Doanh nghiệp cơ khí: Sẽ lớn nhờ chuyên môn hóa?

21/08/2010 00:00

Việc phát triển theo chiều rộng với định hướng sản phẩm không rõ ràng một mặt không giúp ngành cơ khí có nhiều cơ hội đầu tư vốn và chất xám để giải quyết được những nhược điểm căn bản về kỹ thuật, công nghệ; mặt khác còn làm cho thị trường bị phân tán, khiến cho không doanh nghiệp nào có được đơn đặt hàng một loại thiết bị với số lượng đủ lớn. Hiện, mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu lượng sản phẩm, thiết bị cơ khí với kim ngạch 10-18 tỷ USD.

Doanh nghiệp cơ khí: Sẽ lớn nhờ chuyên môn hóa? ảnh 1

Đánh mất cơ hội ở thị trường nội

Một quan chức của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, sự ngại ngần của các chủ đầu tư khi dùng sản phẩm cơ khí trong nước là có thực và có nguyên do. Ngoài chuyện chất lượng máy móc nội kém hơn sản phẩm nhập ngoại, có những phần việc đúng là doanh nghiệp (DN) trong nước làm được, nhưng nếu tách thành gói thầu riêng và trao cho nhà thầu trong nước triển khai thì chủ đầu tư cũng phải lo lắng, trăn trở theo vì không biết có kịp tiến độ hay không? Nếu không về đích đúng hẹn thì tổng thầu lại vin vào đó làm chậm tiến độ cả một công trình lớn, thiệt hại không biết đến đâu. DN cơ khí trong nước còn kém cạnh tranh hơn về giá bỏ thầu: nếu DN nước ngoài nhận thầu với giá 1, thì DN trong nước chào giá ít nhất là 1,2 - 1,3.

Trường hợp xây dựng Nhà máy điện Uông Bí mở rộng 300 MW là một ví dụ khác về sự yếu kém của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Là tổng thầu EPC nhưng DN lắp máy hàng đầu của Việt Nam là Tổng công ty  Lắp máy Việt Nam (Lilama) lỗi hẹn tiến độ hàng năm trời. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm và trình độ quản lý nên ngoài những công đoạn chế tạo các thiết bị cồng kềnh và lắp máy, Lilama và các nhà thầu Việt Nam cũng không giành thêm được các công việc liên quan đến thiết bị nhà máy điện trong dự án này. Ngay cả các dự án nhà máy điện Cà Mau, nhà máy điện Nhơn Trạch được giao cho các DN Việt Nam làm tổng thầu EPC, thì phần thiết bị, công nghệ chính vẫn phải do nhà thầu phụ nước ngoài thiết kế, chế tạo và bảo hành, DN trong nước không đáp ứng được.

Kinh nghiệm đấu thầu cũng là một điểm DN cơ khí Việt Nam đang thiếu và yếu.  Ông Bùi Quang Hải - Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp công nghiệp (Imeco) - nơi đã từng xuất lô hàng 600 tấn thiết bị cơ khí siêu trọng siêu trường cho khách hàng Promecon (Đan Mạch) cho hay, với tiêu chí phải có 3 năm kinh nghiệm mới được tham dự đấu thầu, nhiều DN cơ khí Việt Nam đã bị loại ngay từ ngoài vì “có được làm đâu mà có kinh nghiệm”. Đã không làm thì lần sau cũng vẫn chưa có kinh nghiệm để tham gia đấu thầu được - ông Hải nói.

Tập trung cho thế mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, công nghệ của ngành cơ khí Việt Nam đến nay vẫn lạc hậu 30 - 40 năm so với trình độ của khu vực và lên đến 50 - 60 năm so với các quốc gia phát triển. Những sản phẩm mới như tàu biển, xe buýt, thiết bị nhà máy điện... vẫn phải chế tạo theo thiết kế của nước ngoài. Vai trò của ngành cơ khí trong nước thực chất vẫn chỉ là gia công, lắp ráp.

Nguyên nhân trước hết là do hướng phát triển các doanh nghiệp không đi vào chuyên môn hóa theo chiều sâu, mà hầu hết lại chọn phát triển theo chiều rộng với định hướng sản phẩm không rõ ràng. Chính hướng đi này không giúp ngành cơ khí có nhiều cơ hội đầu tư vốn và chất xám để giải quyết được những nhược điểm căn bản về kỹ thuật, công nghệ, vốn có liên quan trực tiếp đến chất lượng và đẳng cấp của sản phẩm. Đồng thời, nó cũng làm cho thị trường bị phân tán, khiến cho không doanh nghiệp nào có được đơn đặt hàng một loại thiết bị với số lượng đủ lớn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp Phan Đăng Tuất nói rằng, điều quan trọng là đưa ngành cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó ưu tiên phát triển những sản phẩm, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh hoặc có thị trường tiêu thụ lớn. Về phía mình, Hiệp hội cơ khí Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ nên lựa chọn một số sản phẩm cơ khí chế tạo trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm để tập trung đầu tư; dành vốn hoặc bảo lãnh cho vay nước ngoài để gấp rút đầu tư những nhà máy quan trọng, có công nghệ tiên tiến để chế tạo thiết bị đồng bộ, máy phục vụ nông nghiệp và chế biến nông lâm ngư nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu.

Ngoài ra, vai trò của Nhà nước, của cơ quan chức năng trong việc tạo ra thị trường cho DN Việt Nam, cho người lao động Việt Nam là rất cần thiết. Theo hướng này, cần phải có những hàng rào kỹ thuật như các tiêu chí về bảo hành, bảo dưỡng thiết bị máy móc, công nghệ... một cách cụ thể để buộc các nhà thầu nước ngoài phải chia sẻ bớt công việc cho các DN trong nước.