Presstrip - chiến lược quốc gia

Nguyên Anh 11/08/2010 00:00

Đại diện các công ty lữ hành, các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, tổ chức cho các đoàn báo chí đến trực tiếp trải nghiệm và viết bài giới thiệu du lịch Việt Nam (presstrip) hiệu quả hơn nhiều so với cách quảng cáo thông thường. Tuy nhiên, có vẻ cách làm này chưa được quan tâm ở tầm quốc gia.

Đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2009, ông Bert Roeyen (Công ty Truyền thông FLP của Bỉ) cho biết: chi phí quảng cáo trên báo hoặc tạp chí của Bỉ hay châu âu khoảng 25.000 euro cho1/4 trang (quảng cáo trên truyền hình còn đắt hơn nhiều). Với kinh nghiệm trên 40 năm làm báo, chuyên về mảng du lịch và cũng đã đến nhiều nước theo chương trình presstrip, ông Bert Roeyen khẳng định, giá này quá đắt so với việc mời các nhà báo nước ngoài đến trực tiếp trải nghiệm thực tế sống động và viết bài, đưa tin về điểm đến nào đó.

Thực tế, nhận thấy hiệu quả của cách làm này, tại Việt Nam, thời gian qua các công ty lữ hành hoặc các địa phương cũng mời một số đoàn presstrip hoặc famtrip (đại diện các hãng lữ hành kết hợp với đại diện một số hãng thông tấn, báo chí) đến khảo sát tiềm năng du lịch tại địa phương hoặc quảng bá cho sản phẩm mới cho công ty. Theo Giám đốc Marketing và Kinh doanh Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt, cách làm này thúc đẩy việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới hơn hẳn cách quảng cáo bâng quơ. Sau thời gian trải nghiệm thực tế, các nhà báo sẽ thay chúng ta giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam và thuyết phục khách hàng, độc giả của họ một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các công ty hay địa phương nếu tổ chức đón đoàn presstrip thì chủ yếu nhằm quảng bá sản phẩm của địa phương hoặc công ty đó. Còn để quảng bá hình ảnh quốc gia, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.

Cùng chung ý kiến trên, Giám đốc Công ty cổ phần lữ hành Hapro Phùng Quang Khải cho rằng, presstrip không thể do một đơn vị đứng ra tổ chức, bởãi kinh phí lớn và nó mang tính giới thiệu hình ảnh chung của điểm đến. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như chưa chủ động hoặc phối hợp mời các đoàn presstrip để quảng bá hình ảnh quốc gia một cách quy mô và đúng nghĩa. Vì thế, mặc dù đặt mục tiêu sẽ phối hợp và hỗ trợ thực hiện khoảng 1.500 bài viết quảng bá du lịch Việt Nam trên báo chí quốc tế trong năm 2010 này (đã đạt được hơn 900 bài viết trong 6 tháng đầu năm), nhưng khi được hỏi về kế hoạch thời gian tới, Giám đốc phụ trách khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Công ty truyền thông Mandarin Media (Mỹ) Jim Sullivan cho biết: “Mandarin Media chưa thể đưa ra chiến lược để quảng bá cho du lịch Việt Nam bởi chúng tôi không được các cơ quan liên quan trả tiền để làm việc đó. Chúng tôi chỉ lập kế hoạch cho từng khách hàng của mình dựa trên các loại dịch vụ như du lịch, phong cách sống, golf, du lịch trăng mật và ẩm thực. Nhưng Việt Nam luôn chiếm một phần quan trọng trong những câu chuyện của chúng tôi. Khi chúng tôi kể về những điểm nổi bật của khách hàng của mình thì đồng thời chúng tôi cũng nói về Việt Nam”.

Nguyên Anh