Cần Kiệm lưu giữ các kỷ vật về Bác

Tân An 08/08/2010 00:00

Rộng chừng một sào Bắc bộ, nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội mang một vẻ xưa ấm áp với ngôi nhà tranh 8 gian. Toàn bộ kiến trúc cũng như cảnh quan được phục nguyên như khi Bác Hồ sống và làm việc ở đây vào cuối năm 1946, đầu 1947...

04-can-kiem-22010-300.jpg

Cuối năm 1946, đầu 1947, cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Hà Nội đã lan rộng ra các xã ngoại thành và ngày một trở nên ác liệt hơn. Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã di chuyển nơi ở và làm việc gần với mặt trận. Từ tối 13.1-3.2.1947, Bác về ở và làm việc trong ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê, xóm Lài Cái, thôn Phúc Đa, Cần Kiệm, Thạch Thất, Sơn Tây xưa, nay thuộc Hà Nội.

Trong thời gian ở Cần Kiệm, Bác Hồ có nhiều cuộc gặp gỡ các cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ, họp bàn và giải quyết những công việc lớn về kháng chiến và kiến quốc. Tại căn nhà này, Người đã soạn thảo, sửa chữa những tài liệu, văn kiện quan trọng như: Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến; Thư gửi các chiến sỹ cảm tử quân Thủ đô; nhiều điện văn gửi Chính phủ, các nhà lãnh đạo, các chính khách Pháp, ấn Độ, Miến Điện. Người đã hoàn chỉnh và cho phát hành rộng rãi các tài liệu như Vấn đề du kích, Chiến thuật du kích, Người chính trị viên…

Những năm sau này, ngôi nhà của cụ Nguyễn Đình Khuê được hai người con trai của cụ thừa kế. Đến năm 1963, một trong hai người con cụ Khuê chuyển cư lên xã Đông Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình, đã dỡ một nửa ngôi nhà cũ đến dựng ở nơi ở mới. Năm 1975, nhân dân và chính quyền địa phương quyết định xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ ở thôn Phúc Đa, xã Cần Kiệm, tại chính ngôi nhà mà Người đã sống và làm việc cuối năm 1946 đầu năm 1947. Khi đó, một nửa ngôi nhà xưa cũng được người con trai cụ Nguyễn Đình Khuê cho đưa từ Lương Sơn, Hòa Bình về, và toàn bộ ngôi nhà được phục nguyên như hơn nửa thế kỷ trước, trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ, và ngày 13.5.1993, được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cách mạng.

Toàn bộ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Cần Kiệm rộng chừng một sào Bắc bộ, mang một vẻ xưa ấm áp. Một ngôi nhà tranh 8 gian, 2 dĩ, mé trái là căn nhà bếp 3 gian. Trước nhà là khoảng sân đất, cuối sân có 1 cây mít và 3 cây cau. Xưa kia, nhà lợp tranh. Ngày nay, nhà lợp lá gồi để dễ giữ gìn, bảo quản, nhưng bên trên vẫn phủ một lớp tranh, để mái nhà vẫn giữ vẻ xưa. Trước đây, tường hồi và tường hậu làm theo kiểu trình đất, nay thay bằng tường gạch xây vôi cát, vẫn giữ màu đất. Toàn bộ kiến trúc cũng như cảnh quan được phục nguyên, có dáng vẻ bình dị như bao ngôi nhà dân  xóm Lài Cái, thôn Phúc Đa, Cần Kiệm. Bên trong ngôi nhà chính của Di tích, gian giữa đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những gian kế đó trưng bày nhiều mảng hiện vật lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những ảnh chụp, phiên bản các tài liệu, văn kiện Người đã viết hoặc sửa chữa, những sơ đồ... phản ánh những công việc Bác đã làm trong thời gian sống ở đây. Trong đó, có thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ vào ngày 21.1.1947; một số bản thảo, như Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Chiến thuật du kích... và bức đại tự chữ Hán Cung chúc tân xuân do Bác viết tặng cụ chủ nhà Nguyễn Đình Khuê nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Hợi.

Ngoài ra còn có mảng trưng bày bổ sung, phản ánh những hoạt động của Bác Hồ qua các chặng đường cách mạng, và những hình ảnh về cuộc kháng chiến của quân, dân ta. Có hai gian trưng bày phục nguyên chỗ ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật trưng bày đều là hiện vật gốc, đó là chiếc giường tre cũ, đơn sơ Bác nằm, là bộ bàn ghế mộc mạc xưa Bác ngồi làm việc... Những gì tại khu di tích hôm nay vẫn được lưu giữ như gần 70 năm trước, khi Hồ Chủ tịch đến sống và làm việc trong những ngày tháng lịch sử của dân tộc.

Tân An