Thông điệp từ vịnh Persic
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 2.8 đã đề xuất nói chuyện “trực diện” với Tổng thống Mỹ Barack Obama và khẳng định Tehran “sẵn sàng đối thoại ở cấp cao nhất” với Washington. Trong khi Mỹ vẫn chưa có câu trả lời, các chuyên gia cho rằng, đây là “chiếc thang giúp Tổng thống Obama bước xuống từ con ngựa bất kham”. Cuộc gặp giữa Mỹ và Iran được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích, thậm chí có thể giúp Mỹ tránh được thất bại tại Afghanistan.

“Tháng 9 tới tôi sẽ tới New York để dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ. Tôi sẵn sàng ngồi với Tổng thống Obama, mặt đối mặt, để nói chuyện thoải mái về những vấn đề quốc tế và để tìm ra giải pháp tốt nhất cho những vấn đề đó” - Tổng thống Iran Ahmadinejad phát biểu trong cuộc gặp với những người Iran ở nước ngoài hôm 2.8. “Chính phủ Mỹ mới đây tuyên bố, họ sẵn sàng đối thoại ở cấp cao. Điều đó rất tốt. Chúng tôi cũng ủng hộ đối thoại và sẵn sàng đối thoại ở cấp cao nhất trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau” - ông nói thêm, ám chỉ những cáo buộc của phương Tây đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Hiện giờ, câu hỏi lớn đặt ra không phải là liệu các cuộc đàm phán Mỹ-Iran có được nối lại hay không, mà là các cuộc đàm phán này nên được tổ chức với quy mô như thế nào. Có ý kiến cho rằng, chương trình nghị sự nên được mở rộng hơn và đề cập đến những lo ngại an ninh hiện là trọng tâm của tình trạng bế tắc giữa Mỹ và Iran.
Trao đổi với đài BBC tuần trước, Suzanne Dimaggio, Giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách của Trung tâm tư vấn Xã hội châu Á cho rằng, hai bên có rất nhiều điều muốn nói với nhau. Phía Iran đã nói rõ, họ đang sống tại một khu vực nóng mà xung quanh là các nước có vũ khí hạt nhân như Nga, Pakistan, Israel.
Về phần mình, Mỹ nên thuyết phục Iran can dự một cách tích cực trong vấn đề Afghanistan. Trên thực tế, vụ rò rỉ thông tin Wikileaks vừa qua cho thấy Mỹ đã tự đẩy mình vào thế mắc kẹt ở Afghanistan do quá phụ thuộc vào quân đội Pakistan. Trong khi đó, Mỹ nên hiểu rằng cái bắt tay với Iran có thể là nhân tố quyết định làm thay đổi tình hình Afghanistan trong chiến lược AfPak (Afghanistan-Pakistan) của Obama.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy trong những tuần sau khi xảy ra vụ tấn công 11.9.2001, Tehran đã công khai bày tỏ thiện chí muốn hợp tác với Washington khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan với hy vọng đề xuất này giúp làm hạ nhiệt thái độ thù địch của Washington đối với chính quyền Tehran. Đề xuất này đã không đơm hoa kết trái, là do cái nhìn hạn hẹp của Chính quyền Mỹ thời đó.
Nếu Mỹ để ý họ sẽ nhận thấy những quan ngại lâu nay của Iran về Taleban trên thực tế không khác với những quan ngại của Chính quyền Obama. Iran cũng coi sự hồi sinh của Taleban là mối nguy an ninh. Thậm chí, Iran còn coi tư tưởng Hồi giáo Wahhabi của Taleban là nguy hiểm và coi các tổ chức của Taleban - chẳng hạn mạng lưới Haqqani- là những quân tốt đen qua Pakistan và Ảrập Xêút gây ảnh hưởng tại Afghanistan. Cũng như Washington, Tehran rất lo ngại việc Taleban sẽ chiếm được thủ đô Kabul sau khi quân Mỹ rút khỏi mảnh đất này.
Bên cạnh đó, Mỹ và Iran còn gặp gỡ ở một điểm khác khi họ đều không tỏ ra “cứng rắn” trước thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Kabul. Chủ trương của Tehran về phát triển các liên minh đa cực trong nội bộ Afghanistan và việc Iran nhận thức được rằng, cần phải có sự cân bằng khu vực trong bất kỳ giải pháp nào cho Afghanistan, có thể sẽ hữu ích đối với Chính quyền Obama.
Trong bối cảnh chiến lược “hòa giải” của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đang gây ra những phản ứng dữ dội trong các cộng đồng không phải người Pashtun và các đồng minh Afghanistan của Iran, thì Tehran lúc này có thể trở thành chiếc cầu nối hữu ích, giúp Chính quyền của ông Karzai bước lại gần hơn với những nhóm này, thậm chí có thể kích động họ chống lại Taleban. Với ảnh hưởng của mình với một số tộc người ở Afghanistan, Iran có thể giúp ích cho Mỹ trong việc loại bỏ nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến mới ở chính trường Afghanistan.
Có rất nhiều lĩnh vực mà các chiến lược ở Afghanistan của Mỹ và của Iran có thể bổ sung cho nhau. Nếu cuộc đàm phán được tiến hành, điều mà Mỹ và Iran nên làm là gây dựng lòng tin. Trong hoàn cảnh hiện nay, Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để thuyết phục Iran quay lại hợp tác với mình trong vấn đề Afghanistan. Hiện tại Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác là giải tỏa những quan ngại lâu nay của Tehran về Taleban, cán cân quyền lực và ý định của Mỹ đối với Iran.
Theo Asia Times