Trang trí giếng làng - nét văn hóa dân gian đặc sắc của miền quê nước Anh
Ở vùng cao nguyên quận Peak thuộc miền trung Nam nước Anh, người ta vẫn còn đang duy trì một phong tục cổ xưa hết sức độc đáo: đó là cầu phước từ các nguồn nước, giếng nước. Phong tục này tồn tại cả ở khu vực lân cận như Nam Yorkshire và Đông Staffordshire. Thực tế, nó gần như bị quên lãng vào những năm 50, sau đó mới được khôi phục lại và phát triển mạnh mẽ để phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch của đất nước.

Vào khoảng năm 1348 – 1349, thời kỳ Cái chết Đen xảy ra khiến một phần ba dân số nước Anh bị chết vì bệnh tật nhưng một số ngôi làng trong đó có làng Tissington, người dân vẫn bình an vô sự.
Người dân địa phương cho rằng chính nguồn nước sạch ở đây đã giúp họ thoát khỏi dịch bệnh và để tỏ lòng biết ơn họ đã thiết lập nên một nghi lễ hết sức thành kính, gọi là nghi lễ trang trí giếng làng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu sử học, thậm chí, phong tục trên còn xuất hiện từ rất lâu trước đó, có thể từ thời ngoại giáo, và là một trong những nghi lễ cổ xưa quan trọng của nhiều vùng với hy vọng nó sẽ mang đến sự màu mỡ cho đất.
Hàng loạt các giếng làng ở miền quê nước Anh bắt đầu được trang trí bắt mắt khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 9. Theo truyền thống, làng Tissington là nơi cử hành sớm nhất vào cuối tháng 5, và làng Eyam là nơi cử hành cuối cùng lễ hội lớn này vào cuối tháng 8. Bên ngoài quận Peak, những vùng trang trí giếng làng có Chesterfield, Etwall (gần Derby), Endon và Penistone (Nam Yorkshire).

Công việc trang trí giếng làng đã tô điểm cho các vùng nông thôn vào những ngày hè và cũng là một loại hình nghệ thuật dân gian đẹp, tinh tế, đòi hỏi sự khéo léo đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong khu vực này. Gần như toàn bộ dân làng đều tham gia công việc trang trí giếng và thường mất khoảng mười ngày để thực hiện. Đất sét ướt được san bằng và ấn sao cho có độ dày vài inch trên một bảng bằng gỗ (bảng gỗ này thường có một hàng đinh đóng sẵn để giữ đất sét dính chặt). Người ta châm lỗ trên bề mặt lớp đất sét theo thiết kế sau đó ấn hàng ngàn cánh hoa đủ màu sắc thành các hình khác nhau lên trên. Ngoài các cánh hoa, người ta còn dùng rơm rạ, thậm chí đậu lăng, mỳ ống để tạo ra các điểm nhấn trang trí đặc biệt. Kỹ năng chủ yếu ở đây là việc tạo mẫu màu hoa phù hợp với thời điểm trang trí giếng khi cây cỏ đầu mùa hè chưa đơm hoa nhiều. Đất sét được tưới nước giữ ẩm để tránh bị nứt nẻ và rơi rụng cánh hoa. Đây là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức.

Hiện chưa có văn bản nào quy định việc thiết kế mẫu trang trí giếng làng. Người ta thường dùng hình ảnh trong kinh thánh hoặc tưởng nhớ tới một vùng đất hoặc sự kiện trọng đại nào đó làm cảm hứng sáng tác. Một số làng lại có chủ đề riêng, chẳng hạn, ở làng Tideswell, mỗi năm người ta lại trang trí giếng thành hình nhà thờ khác nhau.

Sau khi bảng trang trí giếng được dựng lên bên cạnh giếng làng người ta sẽ tiến hành cầu nguyện ngoài trời, và thường thuê một ban nhạc trong dịp này. Thông thường, người ta sẽ đi khắp thị trấn và lần lượt đến từng giếng tiến hành cầu nguyện. Các buổi lễ cầu phước từ giếng làng thường là tín hiệu cho sự khởi đầu của một tuần lễ kỷ niệm với hàng loạt các sự kiện và kết thúc là lễ hội hóa trang. Và chính những sự kiện này đã tạo nên bản sắc văn hóa rất quyến rũ, độc nhất vô nhị cho miền quê nước Anh mà không một nơi nào trên thế giới có được.