự hào:

- Mẹ cháu mới mua cho cháu đấy, bác ạ.

Người thợ già nhón năm đồng bạc trắng xóc xóc trên đôi tay. Quen thuộc rồi! Loại đồng hào năm mươi xu xưa vẫn quen gọi là đồng xanhcăng trên có hình người đầm và bông lúa uốn cong vẻ cách điệu, phía dưới có con số 1922.

 - Một lạng hai đồng cân.

Ông lão xướng, cô gái reo khâm phục:

- Trời! Sao bác biết rõ thế ạ?
 - Tay bác nó có tinh rồi!

Cả ba chị em đều cười. Cô em út hồi hộp:

- Bác ơi, thế từng ấy đánh được những thứ gì?
 - Như cháu nói khi nãy, thêm một đôi khuyên.
 - A lúi!(1)

Cô gái kêu to. Hai con mắt mở to hết cỡ như hai cái hồ nước, sóng sánh vì điều may mắn bất ngờ. Lập bập, cô níu bàn tay có tinh của ông già, run rẩy vì cảm động:

 - Bác ơi, thế bác lấy cháu bao nhiêu tiền công, hả bác?

Ông thợ bạc già lắc mái đầu bạc:

- Bác không lấy tiền. Bác chỉ muốn được cháu mời đến dự đám cưới.

Lần này thì cả ba chị em cô gái Tày miền hạ huyện cùng thốt kêu thật to cái tiếng cảm thán quen thuộc của dân tộc họ: A lúi và cùng quỳ cả xuống, dưới chân ông già thợ bạc. Người phụ nữ lớn tuổi nhất nói:

- Thưa bác, bác là Tiên là Phật, bác biết trước mọi sự. Đây là ba chị em cháu. Mẹ cháu chỉ sinh hạ được ba chị em cháu. Cháu và cô em thứ hai đây đã có gia đình riêng. Bố cháu mất đã mười ba năm, từ hồi còn ở chiến trường đánh giặc. Mẹ cháu hiện thời ốm yếu, chắc không qua khỏi năm nay. Nguyện vọng cuối cùng của mẹ cháu là em út cháu được thành gia thất. Nếu không, bà nhắm mắt không yên. Bây giờ, cái gì chưa thành cũng lo không thành, bác ạ.

Ngừng nói, nuốt hơi, có lẽ xúc động vì chính câu nói của mình và sợ người thợ bạc hiểu sang ý khác, người phụ nữ vội nói tiếp trong hơi thở dồn:

- Thành ra, cháu và em thứ hai phải thân dẫn em út đi. Dọc đường, thế mà có lúc nó cứ sợ. Sợ rơi. Sợ kẻ cắp lấy. Sợ cửa hàng không nhận. Thật là cầm vàng còn sợ vàng rơi. Bây giờ được gặp bác, được nghe bác nói, mười phần mới chắc cả mười.

 Không để chị gái nói tiếp, cô em út bồng bột nắm cổ tay ông thợ bạc, lắc lắc:

- Bác ơi, cháu sẽ đem ngựa lên đón bác. Nhất định bác sẽ dự đám cưới của cháu nhé. Tuần sau... Vâng, tuần sau cháu tổ chức, bác ạ.

*

Thế là người thợ bạc hiểu rồi. Nhất định là sẽ có cái đám cưới của cô gái út người Tày miền hạ huyện ấy. Ôi, những đám cưới còn giữ nguyên phong tục cổ truyền. Có bánh chưng, bánh dày. Có bài hát thách đố. Cô dâu đi hài thêu chỉ ngũ sắc, mặc áo vóc hồng, thắt lưng hoa lý, óng ánh vòng bạc cổ tay, khuyên bạc đuôi tai, xà tích bên sườn... Đời đã có nhiều chuyển đổi rồi, nhưng trong cái ngày trọng đại ấy, chàng rể thế nào cũng biếu bà ngoại một đôi hoa tai, một vòng tay bạc. Bạc, cái ánh trắng lấp lánh ấy, là cái phần ông lão góp thêm vào cuộc vui lớn của con người.

Ngay chiều hôm ấy, tiếp nối cái cảm hứng ân nhân từ hôm gặp người đàn bà Mông, cảm động vì tình nhân hậu chị em ruột thịt của ba người phụ nữ Tày, nhất là thông cảm với cái háo hức của cô gái sắp làm cô dâu, ông lão Chư bắt tay ngay vào việc làm đồ trang sức cô dâu cho cô gái nọ.

Hết buổi, ông ôm tráp đồ nghề về nhà. Cơm nước xong, ông đốt lò, đặt cái âu sứ lên và thả vào đó mấy đồng bạc hoa xòe. Đoạn ông quay ra hút thuốc lào. Khói thuốc vần vụ đưa ông vào những cảm xúc phiêu lãng, thú vị và tất cả những tiết đoạn trong câu chuyện hàng ngày diễu vòng trong óc ông cho tới lúc ước chừng đã đến thời điểm bạc nóng chảy, ông mới quay lại bếp lò.

Trở về với bếp lò, ông hơi sững người. Hay là ông lại đãng trí như khi chạm hỏng hai lần hai mảnh bạc? Lạ nhỉ? Ông cúi sát xuống cửa lò. Không, than trong lò vẫn hồng, thổi hơi vào, than còn lép bép nổ. Vậy mà, tại làm sao nhỉ, năm đồng bạc trắng vẫn không tan chảy, vẫn còn nguyên hình và chỉ xỉn xạm đi chút ít? Chẳng lẽ là cái lò chưa đủ sức nóng? Nếu vậy thì ông lão cho thêm than và cúi xuống dồn hơi thổi.

Nhưng, cuối cùng thì ông lão hốt hoảng thật sự. Nhấc cái âu sứ ra, để cạnh mình, chờ cho cái âu sứ nguội đi, ông đổ mấy đồng bạc trắng ra lòng bàn tay, rồi ngồi lặng. Hỏng rồi! Đồng xanhcăng này không phải là bạc. Nó là đồng mạ bạc. Nó giả làm bạc. Chao ôi! Vậy mà cái hạnh phúc tưởng đã cầm chắc trong tay lại hóa ra tuột mất. Cô bé cầm mấy đồng bạc sợ rơi, sợ mất cắp, sợ người thợ bạc không nhận. Cô có biết đâu cái cơ sự này? Hóa ra bây giờ cái gì cũng mong manh cả. Và nếu đúng như cô chị cả nói bây giờ cái gì chưa thành cũng lo không thành cả thì đời đáng sợ quá! Hóa ra những điều kiện an toàn đã trở nên bấp bênh và con người phải sống trong lo âu, phòng ngừa, thấp thỏm liên miên ư? Con người không được cả tin, không được thơ ngây nữa, vì như vậy là sẽ bị lừa dối. Sẽ bị phản trắc như cô gái đã bị lừa, mẹ cô và hai chị cô đã bị lừa. Cả ông lão đã nửa thế kỷ hành nghề hóa ra cũng chỉ là đứa con nít ngây dại. Ôi, cái thói đời điên đảo, lọc lừa. Vậy là nó vẫn còn luẩn quẩn quanh ta, nó chỉ náu mình trốn tránh đôi khi thôi, mà ta lại ngỡ là nó đã bị diệt trừ tận gốc.

Ngồi lặng lẽ trong đêm, ông lão Chư buồn thấu gan ruột. Nhưng, lát sau như giũ ra khỏi nỗi buồn, ông lại cúi xuống đốt lò, đặt âu. Lấy mấy đồng bạc trắng dự trữ của mình ra, ông đặt vào âu, rồi vừa làm công việc của người thợ bạc, ông vừa lẩm bẩm: “Lỗi tại ta! Lỗi tại ta. Ta nhìn lá vối ra chè! Ta lầm lỗi, ta phải đền bù”.

Ông lão Chư quyết đóng trọn vai vị ân nhân của cô gái Tày vùng hạ huyện. Ông lão nhất quyết làm kẻ sửa chữa cái khiếm khuyết của cuộc sống chưa hoàn hảo để đoạn đời tới của cô gái được suôn sẻ mọi bề. Nghĩa là vẫn sẽ có cái đám cưới tưng bừng của cô gái, và cô dâu cũng vẫn sẽ lóng lánh vòng bạc cổ tay, xà tích bên sườn, khuyên sáng đuôi tai... như mọi cô dâu Tày vùng hạ huyện.

Bộ đồ trang sức cô dâu Tày bằng bạc thật đã hoàn chỉnh trước cả thời hạn ba ngày. Trong ba ngày đó, những lúc rỗi ông lão ngồi mơ màng thú vị vì cái cử chỉ nghĩa hiệp của mình. Ông tưởng tượng ra cảnh cô gái Tày tới, háo hức và sung sướng đến nức nở khi nhìn thấy những đồ nữ trang nọ. “Bác ơi, tay bác thật là có tinh! Sao bác làm đẹp thế, bác ơi”. Cô gái sẽ reo mừng và ông sẽ đưa từng thứ một để cô đeo thử. Đôi khuyên quả bầu. Cái vòng tay hình lòng máng úp chạm những đường sóng lượn, cùng những con chim lạc. Cái kiềng óng ánh rỗng nhẹ uốn mềm một cung tròn... Tất cả đều hòa hợp. Tất cả đều hiển hiện chân thật, chứ không phải là ảo ảnh chập chờn. Không phải là ảo ảnh chập chờn, nhưng cả ông lão và cô gái Tày đều sẽ như trong ảo mộng ngất ngây. Cả tiếng con ngựa hồng hí ngoài sân kia, cũng nghe như vẳng từ xa lại, biến dạng đi, như một lời âu yếm mời chào.

 Ba ngày chờ đợi qua.

 Ngày hẹn tới. Ông lão Chư đến cửa hàng từ sớm. Cạnh ông, bếp lò rèn thoi thóp thở. Cái lò đúc khừ khừ như tiếng rên người ốm. Đã là cuối thu, mưa bay lất phất rắc bụi đầy trời.

 - Chào bác ạ!

Nghe thấy hai tiếng chào phụ nữ, ông lão khấp khởi, nhưng quay lại thì biết ngay là mình nhầm. Hai cô gái Tày này cũng ăn mặc kiểu người Tày hạ huyện, nhưng là những thiếu nữ ông chưa từng gặp. Và rõ ràng họ cũng là những cô gái lần đầu tiên đến cửa hàng ông.

- Sắp mở cưới hả?
- Úi! Sao bác biết ạ?
- Mắt bác có tinh đấy.
- Bác ơi, chúng cháu có bạc trắng mới mua được, chúng cháu muốn đánh hai bộ đồ trang sức cô dâu.

“Được... được...” Ông lão thợ bạc gật gật và chìa bàn tay khô như cái lá héo đón nhận những đồng bạc hoa xòe từ hai cái túi hoa của hai cô gái nọ dốc ra với vẻ phấn chấn khác thường. Đầy ụ lòng bàn tay ông lão những đồng hào. Và tay ông bỗng run run như thấm nhiễm hơi giá lạnh của đồng tiền. Hơi lạnh từ tay ông tỏa ra khắp người ông, rồi như cái thuốn xuyên dọc sống lưng ông, chói lộng óc ông.

 Bạc giả! Đúng là những đồng bạc giả!

Lần này thì ông không thể nhận nhầm được. Lần này thì ông không khinh suất, không ngu ngơ để bị lừa nữa. Lần này thì ông không để bị mê hoặc trong những cảm xúc đẹp đẽ về hạnh phúc, lần này ông tỉnh táo. Nhưng lần này, sau cơn giận dữ vì thói đời, ông ngồi đờ đẫn, nhìn hai cô gái thất vọng, nước mắt lưng tròng, cúi mặt, quay lui và lủi thủi ra về. Biết bao nhiêu bẽ bàng, tủi hổ mà con người ta đã phải nhận vì bọn bất lương, giờ đây ông mới nhận ra!

Ông lão Chư buồn xỉu. Chiều đó ông không làm được việc gì. Động làm là hỏng, là nhầm. Bối rối trong xúc cảm buồn bực, ông lão càng bối rối trong chờ mong. Ông chờ mong cô gái út người Tày vùng hạ huyện đến lấy bộ đồ trang sức cô dâu. Nhưng, cả chiều đó, tối đó ông lão đã mỏi mắt.

Ngày hôm sau, ông lão Chư lại chờ. Ngày hôm sau nữa, ông lão ngóng, ông lão mong. Nhưng một tuần qua cô gái vẫn chưa thấy tới. Cùng với sự chưng hửng là nỗi ái ngại. Đã lại xảy ra điều bất trắc gì với cô gái? Người thợ bạc già bồn chồn. Ông muốn được thấy cô gái vui vẻ trong sự gia ân kín đáo của ông. Ông muốn được hưởng cái hạnh phúc của sự cho đi, sự ban tặng. Ông sốt ruột. Ông càng sốt ruột hơn khi một tuần nữa đi qua. Ơn huệ cá nhân ông vậy là trở nên vô nghĩa ư? Nếu như một đời sống được tổ chức chu đáo đến mức lòng tốt cá nhân trở nên thừa thãi thì lại đi một nhẽ. Đằng này, lòng tốt của riêng ông chẳng có ích gì, vì nó lọt thỏm vào muôn điều ràng buộc, chi phối khác. Ông thực sự kinh hoàng vì chiều đó ông lại lặp lại cuộc gặp gỡ với hai cô khách hàng lần trước đem bạc giả đến cửa hàng. Hai cô dẫn theo hai cô khác, và họ nói họ ở vùng hạ huyện lên. Họ mang theo những đồng xanhcăng cổ mới mua của một tốp phụ nữ lạ mặt hiện đang ở vùng đó. Ông lão Chư cầm những đồng hào nọ, những đồng hào giả bạc, nặng trịch, giá buốt lòng tay ông. Hạnh phúc là thứ có thể dễ dàng đánh tráo thế này ư!

Cả mùa thu ấy ông lão Chư chờ cô gái Tày em út nọ trở lại lấy bộ đồ trang sức cô dâu. Rồi mùa thu qua. Mùa đông giá tới. Và mùa xuân lại đến như mặt người thiếu nữ xinh tươi. Cô gái Tày, cái tâm hồn tươi sáng trong ngần và thực thà nọ hẳn là đã đau buồn và do lòng tự trọng nên đã không tới, thậm chí muốn lánh mặt ông vì sợ ông nghĩ rằng cô đã lừa dối ông chăng? Hẳn là như thế! Và thế thì cái đám cưới có ngựa hồng đón ông xuống dự cũng đã không có, không bao giờ có nữa rồi ư?

Khắc khoải, ông lão Chư có cảm giác mình mang nợ. Ông nợ những con người lương thiện món nợ hạnh phúc. Đầu mùa thu sau, để khỏi phải thấp thỏm ngóng đợi cô gái tới, ông lão liền nghĩ cách viết thư báo cho cô, nhưng vì quá lâu, ông đã để lẫn tờ hóa đơn biên nhận ghi tên địa chỉ của cô gái đâu mất, tìm mãi không thấy. Ông đành phải nhờ đài phát thanh huyện thông báo mấy lời sau:

Có một nữ khách hàng người hạ huyện đặt hàng cưới ở tôi từ năm ngoái chưa đến lấy. Nay tôi sắp nghỉ hưu vì ốm yếu, vậy quý khách hãy đến ngay cho kịp để tôi được an lòng.
Chư - Thợ bạc ở Phố Cũ”.

 1. Tiếng reo mừng