Cách mạng tháng Tám 1945 Sách lược ngoại giao khéo léo, mềm dẻo

25/08/2010 00:00

Ngày 19.8, nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh chóng và không đổ máu, tạo sức mạnh để các địa phương khác trong cả nước giành chính quyền. Để có được kết quả đó, dựa trên sức mạnh không gì cản nổi của đông đảo quần chúng, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã có những sách lược ngoại giao khéo léo, mềm dẻo với chính phủ Nhật và Trần Trọng Kim…

04-sach-luoc-23710-300.jpg

Tháng 8.1945, thời cơ cách mạng nước ta hết sức thuận lợi, như Hồ Chủ tịch nhận định là “nghìn năm có một”: Đế quốc tham gia chiến tranh thế giới lần thứ II, đang suy yếu. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật và chính phủ thân Nhật ở Việt Nam hoang mang, dao động. Trước tình hình đó, dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã họp và nhận định có thể giành được chính quyền bằng cách dùng sức mạnh của quần chúng uy hiếp, kết hợp tuyên truyền vận động ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng.

Trước đó, tôi (Lê Trọng Nghĩa - nguyên Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội) đã gặp và trao đổi với Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại, Thủ tướng Trần Trọng Kim, nhưng Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn chưa ngả hẳn theo Việt Minh. Ngay khi có quyết định khởi nghĩa Hà Nội, đêm 18.8, tôi theo sự phân công của Ủy ban Khởi nghĩa tới vận động Chủ tịch Ủy ban Chính trị kiêm Khâm sai Bắc Bộ Nguyễn Xuân Chữ không chống trả Việt Minh. Tôi và ông Chữ đã nói chuyện rất thẳng thắn. Khi Hà Nội khởi nghĩa vào sáng hôm sau, cả khi chúng tôi bắt ông để đưa ra căn cứ, ông Chữ cũng không ra lệnh cho lính bảo an chống đối Việt Minh, cũng không ra lệnh cho các công cụ chủ yếu là Trại Bảo an binh, Đốc lý Hà Nội đánh trả. Vì vậy, chúng tôi chiếm được các vị trí trọng yếu như phủ Khâm sai, Trại Bảo an binh, Tòa Đốc lý... một cách dễ dàng. Không những vậy, khi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tuyên bố sẽ cùng họ tham gia cách mạng. Bằng cách đó, Hà Nội đã giải quyết được vấn đề bằng cách hòa bình, nhân văn nhất với ngụy quân, ngụy quyền, biến họ trở thành lực lượng cách mạng.

Dù chiếm được các cơ quan đầu não về chính trị và quân sự của địch, nhưng khi ấy, ở Hà Nội vẫn còn khoảng 1 vạn quân Nhật. Quần chúng vừa chiếm được Trại Bảo an binh, quân đội Nhật đã đến bao vây. Trong tình thế cấp bách, tôi được giao nhiệm vụ gặp quân đội Nhật ở trước Trại Bảo an binh (đối diện rạp Tháng Tám bây giờ) để nói rõ với họ: Trại Bảo an binh thuộc quyền Phủ Khâm sai của người Việt, người Nhật sắp về nước không nên can thiệp. Viên sỹ quan đã phải chấp nhận, cho quân rút về nhưng vẫn muốn Việt Minh phải nói chuyện với cấp trên của họ.

Tối 19.8, Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội Nguyễn Khang cử Trần Đình Long và tôi tới gặp Tổng tư lệnh kiêm Đại sứ toàn quyền Nhật tướng Tsuchihashi, với thông điệp: Ta không đụng đến người Nhật và mong rằng họ không gây rắc rối hay xung đột cho ta. Dù chưa biết chỉ huy của Nhật là ai, và không có quân đội đi kèm, chúng tôi vẫn rất tự tin, bởi có đông đảo quần chúng ủng hộ phía bên ngoài. Và điều bất ngờ là tướng Tsuchihashi không những đồng ý với đề nghị đó, mà còn công nhận Việt Minh làm chủ chính quyền và cử người liên lạc với chúng tôi một cách bình đẳng...

Như vậy, khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội đã thành công mà không xảy ra đổ máu vì không có ai chống cự. Có thể nói, sách lược ngoại giao táo bạo của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Nhưng thực sự, công tác ngoại giao đó chỉ thành công khi có sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân Hà Nội. Nhân dân Hà Nội đã tiên phong cướp chính quyền, giành lại chủ quyền. Trong ký ức của tôi, cảm xúc là người tự do, ở trên vùng đất tự do đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn...

Lê Thủy ghi

Theo lời kể của Nguyên Ủy viên UB Khởi nghĩa Hà Nội Lê Trọng Nghĩa