Kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới: Nhất thời hay tất yếu?

Diệu Minh 19/08/2010 00:00

Chỉ số kinh tế do chính phủ Nhật Bản công bố tuần này xác nhận Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để giành lấy ngôi vị á quân trong bảng xếp hạng các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Liệu đây là sự vươn lên nhất thời trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản suy yếu tương đối hay đây sẽ là xu hướng tất yếu trong cán cân kinh tế toàn cầu?

Nhật Bản đã đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về tay Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang lấy lại động lực với tốc độ phục hồi nhanh trong quý II năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tính đến thời điểm hiện tại đạt 0,4%, cách xa mức dự báo 4,4% trong quý đầu năm. Đối với quốc gia có nền kinh tế trì trệ hơn một thập niên qua, các con số trên phản ánh sự xuống dốc của cả kinh tế lẫn chính trị. Sự thụt lùi này cũng cho thấy rõ những tác dụng ngược từ hiệu ứng phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trung Quốc từng được đánh giá ít chịu ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Trong nửa đầu năm nay, chỉ số GDP của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đang dần lấn lướt người láng giềng ở Đông Bắc Á và sẽ thể hiện rõ nét nhất cho tới cuối năm 2010 do sự khác biệt về mức độ tăng trưởng của từng nước trong giai đoạn hiện nay. Ước tính, tăng trưởng của Trung Quốc đạt 10%/năm, trong khi kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng từ 2-3% trong năm 2010. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa hai nền kinh tế đã dần thu hẹp trong suốt ba thập kỷ qua và Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản.

Sự yếu đi tương đối của kinh tế Nhật Bản và sự miễn dịch của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng khiến các nhà phân tích kinh tế cho rằng, ngôi vị á quân mà Trung Quốc vừa giành được chỉ mang “tính biểu tượng” và “nhất thời” bởi nếu xét về thực lực kinh tế, Nhật Bản vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Xét về sức mua - một chỉ số kinh tế quan trọng hơn, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần một thập kỷ; và khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc tính bằng đồng USD được xác định là vượt Nhật Bản, nó chủ yếu là nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê. Ví dụ, nếu xây hai căn nhà giống hệt nhau ở hai nước, sử dụng cùng một loại vật liệu và nhân công, ngôi nhà ở Nhật Bản sẽ tạo ra một lượng GDP lớn gấp ba lần ở Trung Quốc, bởi mọi thứ ở Nhật Bản đều đắt đỏ hơn. Nhưng đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản là rất quan trọng, nó cho thấy sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu.

Đối với Trung Quốc, sự kiện trên sẽ tác động tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước, bởi sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới “soi mói” nhiều hơn và mong muốn Trung Quốc “gánh” một trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì chính sách ngoại giao vừa phải, nhưng giờ đây Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sẽ là nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới trong năm sau. Những dấu mốc đó khiến Trung Quốc không còn mấy lý do để “giấu mình”.

Sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã công khai thách thức vai trò của đồng USD như là đồng tiền dự trữ toàn cầu và còn đi đầu phong trào đòi hỏi sự hiện diện công bằng hơn trong các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng Trung Quốc là một nền kinh tế “đang phát triển” và không thể đi đầu trong các sáng kiến toàn cầu hoặc đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn như giảm khí thải CO2 hay thả nổi đồng tiền để tái cân bằng nền thương mại thế giới. Trung Quốc trấn an rằng “không nên quá coi trọng chỉ số GDP” mà cần nhìn vào thu nhập bình quân đầu người. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ đạt 3.600 USD/năm, đứng thứ 105 trên thế giới, chưa bằng 1/10 của Nhật Bản hay Mỹ.

Bề ngoài, Trung Quốc bày tỏ vui mừng khi tạm thời leo lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - ngôi vị mà Nhật Bản độc chiếm trong suốt 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, nếu tính trong 6 tháng đầu năm, GDP của Nhật Bản vẫn cao hơn Trung Quốc (2.578 tỷ USD so với 2.532 tỷ), giúp Nhật Bản duy trì vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Song với đà tăng trưởng mạnh, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản sẽ là điều khó tránh khỏi. Nhìn lại quá khứ, hơn 30 năm kể từ khi mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc đã lần lượt vượt qua Pháp, Anh và Đức để trở thành một trong những cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới. Giờ đến lượt Nhật Bản bị qua mặt và nếu dự đoán của công ty tư vấn Pricewaterhouse Coopers chính xác, thì chỉ trong một thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ có thể hất cẳng đối thủ cuối cùng là Mỹ để nắm giữ cây gậy chỉ huy. Vượt Nhật Bản có thể chỉ là nhất thời trong trước mắt, nhưng sự vươn lên của Trung Quốc có vẻ như sẽ là tất yếu trong dài hạn.

Diệu Minh